.

Vận động học sinh ra lớp ở Thượng Trạch - Bài 2: Những người thầy khéo làm dân vận

Thứ Tư, 10/09/2014, 15:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Để duy trì được sĩ số thường xuyên sau hè, các giáo viên phải nỗ lực hết mình trong điều kiện thiếu thốn bộn bề, về tận bản, vào tận nhà vận động phụ huynh cho con em tới trường. Họ “bỗng” trở thành những cán bộ làm công tác dân vận miệt mài, tâm huyết trong hành trình đưa con chữ về với bản làng xa xôi...

>> Bài 1: Cuộc "vật lộn" đầu năm học

Cùng ăn, cùng ở...

Trời chập tối, chúng tôi tìm vào nhà của trưởng bản Đinh Két, nhờ Đinh Két thông báo bà con tối nay họp bản chuẩn bị cho ngày mai ra lớp. Đúng lúc, cả nhà trưởng bản đang ăn cơm, vậy là cả đoàn chúng tôi được mời nhập mâm. Bữa cơm chỉ đơn giản là mấy vắt xôi vò chấm với canh môn rừng.

Thầy Hiếu mở túi pha thêm mấy gói mì tôm mang theo lúc chiều, bữa cơm tối đạm bạc mà ngon đến lạ. Đúng 7h tối, trưởng bản Đinh Két đánh kẻng gọi họp bản. Khoảng 10 phút sau, bà con tập trung đông đủ tại nhà Đinh Két chỉ trừ những người ở rẫy không về kịp. Thầy Tuấn bắt đầu thưa chuyện với bà con, lúc nói tiếng người Kinh, lúc lại nói tiếng người Ma Coong, chẳng hiểu thầy nói những gì nhưng bà con ai cũng chăm chú lắng nghe, lâu lâu lại gật gù ra vẻ hiểu ý lắm.

Đến khuya hỏi lại, thầy Tuấn mới phiên sang tiếng Kinh cho nghe. Té ra, sau mấy năm lên công tác tại Thượng Trạch với thành tích “ăn dầm, ở dề” tại các bản, thầy Tuấn cũng trang bị thêm được cái vốn “ngoại ngữ” này. Thầy Tuấn chia sẻ, người Ma Coong tốt tính và thiệt bụng lắm, chỉ cần mình nói cho họ hiểu là họ làm theo liền. Mình học tiếng bà con, để hiểu họ nói và nói cho họ hiểu.

Thầy giáo dẫn các em học sinh về lớp.
Thầy giáo dẫn các em học sinh về lớp.

Sau khi thầy Tuấn thưa chuyện xong, đến lượt thầy Hiếu điểm danh từng phụ huynh học sinh và dặn dò sáng sớm ngày mai cho con em tập trung để về lớp. Những ai vắng mặt nhờ trưởng bản Đinh Két thông báo lại. Mọi người đều có vẻ đồng tình rất cao, thầy Hiếu rót rượu mời bà con cùng uống. Đêm đó, chúng tôi cùng ngồi chung với bà con dân bản cùng uống rượu, hát hò tới khuya mới đi ngủ...

Đi “bắt” học sinh

Từ sáng sớm các thầy đã dậy để canh chừng các em trốn lên rẫy. Ăn vội bát mì tôm, chúng tôi theo thầy Hiếu vào bản gọi học sinh tập trung để đến lớp. Bản Cồn Roàng có 45 hộ, các thầy đi gọi cửa từng nhà, dắt các em ra tập trung tại nhà trưởng bản rồi lại tiếp tục đi từ nhà này qua nhà khác. Thầy Tuấn bảo: “Phải đến từng nhà mới được việc, nếu không các em lại lẩn vào rừng thì đừng hòng tìm được”.

Cũng theo công tác vận động này, có nhiều trường hợp dở khóc dở cười, các thầy cũng chỉ biết ngậm ngùi. Nói nặng lời là bà con tự ái, không chịu theo thầy tới lớp.  Như năm ngoái, thầy vào gọi tận nhà thì gặp bố mẹ các em không muốn cho con đến trường. Khi thầy hỏi em Đinh Lức mô rồi, bảo “không biết”. Vậy ai nằm đó? “Nó đó”. Nó là ai? “Thằng Đinh Lức con miềng”. 

Hay vào nhà thấy trò đang ngủ, lay gọi dậy đi học thì bảo “mắc ngủ thầy”, “mắc say thầy” rồi vùi đầu ngủ tiếp. Những lúc như thế, thầy đành phải chờ hết sự “mắc” của trò rồi thuyết phục mãi mới chịu. Nhưng cũng có những bố mẹ rất tiến bộ, chủ động sắp xếp áo quần cho con ra lớp. Chị Y Bui, mẹ của em Đinh Luận chẳng hạn. Từ sáng sớm, chị dậy nấu xôi cho con, khâu lại mấy bộ quần áo, cắt tóc mới, đi đổi tiền cho con theo thầy ra lớp. Y Bui bảo: “Nhờ các thầy cho nó đi học lấy cái chữ, mở mang hiểu biết, sau này nó không đói nghèo như bố mẹ nó nữa”.

Năm nay cả bản Cồn Roàng có 20 em học sinh theo học trường nội trú, nhưng đến khi mặt trời ló qua đỉnh núi, chỉ tập trung chưa được 10 em, toàn là nữ. Có những em đã ra tập trung rồi nhưng trốn biệt đâu mất. Hai thầy giáo lại chạy khắp bản đi tìm chẳng thấy. Cuối cùng vào nhà em Đinh Sập thấy em đang nằm ngủ, gọi mãi mới chịu dậy. Nói một thôi một hồi, cuối cùng Định Sập cũng chịu ra lớp.

Ra đứng giữa bản, Đinh Sập hú lên gọi một hồi vang cả núi, từ trong những tán cây rừng, các em lục tục bước ra. Hỏi mới biết, trong đám học sinh, Đinh Sập có tiếng nói nhất, thấy Đinh Sập không đi học nên những em nam khác cũng lẩn vào rừng trốn biệt. Sáng hôm đó, hai thầy vận động được 15/20 ra lớp. Thầy Tuấn nói, chuyến đầu mà được như vậy cũng có thể coi là một thành công của năm nay, những em còn lại đang ở rẫy nhờ trưởng bản Đinh Két nói lại. Vài hôm nữa không thấy ra lớp thì phải vào tiếp chuyến nữa.

Trên đường ra, quen đi rừng nên các em ở đi rất nhanh, bắt khổ các thầy đi cho kịp sợ trò lẩn mất. Đi được nửa đường thì thiếu mất một em, hỏi mãi mới hay đang đi vệ sinh. Vậy là thầy Hiếu tiếp tục dắt các em về, còn thầy Tuấn đứng lại chờ trò “giải quyết nỗi buồn”.

Thầy Tuấn bảo: “Về đến trường rồi mới yên tâm được. Năm nào đi vận đồng đầu năm học đều có những chuyện dở khóc dở cười hết”.

Xuân Phú

Bài 3: Vì những mầm xanh giữa đại ngàn