.

Ngôn từ khó hiểu đang được cổ súy?

Thứ Ba, 09/09/2014, 12:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Sử dụng những ngôn từ lạ, khó hiểu để giao tiếp với nhau trên các trang mạng xã hội, hay trong các tin nhắn điện thoại hàng ngày, một bộ phận giới trẻ đang muốn "thể hiện" mình. Tuy nhiên, với cách thể hiện này, các em đang dần làm biến dạng ngôn ngữ của dân tộc mình bằng thứ ngôn ngữ không biết gọi tên này.

 

Ngôn ngữ
Ngôn ngữ "nhí nhố" dễ lây lan ở các em học sinh. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng internet thì số bạn trẻ được tiếp cận với những công nghệ hiện đại ngày càng nhiều. Nó trở nên thông dụng đến mức phần lớn các giao tiếp hàng ngày đều qua các máy móc như điện thoại, máy tính. Và cũng từ đây, một thứ ngôn ngữ "mới lạ" được các bạn trẻ sáng tạo, làm mới để đưa vào sử dụng phổ biến trong giao tiếp.  

Chia sẻ về tình trạng này, chị Nguyễn Thị Hằng ở thành phố Đồng Hới cho hay, mặc dù đang dùng điện thoại để nhắn tin, trò chuyện với cô em gái họ bằng tiếng Việt nhưng phải mất một thời gian khá lâu chị Hằng mới có thể đọc và hiểu được nội dung tin nhắn.

Nếu không phải thế hệ trẻ như em họ của chị Hằng thì sẽ là khó khăn khi trò chuyện bằng tin nhắn. Nhiều ngôn từ theo chị Hằng thì chẳng biết phải đọc và hiểu như thế nào, chẳng hạn như: "E đag lam vk mek mun chít dj đk. Maj cki lam j kg dj kooj đô vz em" (em đang làm việc, mệt muốn chết đi được. Mai chị làm gì không đi coi đồ với em). Hay "btoj lm vc rjeng zy thoj, aj lm j ke rua", (buổi tối làm việc riêng vậy thôi, ai làm gì kệ rứa).

Đây không phải là trường hợp hiếm hoi mà chị Hằng bắt gặp, bởi hiện nay trên những trang mạng xã hội không khó để thấy những từ ngữ mà muốn hiểu thì cần phải dịch như thế này. Nó trở nên thông dụng đến mức nhiều em nắm rành quy tắc viết và hiểu những ngôn từ kỳ lạ này. Khi được hỏi về thứ "ngôn ngữ" này, Diệp Linh, một học sinh lớp 10 đã nhiệt tình chỉ bảo cho tôi hiểu các quy ước, như chữ b sẽ được viết thành chữ p, biết/ pjet, c thành k, cặp/kap, i sẽ viết thành j. Và nhiều từ sẽ được viết tắt đến tối thiểu như: cũng/cx, làm/lm... Có lẽ, đây là những "sáng tạo" không chỉ tôi mà sẽ có nhiều người phải giật mình vì sự đặc biệt của nó.

Mặc dù sử dụng như một thứ ngôn ngữ thông dụng dùng để nhắn tin hàng ngày với bạn bè nhưng khi được hỏi tại sao lại thích dùng những chữ như vậy thì Linh lại cười và không biết tại sao. Chỉ biết rằng thấy bạn bè dùng nên em cũng sử dụng. Nhiều em giải thích, dùng như vậy sẽ tiết kiệm thời gian nhắn tin và cũng là để tạo "phong cách" cho mình, vì bây giờ lớp trẻ ai cũng nhắn tin kiểu như vậy. Nếu ai nhắn tin câu chữ rõ ràng, đầy đủ thì sẽ bị chê là quá nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều lúc do sử dụng quen đà nên một số em khi làm bài kiểm tra đã áp dụng vào luôn.

Dù là người thường xuyên sử dụng "ngôn ngữ" này để nói chuyện với bạn bè qua tin nhắn điện thoại hoặc bình luận trên những trang mạng xã hội nhưng một học sinh cho hay, nhiều lúc em cũng không hiểu được ý mà các bạn muốn nói khi trò chuyện.  

Có thể thấy rằng, việc sử dụng ngôn từ kỳ lạ, khó hiểu của giới trẻ đang dần trở thành mốt và có khả năng lan rộng trong giới trẻ. Nguy cơ nó trở thành một phương tiện giao tiếp được công nhận là rất cao nếu không có sự định hướng từ gia đình và nhà trường. Trao đổi với phóng viên, cô Ngọc, giáo viên dạy văn, Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: "Đây là thứ ngôn ngữ không thể chấp nhận được.

Thế nhưng, hiện nay, một số em lại còn đem những chữ viết này vào trong các bài kiểm tra. Đối với những em này, tôi đều nhắc nhở, nhận xét ngay trong bài để các em rút kinh nghiệm".

Thực tế cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang muốn khẳng định mình là những người có "phong cách", "cá tính". Tuy nhiên để khẳng định mình có phong cách bằng cách "sáng tạo" ra những thứ chữ viết trên thì vô tình các em chính là thủ phạm làm biến dạng chữ viết của dân tộc.

Đ.N