Tràn lan nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện

Cập nhật lúc 07:21, Thứ Ba, 06/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Mùa mưa lũ về cũng là thời điểm mà hoạt động đánh bắt thủy sản bằng xung điện ở những ao, hồ, sông, suối tại tỉnh ta diễn ra rầm rộ nhất. Việc đánh bắt bằng xung điện không những tận diệt các loài thủy sản đến tận gốc, hủy hoại môi trường sống mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chết người rất cao, cần phải được ngăn chặn triệt để.

Đánh bắt kiểu tận diệt

Trong những ngày tháng 10-2012, các con  sông, đồng ruộng, khe suối trong tỉnh, đặc biệt là ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, có rất nhiều người đánh bắt cá, tôm... bằng xung điện. Hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm...

Ông T.V.T ở xã Liên Thủy (Lệ Thủy) tay cầm hai cây sào  có đấu nối dây điện với bình ắc quy đeo ở phía sau lưng, cứ mỗi lần dí hai cây sào có điện xuống ruộng nước thì ngay lập tức trong phạm vi gần 2 mét vuông cá lớn, cá bé, tôm, nhái...  đều chết lịm, nổi trắng bụng, mắt lờ đờ.

Gặng hỏi mãi, ông T. mới trải lòng tâm sự: Bây giờ ngoài đồng, dọc theo các kênh mương, ao hồ thủy lợi... người ta rất ít đánh bắt thủy sản bằng hình thức chài lưới hoặc câu nữa bởi hiệu quả rất thấp.

Dùng xung điện đánh bắt vừa nhanh lại đạt hiệu quả cao, chỉ cần có từ 1 đến 2 triệu đồng là mua được ngay bộ dụng cụ đánh bắt bằng xung điện này. "Mấy năm trước, chỉ cần mang cái bình điện ắc quy này đi một vòng quanh làng chừng 2 tiếng đồng hồ là có thể thu về hàng chục kg cá, tôm. Bữa nay người đánh bắt bằng xung điện nhiều quá, có khi đi cả ngày mà chỉ được vài ki lô, chủ yếu toàn cá vụn..." - Ông T. cho hay.

Dàn hàng ngang để đánh bắt thủy sản bằng xung điện ở  xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy.
Dàn hàng ngang để đánh bắt thủy sản bằng xung điện ở xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy.

Ông Hoàng Viết Thông, Phó chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc đánh bắt bằng xung điện diễn ra nhiều nơi tại tỉnh ta, nhất là các vùng như xã Lộc Thủy, An Thủy... (huyện Lệ Thủy),  Trường Xuân (huyện Quảng Ninh); Quảng Xuân, Quảng Văn (huyện Quảng Trạch).... Có hai hình thức đánh bắt bằng xung điện chủ yếu là: mang vác trên người và dùng ghe thuyền để đánh bắt.

Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn dẫn đến chết người do đánh cá bắt bằng xung điện. Mới đây, cuối tháng 9 – 2012, anh T.X.V trú tại thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa trong lúc dùng xung điện đánh bắt cá ở khu vực khe Rào do sơ ý nên đã bị điện giật chết.

Nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý

Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh đã có văn bản nghiêm cấm việc sử dụng xung điện (kích điện) để khai thác thủy sản vì đây là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô  nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản; vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng đánh bắt bằng xung điện ở tỉnh ta vẫn chưa thực sự quyết liệt.

Ông Hoàng Viết Thông cho biết thêm, từ đầu năm 2012 đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 5 đợt kiểm tra việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trên sông Gianh, sông Long Đại và tại vùng đầm phá Hạc Hải, huyện Quảng Ninh...

Những dụng cụ xung điện dùng để đánh bắt thủy sản bị thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu giữ.
Những dụng cụ xung điện dùng để đánh bắt thủy sản bị thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu giữ.

Kết quả, đã phát hiện 6 phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền 2 triệu đồng, tịch thu tang vật 6/6 phương tiện (bao gồm bộ kích điện và bình ắc quy). Song song với hoạt động tuần tra kiểm soát, Thanh tra  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua việc cấp phát tờ rơi, tổ chức cho người dân  tiến hành ký cam kết không vi phạm trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản...

Tuy nhiên, ông Thông cũng thừa nhận, tình trạng đánh bắt bằng xung điện vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi trong tỉnh, khó ngăn chặn triệt để. Nguyên do là lực lượng Thanh tra  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện rất mỏng về người; địa bàn quản lý rộng, phương tiện, trang bị hỗ trợ chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, sự phối hơp “vào cuộc” của các ngành chức năng và cấp huyện, xã chưa thực sự chặt chẽ, quyết liệt, thiếu thường xuyên. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều hạn chế; nhận thức của nhiều người dân về bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết, sở dĩ một số nơi người dân vẫn ngang nhiên khai thác thủy sản bằng xung điện là bởi họ đã “cài cắm” người trên bờ. Khi phát hiện thấy tàu kiểm ngư, lực lượng chức năng là lập tức bỏ chạy hoặc tấp thuyền vào bờ rồi cất giấu tang vật xem như chưa có chuyện gì xảy ra.

Hầu hết những người làm nghề đánh bắt bằng xung điện đều có hoàn cảnh khá khó khăn, thiếu việc làm ổn định...

                                                                         Văn Minh



 

,
.
.
.