.
Hưởng ứng Tháng chiến dịch Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014:

Hướng tới mục tiêu "Không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ"

Thứ Năm, 26/06/2014, 17:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là chủ đề của tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 2014 do Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm phát động trên phạm vi cả nước từ 1-6-2014 đến hết 30-6-2014.

Hưởng ứng chủ đề trên, tỉnh ta triển khai nhiều hoạt động để giúp cho cộng đồng nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng nâng cao nhận thức về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV theo con đường này. Để triển khai có hiệu quả tháng chiến dịch, Sở Y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã tập trung công tác chỉ đạo nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách toàn diện.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 4 dự án ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Với vai trò là đơn vị đầu mối về công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nguồn lực, dịch vụ có sẵn của từng địa phương trong tỉnh.

Thời gian qua, Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ, cung cấp địa chỉ dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng để các bà mẹ mang thai được biết, đồng thời tuyên truyền sâu về lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đơn vị đã tham mưu cho Sở Y tế cụ thể hoá và triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động sự tham gia của chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể... mà ngành Y tế là nòng cốt. Một số hoạt động được đơn vị phối hợp triển khai mang lại hiệu quả nhất định như: động viên tinh thần cho các đối tượng tự nguyện xét nghiệm HIV, cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ bị nhiễm HIV mang thai.

Vì một thế hệ tương lai, mỗi người dân cần nắm vững các kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Vì một thế hệ tương lai, mỗi người dân cần nắm vững các kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Các hoạt động chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép với các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dinh dưỡng, chẩn đoán, điều trị các nhiễm khuẫn lây truyền qua đường tình dục. Nhằm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta được thực hiện bao gồm các dịch vụ như tư vấn, xét nghiệm cho bà mẹ mang thai; thuốc điều trị dự phòng cho bà mẹ; cung cấp sữa cho trẻ để thay thế sữa mẹ; chăm sóc, xét nghiệm và theo dõi điều trị cho trẻ sau khi sinh đến 18 tháng tuổi. Mặt khác, những phụ nữ nhiễm HIV sẽ được tư vấn được áp dụng các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh và chăm sóc trẻ.

Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các đơn vị y tế liên quan luôn chú trọng đến hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ và thường xuyên tư vấn, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV. Một trong những hoạt động được chú trọng là đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như cung cấp thông tin qua tờ rơi, panô, áp phích, đĩa CD và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều chương trình truyền thông được xây dựng như truyền thông lưu động tại các xã, phường, thôn, cụm dân cư và truyền thông trực tiếp (nói chuyện, tư vấn, thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm) thông qua đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn bản, nhân viên tiếp cận cộng đồng... người dân được cung cấp các nội dung về phòng chống HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó,Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố, thị xã, trạm y tế xã, phường để triển khai các hoạt động tư vấn sức khỏe, giới thiệu dịch vụ, vận động phụ nữ mang thai, đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV đến các cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Đối tượng trực tiếp của chương trình là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV...

Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách có hiệu quả, ngành Y tế luôn chuẩn bị đầy đủ thuốc kháng virus HIV (ARV), cung cấp sữa ăn thay thế cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV, giới thiệu chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm nêu trên tới các dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV/ AIDS. Cán bộ y tế của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS còn thường xuyên theo dõi và hỗ trợ cần thiết đối với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi họ sinh con, tư vấn cho họ cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ bằng sữa ngoài thay thế cho sữa mẹ. Đối với những phụ nữ nhiễm HIV muốn được sinh con, các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe toàn diện, tư vấn kỹ lưỡng nhằm giúp cho họ lựa chọn giải pháp an toàn để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ.

 Hướng tới mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015”, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông nhằm cung cấp cho người dân hiểu rõ hơn về các lợi ích của chương trình để thu hút sự tham gia của các đối tượng có nhu cầu. Mục tiêu của tỉnh là 100% bà mẹ nhiễm HIV được tiếp cận với dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nh.V