.

Thành lập một câu lạc bộ máu hiếm: Để giọt máu trao nghĩa ân tình...

Thứ Ba, 09/09/2014, 15:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Máu là một dược phẩm vô cùng quý giá, chưa một chế phẩm nào có thể thay thế được và con người cũng chưa thể tự tạo hay sản xuất máu. Và nếu không có máu để cấp cứu và điều trị, người bệnh sẽ chết.

Vì lẽ đó, các chương trình hiến máu tình nguyện được tổ chức thường xuyên, và nhất là gần đây, Hành trình đỏ “Kết nối dòng máu Việt” với nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai qua hơn 25 tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về vai trò, tầm quan trọng của phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng được củng cố và nâng cao. Tuy nhiên, hiện tại, một câu lạc bộ dành cho những người có nhóm máu hiếm (Rh-) vẫn còn nhiều khó khăn để hình thành và phát triển.

Đầu tháng 7, một nữ bệnh nhân ở thị xã Ba Đồn trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới đã bị xuất huyết trong nghiêm trọng, mất máu ồ ạt và dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Nhóm máu của chị mặc dù không phải là nhóm máu hiếm (Rh-), nhưng do trữ lượng nhóm máu này của bệnh viện ít ỏi, nhu cầu truyền máu lại cao và yêu cầu của bác sĩ lại là truyền máu toàn phần, cho nên, vấn đề thiếu máu trở nên vô cùng cấp bách, khẩn thiết.

Một mặt, người nhà bệnh nhân được huy động tối đa để lấy máu, mặt khác, các tình nguyện viên của câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện Quảng Bình đã kịp thời có mặt và sẵn sàng hiến máu cứu người. Nhờ đó, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch.

Anh Mai Thanh Phúc, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ và là người trực tiếp hiến máu, chia sẻ, mới thành lập từ đầu tháng 5-2014, nhưng với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào, hơn 50 thành viên trong Câu lạc bộ đều luôn giữ tinh thần cao nhất để tham gia và xem đây như một trách nhiệm cao cả đối với cộng đồng xã hội. Ví dụ trên đây cho thấy một thực tế là, dù bệnh nhân có thuộc nhóm máu hiếm hay không, thì các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân và việc duy trì hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ cũng chiếm một vị trí quan trọng không kém.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hòa, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, nguồn máu của bệnh viện chủ yếu từ ba nguồn chính, đó là từ trung tâm huyết học truyền máu ở TP.Huế (nguồn này chỉ đáp ứng nhu cầu khoảng 50%, thậm chí có thời điểm cũng chưa đủ tỷ lệ này), từ người nhà bệnh nhân và từ đội ngũ tình nguyện viên. Ngay tại bệnh viện, đoàn viên thanh niên cũng được xem là một “ngân hàng máu sống”, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu máu trong những thời điểm cần thiết.

Hiến máu cứu người luôn là nghĩa cử cao đẹp nhất, đặc biệt với những người thuộc nhóm máu hiếm Rh-
Hiến máu cứu người luôn là nghĩa cử cao đẹp nhất, đặc biệt với những người thuộc nhóm máu hiếm Rh-

Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức của người nhà bệnh nhân về tầm quan trọng của máu vẫn chưa cao, họ vẫn còn tâm lý phụ thuộc vào nguồn máu của bệnh viện. Trong khi đó, máu không thể trữ lâu dài, quá thời hạn, phải đem đi tiêu hủy, vì vậy, bệnh viện không thể nhập máu ồ ạt, mà phải có sự cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng. Hiện tại, nguồn máu của bệnh viện không phải dồi dào, mà mới chỉ đáp ứng từ 50-70% nhu cầu của bệnh nhân.

Do đó, những người mang nhóm máu hiếm Rh- luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm trong quá trình cấp cứu và điều trị. Với những nét đặc thù riêng của nhóm máu này (chỉ có 0,04% số người ở Việt Nam thuộc nhóm máu Rh-), ngân hàng máu của Bệnh viện không trữ một đơn vị nào và tỉnh ta cũng chưa có một câu lạc bộ máu hiếm.

Từ đầu năm 2013 đến hết 6 tháng năm 2014, 4 trường hợp cần truyền nhóm máu Rh- (chiếm tỷ lệ gần 0,05% tổng các trường hợp cần truyền máu của bệnh viện) đều được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để cấp cứu, điều trị. Do đó, một câu lạc bộ máu hiếm là rất cần thiết, nhất là khi TP.Đồng Hới lên đô thị loại II trực thuộc tỉnh và sẽ không ngừng mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc hơn.

