Thấp thỏm… qua cầu!

Cập nhật lúc 09:32, Thứ Tư, 07/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một địa phương có hệ thống giao thông khá thuận lợi, nhưng mỗi khi ra đường, người dân Hòa Trạch vẫn lo lắng không yên, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Nỗi lo ấy bắt đầu từ những cây cầu đã xuống cấp, trở thành cái “bẫy” nguy hiểm đối với người đi đường, nhất là với các em học sinh...

Ba cây cầu được người dân nơi đây nhắc đến nhiều nhất là cầu Cây Khế, cầu Cồn Tuần và cầu Hà Tờn. Cầu Cây Khế nằm trên tuyến đường nối thị trấn Hoàn Lão đến trung tâm xã. Gọi là cầu nhưng thực chất đây là cống thủy lợi, không có chức năng phục vụ giao thông. Khi tiến hành xây dựng con đường này, người ta tận dụng luôn hệ thống cống để làm cầu.

Vì vậy, cầu chỉ có chiều rộng bằng một nửa mặt đường, nửa còn lại là hệ thống cống lộ thiên rất nguy hiểm cho người đi đường. Do xây dựng đã khá lâu và là công trình tận dụng, thiết kế không phù hợp với con đường nên hai bên mố bị xói lở nặng do mưa lũ, người dân địa phương đã dùng bao cát đắp tạm để chống xói lở và tạo thuận lợi trong quá trình lưu thông. Và chỉ cách cây cầu này khoảng vài mét là ngầm tràn cũng đã bị xuống cấp, biến đoạn đường này theo hình lượn sóng, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.  

Cây cầu thứ hai là cầu Cồn Tuần. Nằm ngay trên con đường độc đạo dẫn vào trụ sở UBND xã, cây cầu này thực sự là “cái bẫy” nguy hiểm khi gần như nằm lọt thỏm trên đường, khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Được biết năm 2004 trở về trước, ở đây chỉ có cây cầu khỉ, các loại phương tiện không thể qua lại. Để tạo thuận lợi cho người dân trong lưu thông, năm 2004, xã đã đầu tư 22 triệu đồng để xây cầu. Lúc mới xây dựng, cầu có độ cao ngang bằng mặt đường.

Không có lan can, mặt bê tông thủng... của cầu Hà Tờn đã cướp đi tính mạng của hai cháu bé.
Không có lan can, mặt bê tông thủng... của cầu Hà Tờn đã cướp đi tính mạng của hai cháu bé.

Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, do bị sụt lún nên độ cao giữa cầu và mặt đường chênh nhau hàng mét. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tu sửa để bảo đảm giao thông, tuy nhiên cầu vẫn ngày càng xuống cấp. “Xe ô tô không thể lưu thông qua cây cầu này, gan lắm thì cũng chỉ có xe công nông mới dám đi”, một người dân cho biết. Với người dân Hòa Trạch, đã nhiều năm quen với sự xuống cấp của cây cầu nên còn biết để đề phòng mỗi bận qua đây. Còn với khách lạ, có không ít người bị rơi cả người lẫn xe xuống cầu.

Nếu như hai cây cầu nói trên chỉ mới gây thiệt hại về tài sản và tạo nên tâm lý bất an cho người đi đường, thì cầu Hà Tờn là nỗi ám ảnh lớn đối với người dân nơi đây. Nằm cạnh nhà thờ Sen Bàng, cây cầu dài khoảng trên 10m, hai bên không có lan can mà chỉ có các khối bê tông cách quãng, độ cao chừng 30cm.

Hai bên đầu cầu đã bị hư hỏng nặng với từng mảng bê tông bong tróc, tạo thành lỗ thủng lớn trên mặt cầu. Ông Võ Văn Hảo, trú tại thôn Sen Bàng, vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi kể về cái chết của hai đứa con tại cây cầu này. “Năm 1996, con trai tôi đang học lớp hai, trên đường đi học về đã bị ngã xuống cầu và bị nước cuốn trôi. Gia đình tôi đã vô cùng đau đớn và bị ám ảnh mỗi khi đi qua cầu. Thế rồi cách đây ba năm, con gái tôi đang là học sinh lớp 11, sau khi đi lao động về, lúc qua cầu cũng đã bị ngã và thiệt mạng. Bây giờ, mỗi khi có việc phải đi qua đây, cả nhà tôi ai cũng thấy bất an. Và mới đây, cháu Phan Đức Thắng đã bị rơi cả người và xe đạp xuống sông, rất may lúc đó có anh Nguyễn Văn Cường kịp thời cứu sống...”. Điều đáng nói là trên tuyến đường này mỗi ngày có hàng ngàn người tham gia giao thông, trong đó có hàng trăm học sinh tiểu học và mầm non...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch, cho biết: Đối với cầu Cồn Tuần, nếu xây dựng hoàn thiện, địa phương cần phải có nguồn kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn nên nếu không có sự hỗ trợ của cấp trên, Hòa Trạch sẽ mất nhiều thời gian để huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng cầu. Còn cầu Cây Khế và cầu Hà Tờn cần nguồn kinh phí lớn gấp nhiều lần, vượt quá khả năng của xã. Để tạo thuận lợi cho địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và trong lưu thông nói riêng, Hòa Trạch rất cần những cây cầu bảo đảm an toàn, thay cho những cây cầu cũ, cầu “tận dụng” với nhiều ẩn họa như hiện nay...

Về vấn đề này, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, trao đổi: Hai cây cầu Cây Khế và Hà Tờn đều nằm trên tuyến đường do Dự án giao thông nông thôn II đầu tư. Do nguồn kinh phí xây dựng cầu quá lớn nên dự án chỉ tiến hành làm đường, còn cầu thì đành... để đấy. Năm 2011, huyện Bố Trạch cũng đã tiến hành khảo sát, thiết kế và đưa hai công trình này vào danh mục đầu tư.

Tuy nhiên nguồn kinh phí xây dựng quá lớn, huyện không đủ ngân sách nên đành trông chờ vào tỉnh và Trung ương. “Đây là các công trình thực sự quan trọng với người dân Hòa Trạch. Vì vậy, huyện cũng đã có văn bản đề nghị lên cấp trên để trong tương lai gần sẽ có nguồn ngân sách đầu tư xây dựng cầu, tạo thuận lợi cho người dân...” - ông Phan Văn Gòn cho biết thêm.

Và trong khi chờ ngân sách, gần 5.000 người dân dân Hòa Trạch, trong đó có hàng trăm học sinh tiểu học, mầm non... hàng ngày đành thấp thỏm... qua cầu. Mùa mưa lũ đã đến, nỗi lo lại tăng lên gấp bội và khát vọng về những cây cầu vững chãi trong lòng người dân Hòa Trạch càng lớn hơn bao giờ...

                                                                Ngọc Mai - Hương Lê

 

,
.
.
.