.

Tranh chấp đất đai giữa tình thân "máu mủ": Thực trạng đáng báo động

Thứ Sáu, 27/06/2014, 18:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp và đang trở thành một vấn đề nổi cộm trong xã hội. Đặc biệt là tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ khiến anh em mất đoàn kết, thậm chí là xung đột gay gắt, lôi nhau ra tòa, làm lung lay nền tảng đạo đức và đảo lộn các giá trị truyền thống...

Anh em “từ mặt” nhau

Cũng là anh em cùng cha mẹ sinh ra, cùng chung sống trong một gia đình, lớn lên lập nghề dựng nghiệp, lấy vợ gả chồng và được cho ra ở riêng. Tuy nhiên, khi cha mẹ già yếu và qua đời, nhiều vụ tranh chấp đòi quyền sử dụng đất, công nhận quyền thừa kế giữa con cái, anh em trong gia đình gây mâu thuẫn mất đoàn kết, tình thân “máu mủ” trở nên nhạt lạnh.

Chuyện của gia đình ông Nguyễn Xuân Kh., ở thôn Xuân Lộc, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn là một ví dụ. Sinh ra ở làng biển, lớn lên ông K. cùng anh trai Nguyễn Văn M. dong thuyền đạp sóng vươn khơi. Dần dần cả hai anh em đều lập gia đình và được cha mẹ trang bị cho mỗi người một chiếc thuyền mưu sinh, cũng là nơi cư ngụ của cả gia đình.

Thời gian trôi đi, mỗi người đều chăm chỉ làm ăn, sống hòa thuận với nhau. Đến năm 1987, bão đánh sập nhà của cha mẹ ông Kh. và ông M. Hai anh em bàn bạc với nhau, cuối cùng thống nhất ông Kh. sẽ dọn lên bờ, dựng lại nhà và chăm sóc người mẹ lúc này đã già yếu. Năm 1994, ông Kh. được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất theo tờ bản đồ số 7, số thửa 574 với diện tích là 168m2. Thời điểm này, ông M. cũng lên bờ dựng một nhà tạm trên diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Kh. và hứa sẽ ở tạm một thời gian để đi biển đến khi có tiền sẽ mua đất khác để làm nhà.

Cuộc sống lặng lẽ trôi, tình cảm hai anh em vẫn hòa thuận, cũng không ai đề cập đến chuyện đất đai, nhà cửa. Mãi đến năm 2010, ông M. đùng đùng gọi thợ, mua vật liệu về định xây nhà trên diện tích căn nhà tạm đã dựng lên trước đó tuy nhiên ông Kh. không đồng ý. Hai anh em lời qua tiếng lại và phải đưa nhau lên UBND xã giải quyết.

Lúc này, ông M. cũng trình ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 29-3-1997 tại tờ bản đồ số 7, thửa số 688 với diện tích 26m2 và yêu cầu được xây nhà trên diện tích đã cấp phép này. Điều đáng nói là diện tích đất ông M. được cấp phép lại nằm hoàn toàn trên thửa 574, với diện tích 168m2 của ông Kh. được cấp ngày 23-8-1994. Và khi cán bộ địa chính xã kiểm tra lại thì phát hiện số thửa đất của ông M. không có trên bản đồ và cũng không có trong hồ sơ lưu trữ. Để tránh “sứt mẻ” tình anh em, ông Kh. đề nghị giải quyết trên cơ sở tình cảm dưới sự chứng kiến của UBND xã.

Ngay sau đó, UBND xã Quảng Phúc (nay là phường Quảng Phúc) lập hội đồng hòa giải mời hai anh em ông Kh. lên làm việc. Để tránh anh em thêm mâu thuẫn mất đoàn kết, ông Kh. đề nghị hỗ trợ anh trai 50 triệu đồng để mua đất khác làm nhà, UBND xã cũng sẽ ưu tiên cấp đất nhà ở cho ông M. Hai bên cùng thống nhất, tuần sau ông Kh. sẽ đưa tiền cho ông M, anh em vui vẻ trước sự chứng kiến của hội đồng hòa giải.

Tuy nhiên, vì chuẩn bị số tiền lớn, ông Kh. phải đi vay mượn thêm nên chậm mất mấy ngày, đến khi đưa tiền dưới sự chứng kiến của UBND xã Quảng Phúc thì không hiểu sao ông M. nhất định không chịu nhận, kiên quyết kiện lên cấp trên đòi quyền xây nhà trên diện tích 26m2. Nhưng trên thực tế diện tích 26m2 đó lại nằm trong hành lang đê điều, không được phép xây dựng nhà ở.

