.

Vận động học sinh ra lớp ở Thượng Trạch - Bài 1: Cuộc "vật lộn" đầu năm học

Thứ Ba, 09/09/2014, 18:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau kỳ nghỉ hè, trong khi các thầy cô giáo và học sinh miền xuôi phấn khởi chuẩn bị bước vào năm học mới thì với các thầy cô Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch ở xã miền núi Thượng Trạch thực sự là một cuộc chiến đầy cam go. Họ phải lặn lội vượt suối, băng rừng tới khắp các bản làng hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn để vận động con em người Ma Coong trở lại trường lớp...

Những ngày cuối tháng 8, theo chân các thầy giáo về bản vận động các em học sinh ra lớp chúng tôi mới thấm thía được những gian nan, vất vả và cảm phục trước tâm huyết của những người theo nghiệp gieo chữ nơi vùng biên giới rẻo cao.

Thầy dọn trường... “mời” trò về học

Đường 20 Quyết Thắng, con đường độc đạo xuyên dãy Trường Sơn vào đến trung tâm xã Thượng Trạch tại bản Cà Ròong giờ đây đã dễ đi hơn nhiều. Từ đường Hồ Chí Minh đi vào, tính ra cũng gần 50 km, nếu như trước đây, phải mất gần ngày trời, đó là chưa kể xe cộ hư hỏng dọc đường phải qua đêm giữa rừng thì nay chạy xe máy khoảng độ 2 giờ đồng hồ là tới.

Đến giữa trưa, chúng tôi có mặt tại Trường PTDT nội trú Bố Trạch. Thầy giáo Phạm Trường Thọ, Hiệu trưởng đang cùng các thầy cô trong trường dọn dẹp trường lớp. Thầy Thọ cho biết: Chỉ ngót hai tháng nghỉ hè vậy mà bao nhiêu việc phải làm, từ dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, lau chùi bàn ghế, chuẩn bị chăn màn, giường chiếu cho cả thầy lẫn trò. Lên trước 5 ngày để dọn dẹp mà đến giờ vẫn chưa xong. Thầy cô trong trường đang cố gắng làm nốt, chiều nay đi bản, ngày mai đón học sinh về.

Dạo một vòng quanh khuôn viên trường, công tác chuẩn bị đã khá tươm tất, phấn trắng, bảng đen, đặc biệt là hệ thống nhà ăn, giường ngủ đều gọn gàng sạch sẽ chỉ chờ học sinh tới lớp. Thầy Ngô Quý Đức, Hiệu phó nhà trường cho hay, cả trường hiện có 277 em học sinh ở 4 khối học, chia làm 10 lớp và 32 giáo viên, nhân viên.

Bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Năm nào cũng vậy, các thầy cô trong trường đều tập trung lên sớm để chuẩn bị chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học cho các em một cách chu đáo nhưng nhiều em vẫn không chịu ra lớp, chỉ thích ở nhà theo cha mẹ lên rừng phát nương, làm rẫy kiếm sống. Đầu năm học cũng là mùa đi bẫy của người Ma Coong, sống giữa núi rừng, hầu hết các em đều mải mê theo dấu những con thú rừng thay vì trở lại trường đi học. Và với các thầy cô trong trường, để đưa các em về lại lớp quả là một nhiệm vụ đầy khó khăn.

Sau bữa cơm trưa muộn, các thầy cô trong trường hối hả chuẩn bị lên đường vào bản. Hành trang đi bản cũng lỉnh kỉnh như dân đi rừng, đầy đủ các thứ cần thiết, áo mưa, mì tôm, nước uống và rượu...  được gói cận thẩn trong những túi ni long. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò về hai chiếc ô tô đậu ở sân trường cũng sẵn sàng lên đường, thầy Thọ cho hay, đó là xe nhà trường thuê chở học sinh về lớp, thầy cô tập trung các em lại một chỗ rồi lấy xe “tăng bo” về để tránh “thất thoát” dọc đường...

Chiều biên giới, mây giăng kín đỉnh núi, những cơn mưa rừng như chực ập xuống. Các thầy cô chia thành nhiều mũi tỏa về 18 bản làng xa xôi giữa dãy Trường Sơn “kéo” học sinh về lớp. Chúng tôi theo chân hai thầy Nguyễn Hữu Tuấn và Dương Văn Hiếu lội bộ vào bản Cồn Roàng,  thầy Tuấn bảo đây là một trong những bản khó vận động các em trở lại lớp nhất. Giữa năm, nhiều em trốn về phải đi tìm, động viên mãi mới chịu ở lại học.

Băng rừng, lội suối...

Khởi hành từ bản Cà Roòng, chúng tôi cắt rừng đi vượt qua mấy đỉnh núi để đến bản Cồn Roàng. Cơn mưa rừng chiều hôm trước làm con đường nhão nhoét bùn, trơn trượt, có những đoạn leo lên được đỉnh núi mà như muốn đứt hơi. Khổ nhất là những đoạn phải vượt suối, mùa mưa nên nước chảy xiết trên triền đá gập ghềnh, chỉ sảy chân một cái là trôi theo dòng nước. Có những con suối phải đi vòng qua 2 lần mới sang tới bờ.

Mặc dù đã được “sắm” cho một chiếc gậy để dò đường nhưng chúng tôi chật vật lắm mới qua được, còn hai thầy giáo thì nhảy qua nhảy lại trên đá, thoáng chốc đã sang tới. Thấy chúng tôi mắt tròn, mặt dẹt, thầy Tuấn cười như phân trần: “Năm nào cũng mười mấy chuyến đi bản vận động học sinh, ngã miết rồi cũng quen đường...”.

Trên đường vào Cồn Roàng chúng tôi đi qua bản Cốc và bản Cồ Tồn. Bản nào cũng vắng người, mùa này chủ yếu bà con dời lên những căn nhà chòi cheo leo trên đỉnh núi để làm rẫy. Hai bên đường đi, những rẫy ngô xanh mơn mởn báo hiệu năm nay được mùa, cũng mừng vì bà con đã tự biết trồng trọt để sinh sống nhưng về chuyện học hành, người Ma Coong còn mơ hồ lắm. Ấy vậy mới có chuyện, khi các thầy vào bản vận động cho con em đến trường thì phụ huynh hỏi ngược lại, bảo học chữ về chạy nhanh được như con thú rừng không...

Gần 4 giờ đồng hồ lội rừng, chúng tôi cũng vào đến bản Cồn Roàng. Thấy thầy giáo vào bản, nhiều em học sinh chạy lại chào. Nghe các thầy bảo ngày mai tập trung theo thầy ra lớp, em nào cũng gật đầu vui vẻ. Thầy Tuấn phấn khởi nói: “Năm nay có vẻ ổn hơn chứ như năm ngoái, sáng sớm các em đã lẩn vào rừng trốn thầy, gọi mãi chẳng chịu ra. Phải vào ra mấy chuyến cùng trưởng bản đưa ra tận trường. Nếu ngày mai mà không được một nửa thì phải ở lại đi lên rẫy gọi các em về...”

Xuân Phú

Bài 2: Những người thầy khéo làm dân vận