Ông Trần Duy Tường, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết, hiện nay, tỉnh ta vẫn duy trì một nhóm hơn 40 người thuộc nhóm máu hiếm Rh- (hoặc O Rh- hoặc A Rh- hoặc B Rh- hoặc AB Rh-). Nhưng, các thành viên chủ yếu sinh hoạt ở câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung, với trụ sở tại TP.Huế, còn tại tỉnh ta, sự kết nối lại vô cùng lỏng lẻo.

Chị Trần Hải Quỳnh (TP.Đồng Hới) chia sẻ, ngay khi bắt đầu biết mình thuộc nhóm máu hiếm B Rh- vào năm 2012 trong một lần hiến máu tình nguyện, chị không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhưng sau quá trình tìm hiểu và được sự trợ giúp tích cực từ Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung, chị đã tự tìm đến những người cùng nhóm máu hiếm như mình và cùng sát cánh, sẻ chia lúc mọi người cần mình nhất.

Từ 2012 đến nay, chị đã một lần trực tiếp vào TP.Huế để hiến máu cứu người bệnh và cũng thường xuyên giữ liên lạc với các thành viên thông qua mạng xã hội hoặc các buổi gặp mặt cuối năm. Tuy nhiên, với hơn 40 thành viên tại Quảng Bình, sự liên kết hầu như không có, chị Quỳnh chỉ có thể giữ liên lạc từ 2-3 người.

Những người còn lại, một phần là học sinh, sinh viên thường xuyên thay đổi địa chỉ, một phần là do nhận thức về tầm quan trọng của nhóm máu hiếm này chưa cao, cho nên hầu như rất khó giữ liên lạc và huy động khi cần. Mong muốn của những người mang nhóm máu hiếm như chị Quỳnh là được tạo điều kiện để duy trì một câu lạc bộ ngay tại quê nhà, để vừa sẵn sàng hiến máu cứu người, vừa được người cùng nhóm máu giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa khẳng định, trước mắt chúng ta cần triển khai một dự án có quy mô toàn tỉnh để huy động nguồn kinh phí, nguồn lực để điều tra, phát hiện người có nhóm máu hiếm, cũng như duy trì hoạt động câu lạc bộ máu hiếm, triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ làm công tác liên quan.

Ông Trần Duy Tường cho biết, sắp tới bên cạnh mở rộng quy mô câu lạc bộ hiến máu tình nguyện đã có, với ít nhất mỗi huyện, thành phố duy trì hiệu quả một câu lạc bộ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ nỗ lực thành lập riêng một câu lạc bộ máu hiếm để đáp ứng nhu cầu máu hiện nay của cộng đồng và mong muốn có nguồn kinh phí để hỗ trợ công tác này, nhất là trong quá trình đẩy mạnh khâu tuyên truyền.

Theo số liệu từ trang web của Hành trình đỏ, con người có tất cả 4 nhóm máu khác nhau là A, B, AB, O và yếu tố Rhesus (ký hiệu là Rh). Khi thử trong máu, nếu có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh dương tính (+), nếu không có kháng nguyên Rh thì gọi là Rh âm tính (-). Theo thống kê thì có tới 85% con người có Rh dương tính, còn tỉ lệ người có nhóm máu hiếm (Rh âm tính) rất thấp, ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,04%.

Những người mang nhóm máu hiếm này khi lâm vào tình trạng nguy cấp, nếu không có cùng nhóm máu truyền tiếp, thì tính mạng sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, việc xét nghiệm nhóm máu đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để có liệu pháp chữa trị kịp thời. Bởi khi mang thai, từ bé thứ hai trở đi, nếu bé là Rh dương tính thì khi sinh ra sẽ gặp nguy hiểm. Máu của mẹ và của con sẽ tiếp xúc nhau, người mẹ có Rh âm tính sẽ tạo ra kháng thể chống lại yếu tố Rh dương tính của bé, do đó, hủy hoại các hồng cầu của bé và gây ra thiếu máu trầm trọng, vàng da nặng cho bé, có thể, nguy hiểm đến tính mạng. 

Người nhóm máu hiếm nên tham gia vào các câu lạc bộ nhóm máu hiếm để được tư vấn, hỗ trợ, bởi chỉ có họ mới có thể giúp được chính mình.

Mai Nhân