.

Cháy nổ rình rập, nỗi lo tiềm ẩn

Thứ Sáu, 24/01/2014, 19:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối năm là thời điểm tập kết hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết, trong đó có nhiều loại tư vật tư, nguyên liệu... dễ cháy nổ ở các trung tâm mua sắm, chợ búa, cửa hàng. Việc sử dụng lửa, điện cho sinh hoạt và sản xuất, cũng gia tăng so với thời gian trước. Những nguyên nhân trên góp phần làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong dịp giáp tết và trong tết.

Hiểm họa trước mặt

Những ngày cận tết, tại các chợ lớn ở trung tâm TP. Đồng Hới, cũng như các chợ ở trung tâm các thị trấn, thị tứ, các xã trên địa bàn toàn tỉnh lúc nào cũng đông đúc. Người bán, người mua san sát, hàng hóa chất đầy chật khắp nơi, chỉ chừa một lối nhỏ để đi lại. Tranh thủ thời gian "vàng" trong năm, các sạp hàng đều "sáng đèn" từ sáng đến tối muộn.

Tuy nhiên, hầu như các khu chợ và các chủ sạp hàng đều không có cảnh báo về an toàn điện lưới. Các gian hàng chật hẹp, câu mắc nhiều bóng đèn. Dây điện luồn lách giăng mắc mọi chỗ, thậm chí luồn qua chỗ treo quần áo, hàng hóa. Ổ cắm điện treo gắn tùy tiện khắp nơi. Hiện tượng lén lút thắp hương thờ cúng vẫn còn xẩy ra ở một số hộ kinh doanh hay khách hàng hút thuốc vứt tàn bừa bãi trong các khu vực có nguy hiểm cháy nổ cao.

Theo các ban quản lý chợ, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch đã kiểm tra lại các thiết bị phòng chống cháy nổ và nhắc nhở các chủ cửa hàng tắt điện trước khi về, cắt điện kinh doanh khi hết giờ kinh doanh, nghiêm cấm việc thắp hương, phát lửa trong  chợ nhất là khu vực bán quần áo, giày dép, hàng khô.

Nguy cơ nhìn thấy trước

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã mua rất nhiều hương, đồ mã, giấy tiền, giấy bạc để cúng đốt. Nhiều vụ cháy đã xảy ra trong thời gian này trong nhiều năm qua, do ý thức chủ quan và thiếu kiến thức về PCCC trong việc thắp hương, hóa vàng mã.  Hay tập trung hàng hóa kinh doanh ở các hộ gia đình, nhiều vụ cháy xảy ra gây chết người do hàng hóa tập trung ở cửa chính ra vào cũng là lối thoát nạn duy nhất.

Cháy nổ còn gia tăng

Mặc dù trình độ dân trí những năm gần đây đã tăng lên, nhưng tình hình cháy nổ không những không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng. Điều này gần như theo quy luật vì kinh tế-xã hội phát triển, nhiều khu sản xuất mới được xây dựng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, lửa, khí đốt tăng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Hơn nữa, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ ngày càng được trang bị đắt tiền nên thiệt hại nếu cháy xảy ra sẽ lớn hơn.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến các vụ cháy lớn gia tăng là do các cơ quan thiếu ý thức trong việc phòng chống cháy nổ. Nhiều cơ quan, người dân quá vì mục đích lợi nhuận cá nhân mà bất cẩn trong việc bảo vệ tài sản của của mình và của chung. Đã vậy, khi xảy ra cháy lại không biết cách cứu chữa tại chỗ. Không ít trường hợp khi lực lượng phòng cháy chữa cháy đến thì đám cháy đã lan ra quá nửa. Trong năm 2013 đã xảy ra không ít vụ cháy lớn là do lực lượng PCCC tại chỗ không triển khai chữa cháy kịp thời; lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ không đủ khả năng khống chế đám cháy, báo cháy chậm...

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, phòng nổ cách phòng cháy tốt nhất là người dân và những người đứng đầu các cơ quan có nhận thức đúng đắn hơn trong việc phòng và chống cháy. Đây là công việc của toàn dân, phòng cháy chữa cháy chính là bảo vệ mình, tài sản của chính mình. Mọi người phải luôn ý thức "phòng còn hơn chống", đừng để đến khi "mất bò mới lo làm chuồng".

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), thời gian vừa qua tình hình cháy ở khu vực nhà dân trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các gia đình có tổ chức sản xuất kinh doanh buôn bán tại gia, làm chết và bị thương nhiều người như:

Vụ cháy tiệm vàng Đức Anh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xảy ra ngày 26-7-2013 làm 5 người chết, 4 người bị thương;

Vụ cháy tiệm tạp hóa và sửa xe gắn máy của gia đình ông Nguyễn Quốc Phòng tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xảy ra ngày 3-11-2013, làm 4 người chết;

Vụ cháy tiệm may, bọc yên xe Phong Phú thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xảy ra ngày 22-12-2013, làm 5 người chết;

Vụ cháy hộ gia đình buôn bán hàng tạp hóa và sửa chữa xe đạp tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ngày 4-1-2014, làm 2 người chết...

Nguyên nhân chính là do ý thức về PCCC của nhiều người dân, chủ hộ gia đình còn chủ quan, lơ là mất cảnh giác với nạn cháy, thiếu kiến thức về an toàn PCCC trong sử dụng lửa, điện và thắp hương thờ cúng, đốt vàng mả không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC, gây ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tại các gia đình này còn tổ chức sản xuất kinh doanh buôn bán tại gia lại luôn chứa một lượng lớn các chất dễ cháy như: xăng, dầu, hóa chất, gas, bông vải sợi... Và thường chỉ có duy nhất một lối thoát nạn là cửa chính, nhưng đây lại là khu vực có nhiều chất cháy và phát sinh cháy nên khi xảy ra cháy các thành viên trong gia đình không thoát ra được nhất là ban đêm ...

Thượng úy Đinh Xuân Hồng
(Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQB)