.

Nỗ lực khống chế lây nhiễm HIV từ mẹ

Thứ Năm, 26/06/2014, 19:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giúp cho những bà mẹ nhiễm HIV có quyền làm mẹ an toàn với những đứa con khỏe mạnh, nhưng trên thực tế, không ít phụ nữ mang thai phát hiện tình trạng nhiễm HIV của mình quá muộn nên họ không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nguyên nhân của vấn đề trên chủ yếu là do bản thân người phụ nữ thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Không ít phụ nữ mang thai nhiễm HIV vì lo sợ cộng đồng xa lánh, sợ bị phân biệt đối xử. Họ đã giấu bệnh và chỉ khi gặp khó khăn trong chuyển dạ, phải can thiệp bằng phẫu thuật, cán bộ y tế mới phát hiện tình trạng nhiễm HIV. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả không mong muốn là đứa trẻ được sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ mẹ.

Xác định dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là hoạt động mang lại hiệu quả cao, thiết thực, đầy tính nhân văn nên nhiều năm qua tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện chương trình này, nhất là việc cung cấp dịch vụ dự phòng và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cấp lãnh đạo về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ đó huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tập trung vào việc làm giảm sự lây truyền HIV trong phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để kịp thời can thiệp toàn diện các biện pháp dự phòng đối với mẹ và con để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ.

Theo bác sĩ Trần Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh thì số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ. Với những trường hợp phát hiện muộn lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao.

 Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS luôn tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở cơ sở.
Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS luôn tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở cơ sở.

Hiện nay công tác phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do lực lượng cán bộ y tế tham gia dự phòng lây truyền mẹ con còn mỏng nên việc quản lý số phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở cơ sở chưa chặt chẽ và thiếu tính thống nhất. Nhận thức của một số phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV mẹ con còn thấp, nên hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS...

Để hạn chế sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thời gian qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con. Nhiều năm qua, Trung tâm đã xét nghiệm cho hàng ngàn phụ nữ mang thai nói chung và phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nói riêng. Đối với những trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV, cán bộ y tế đã tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu họ đến với các dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hầu hết các trường hợp tham gia chương trình đều sinh con khỏe mạnh.

Chị Thủy (chúng tôi tạm đổi tên nhân vật) một trong những bệnh nhân tham gia Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tâm sự: “Sau một thời gian điều trị ARV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, hai vợ chồng tôi thấy sức khỏe cải thiện rất nhiều, tuổi đời lại còn trẻ nên mong muốn được sinh con. Sau khi tìm hiểu gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng tôi đã mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và được các bác sĩ tư vấn tận tình nên quyết định sinh con. Hai vợ chồng tôi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp dự phòng theo lời khuyên của bác sĩ. Và điều kỳ diệu đã đến, chúng tôi đã có được một cháu trai bụ bẫm khỏe mạnh. Đó là niềm an ủi rất lớn nhất của gia đình tôi và cũng là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống...”

Chị Hoài một bệnh nhân AIDS ở thành phố Đồng Hới kể với chúng tôi rằng: Khi biết mình bị nhiễm HIV từ chồng thì chị đã mang thai được gần 3 tháng. Hốt hoảng, bàng hoàng, dường như mọi thứ sụp đổ là cảm giác của chị lúc đó. Chị tìm đến Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để được tư vấn sức khoẻ và ở đó chị bắt đầu hi vọng khi các bác sĩ nói rằng chị có thể sinh con  khoẻ mạnh nếu thực hiện đầy đủ các bước dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thái độ ân cần, thân thiện cùng những chỉ dẫn cẩn thận của cán bộ y tế làm cho chị cảm thấy yên tâm khi quyết định sinh con. Sau những tháng ngày chờ đợi hồi hộp, có lúc xen lẫn sự lo âu, chị đã vượt qua ca phẫu thuật để đón đứa trẻ chào đời. Niềm vui cũng được nhân lên gấp bội lần khi bé đủ điều kiện xét nghiệm và được các bác sĩ thông báo là khoẻ mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Từ khi ra đời đến nay, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã mang tại tiếng cười cho biết bao gia đình khi những người mẹ nhiễm HIV sinh ra những đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh. Với mục tiêu 100% bà mẹ nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ trên, tỉnh ta đang đẩy mạnh nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông nhằm cung cấp cho người dân hiểu rõ hơn về các lợi ích của chương trình để thu hút sự tham gia của các đối tượng có nhu cầu nhằm hướng tới mục tiêu “Không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ” trong thời gian tới.

P.V