Mặc dù vậy, ông M. vẫn tập kết vật liệu trên phần đất được cấp phép của mình không chịu dời đi, còn ông Kh. thì bức xúc vì diện tích đất trong sổ đỏ của mình bỗng nhiên trở thành đất tranh chấp. Sự việc kéo dài từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết, tình cảm giữa hai người anh em ruột cũng nhạt nhòa dần. Bình thường gặp nhau thì không chào hỏi, coi như “từ mặt” nhưng lúc sẵn có hơi men lại lôi nhau ra chửi bới gây mất trật tự trong thôn xóm...

Vì đất nhẹ tình thân

Cũng như trường hợp của hai anh em Kh. và M, ở miền núi rừng Tuyên Hóa, ông Đinh Xuân D. và ông Đinh Tuấn A., vốn là anh em ruột thịt cũng sẵn sàng lôi nhau ra tòa vì tranh chấp đất đai. Theo ông D. ở tiểu khu 3, thị trấn Đồng Lê kể, thì từ năm 1993 hai vợ chồng ông sinh sống ở thôn Quảng Hóa, xã Lê Hóa và năm 1997 được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 10.000m2 đất lâm nghiệp với thời hạn là 50 năm (tờ bản đồ số 3, số thửa 28).

Năm 1999, ông D. cùng gia đình chuyển về cư trú tại thị trấn Đồng Lê nên giao lại thửa đất trên cho em trai là ông Đinh Tuấn A. sử dụng. Đến khi Nhà nước có chủ trương cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông D. mới phát hiện thửa đất của mình đã được cấp chuyển sang cho ông A. không rõ lý do.

Còn ông A. lại cho rằng, năm 1997 cùng ông D. nhận đất trồng cao su tiểu điền tại cồn Hố Ná, thôn Quảng Hóa, xã Lê Hóa với diện tích 0,64ha đến năm 1998, thì hai anh em thỏa thuận cùng cùng trồng cao su trên mảnh đất này. Năm 2006, ông D. lên đòi chia đất, không trồng cao su chung nữa, đồng thời yêu cầu ông A. trả 6 triệu đồng để nhận toàn bộ diện tích đất đang sử dụng. Riêng mảnh đất trồng bạch đàn, ông D. bảo trả 10 triệu đồng thì sẽ bàn giao cho gia đình ông A.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2000 gia đình ông A. không hiểu bằng cách nào đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và vườn tạp với diện tích 6.988m2 (tờ bản đồ số 08, thửa số 405).

Không chịu nhường nhịn nhau vì ai cũng cho rằng mình có lý, nên ngày 5-3-2014 hai anh em ông D. và A. đã kéo nhau ra UBND xã Lê Hóa nhờ phân xử hộ. Sau khi để hai anh em ông D. và A. trình bày, ban hòa giải đã đề xuất 2 phương án giải quyết, đó là: làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng sử dụng cho hai gia đình (hướng giải quyết 1), cắt phần đất ông D. trồng bạch đàn và diện tích cao su đã trồng năm 1998 để giao cho ông D. sử dụng, đồng thời hoa lợi trên đất (cao su) do hai gia đình tự thỏa thuận (hướng giải quyết 2).

Tuy vậy, gia đình ông D. đã không đồng ý với cả 2 hướng giải quyết này, còn gia đình ông A. lại chấp nhận với phương án 1 khiến cuộc hòa giải đi vào ngõ cụt. Điều đáng nói là khi sự việc tranh chấp đất đai giữa hai anh em xảy ra, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D. ủy quyền cho ông A. để vay vốn vẫn đang nằm trong ngân hàng, nhưng không hiểu vì lý do gì lại xảy ra vụ việc “đất chồng đất” để hai người thân thích lâm vào cuộc tranh cãi quyền lợi không có hồi kết.

Theo kinh nghiệm của những người làm công tác tư pháp, thì trong các cuộc tranh chấp, đất đai luôn là vấn đề nóng bởi nó liên quan đến rất nhiều đối tượng, các hoàn cảnh lịch sử (đặc biệt xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến những người thân trong một gia đình), nhiều loại giấy tờ... khiến người trong cuộc rất khó giải quyết trong một sớm một chiều.

Do vậy, việc tuyên truyền pháp luật về đất đai luôn mang tính thời sự rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan để hạn chế những vụ việc khiếu kiện kéo dài với nhiều hệ lụy.

Minh Văn-Xuân Phú