.

Tiếng gõ cửa chiều cuối năm

Thứ Sáu, 24/01/2014, 17:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều ngày cuối năm, một phụ nữ đã luống tuổi, khuôn mặt khắc khổ, dáng gầy gò lê bước, gõ cửa phòng làm việc của chúng tôi. Giọng run rẩy như thể không chịu nổi cái giá rét của mùa đông, chị yếu ớt nói: “Mấy o chú coi có giúp chi cho tui được không? Gia cảnh nhà tui tội nghiệp lắm o chú ơi!”.

Rồi không chờ đợi câu trả lời của chúng tôi, chị lập bập lôi từ trong chiếc túi cũ mèm bao nhiêu giấy tờ, hồ sơ mà chị nghĩ là cần thiết để minh chứng và nhờ cậy. Một lá đơn do chính tay chị viết; tờ công văn Đảng ủy xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) kêu gọi các tổ chức đoàn thể, cá nhân hảo tâm giúp đỡ gia đình chị và những tờ giấy khen, bằng chứng nhận của 2 đứa con mà chị nâng niu, gìn giữ như vật báu của gia đình. Chị là Nguyễn Thị Bé ở thôn Xuân Bắc 3, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy).

Chị kể trong nước mắt: Không may phải chịu cảnh tật nguyền nên việc đi lại của chị rất khó khăn. Lập gia đình tưởng rằng được nhờ cậy vào chồng nhưng sau 7 năm mắc bạo bệnh, nằm liệt giường, chồng chị cũng qua đời. Mình chị phải gánh vác, lo lắng cho cả gia đình, là chỗ dựa duy nhất của những đứa con. Đã hơn 10 năm nay, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Rồi gánh nặng ấy lại càng trở nên quá sức khi những đứa con lần lượt vào đại học. Cô con gái Nguyễn Thị Thúy đang là sinh viên năm cuối của Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Cậu em thứ 2 Nguyễn Văn Phúc là sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Chị em Thúy và Phúc tại Lễ tuyên dương “Tỏa sáng sao Trạng Nguyên” năm 2013.
Chị em Thúy và Phúc tại Lễ tuyên dương “Tỏa sáng sao Trạng Nguyên” năm 2013.

Thương con nhưng liệu sức không thể làm ruộng được, chị Bé đành chăm bẵm vườn rau, rồi khó nhọc vượt quãng đường gần 2km ra chợ bán, chắt chiu từng đồng gửi vào cho con. “Nhiều đêm cháu khóc miết. Thương mẹ một mình già yếu vẫn phải lặn lội để gửi tiền cho chị em cháu. Lại nhớ đến hồi nhỏ, ba ốm liệt giường, em Phúc thì bị tim bẩm sinh, phải đi phẫu thuật nhiều lần mới giành lại được mạng sống. Cháu theo mẹ ra đồng đi mò cua, bắt ốc, mót lúa. Lên lớp 5, cháu đã phải đi gặt lúa thuê để kiếm tiền đi học. Lúc đó, cháu chỉ mong học thật giỏi để sau này không phải chịu cảnh nghèo”- Nguyễn Thị Thúy, con gái chị Bé tâm sự.

Cuộc sống chốn thị thành, những đồng tiền gom góp từ quê đâu có thấm tháp gì, cả hai đứa con của chị cũng phải lăn lộn đủ nghề mới có tiền chi phí cho mọi sinh hoạt. Buổi tối, Thúy và Phúc đi dạy kèm, mỗi tháng cả 2 chị em gom được khoảng 1 triệu đồng. Rồi tranh thủ những khi nhàn rỗi, đi phát tờ rơi, phục vụ tiệc cưới... Tiền của mẹ một năm chỉ gửi đôi ba lần, Thúy và Phúc để dành chi tiêu vào những ngày bận thi cử, không đi làm thêm được. Vốn tính ưa hoạt động đoàn thể, 2 học kỳ đầu là Bí thư Chi đoàn nhưng rồi Thúy cũng đành bỏ dở vì không có phương tiện đi lại và thiếu thời gian.

Nguồn động viên lớn nhất của chị Bé là kết quả học tập của con cái trong những năm qua. Thúy nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện, 9 năm là lớp trưởng, 3 năm là Bí thư Chi đoàn sôi nổi, nhiệt tình. 2 năm học vừa qua, em đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng của Agribank và Sacombank dành cho sinh viên nghèo vượt khó. Cậu em Nguyễn Văn Phúc cũng không thua kém: Từng là học sinh giỏi hóa của trường, nhiều năm liền được nhận học bổng Thắp sáng tương lai, học bổng của Tập đoàn Bảo Việt. Kỳ thi đại học năm ngoái, Phúc đạt 21 điểm, đậu cả 2 trường đại học Nông lâm Huế và Bách khoa Đà Nẵng. Phúc là một trong 30 tân sinh viên xuất sắc tham dự Lễ vinh danh thủ khoa năm 2013 và Gala “Tỏa sáng sao Trạng Nguyên” do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều trắc trở, khó khăn với chị em Thúy khi sức khỏe của mẹ ngày càng yếu dần và món nợ ngân hàng thì ngày một tăng lên. Hiện khoản vay vốn sinh viên để 2 chị em đi học đã lên đến 40 triệu đồng. Tài sản có giá trị nhất của gia đình là con bò cũng đã phải bán đi để có tiền cho Phúc nhập học. Thúy tâm sự: “Giờ cháu chỉ ước nhanh chóng tốt nghiệp, ra trường tìm được việc làm ổn định để nuôi em trai ăn học, giúp mẹ trả số tiền nợ, sửa sang lại nhà. Chị gái đã đi lấy chồng, hoàn cảnh còn khó khăn nên gánh nặng trên vai mẹ, cháu phải đỡ lấy. Mẹ cháu đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi!”

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy xác nhận: Gia đình chị Bé thuộc diện hộ nghèo của xã. Chị bị tàn tật, từ khi chồng mất, chị phải một mình nuôi con ăn học. Trước, xã còn có chế độ bãi ngang, các cháu đi học được hỗ trợ một phần nhưng giờ xã bị cắt chế độ này rồi, việc học hành của các cháu rất khó khăn. Xã cũng đã vận động giúp đỡ nhiều, tuy nhiên cũng chỉ một phần nào đó thôi.

Thương con, chị Bé nhờ người chở ra TP.Đồng Hới, chạy đôn, chạy đáo tìm đến những địa chỉ mong được quan tâm, giúp đỡ. Trước lúc về, chị cầm lấy tay tôi và hỏi đi, hỏi lại: Có phải o viết bài lên báo, họ biết sẽ giúp đỡ mẹ con tui không? Ánh mắt chị lóe sáng niềm hy vọng. Câu hỏi ấy, ánh mắt ấy cứ mãi ám ảnh tôi khi năm mới đã đến thật gần...

Mọi sự sẻ chia, giúp đỡ xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Bé, thôn Xuân Bắc 3, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 0168.290.1260

Hoặc Nguyễn Thị Thúy, lớp K16QTC2, ngành Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng. ĐT: 0169.580.4246.

Hương Lê