Chuyện chị Doạn "dân số"

Cập nhật lúc 07:20, Thứ Ba, 06/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Gắn bó với công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" này ngót ngét gần 15 năm, chị Lê Thị Doạn, cán bộ chuyên trách dân số xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đã dành nhiều tâm sức, mồ hôi và cả nước mắt đến gõ từng cửa, vào từng mỗi hộ gia đình nơi đây để tuyên truyền, vận động.

Năm 2004, chị Lê Thị Đông (SN 1969) và anh Trần Văn Hoàn (SN 1969) ở thôn Thanh Sơn (Thái Thủy) đã có với nhau 5 mặt con. Tại thời điểm đó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, anh chị không có công ăn việc làm ổn định, các cháu lại đang tuổi ăn tuổi học. Chị Doạn đã nhiều lần đến động viên chị Đông thực hiện đình sản, dừng lại ở 5 con để gia đình có cơ hội thoát nghèo.

Tuy nhiên, mặc dù chị Doạn đã tìm nhiều biện pháp động viên, thuyết phục từ anh, chị cho đến nội ngoại thân thích hai bên, nhưng tâm lý lo lắng, sợ hãi vẫn bao trùm không khí gia đình chị Đông. Nỗi lo này xuất phát từ những rủi ro trong và sau khi đình sản mà bà con xung quanh thêu dệt hàng ngày. Mãi đến tận khi cháu bé thứ 5 tròn 4 tháng tuổi, với sự thuyết phục quyết liệt của người cán bộ dân số đầy tâm huyết, cuối cùng chị Đông đã quyết định đi đình sản. Đây là ca đình sản đầu tiên của thôn Thanh Sơn, để nối theo đó là 9 ca đình sản liên tiếp trong thôn. Và đây cũng là ca đình sản mà chị Doạn phải vất vả nhất.

Từ sáng sớm, chị đạp xe đưa hai mẹ con chị Đông và em bé mới 4 tháng tuổi về Bệnh viện huyện thực hiện đình sản. Trong suốt những ngày chị Đông nằm bệnh viện, một mình chị Doạn lo lắng cơm ăn, nước uống, giặt giũ chăm sóc cả hai mẹ con chị không nề hà vất vả.

Chị Lê Thị Doạn (phải) và gia đình chị Lê Thị Đông-người tham gia đình sản đầu tiên ở thôn Thanh Sơn (Thái Thủy, Lệ Thủy).
Chị Lê Thị Doạn (phải) và gia đình chị Lê Thị Đông-người tham gia đình sản đầu tiên ở thôn Thanh Sơn (Thái Thủy, Lệ Thủy).

Đến tận bây giờ, chị Đông cho biết sự cảm kích, yêu thương của gia đình mình dành cho chị Doạn "dân số" vẫn còn vẹn nguyên. Nếu không có ca đình sản năm đó, không dừng lại ở 5 con, gia đình chị sẽ khó có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Sau khi đình sản về, chị Đông lại cùng chị Doạn động viên, thuyết phục nhiều chị em trong thôn, xã cùng tham gia kế hoạch hóa gia đình, bởi suy cho cùng, theo lời chị nói "cùng là lợi cho phụ nữ chúng mình thôi".

Thái Thủy là một xã nghèo, trình độ chị em phụ nữ vẫn còn thấp, thêm vào đó địa bàn lại rộng, dân cư thưa thớt, nhiều vùng đi lại rất khó khăn. Chính vì vậy, những gia đình ở đây thường khá đông con, công tác tuyên truyền đã khó lại càng thêm khó. Nhưng, với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của chị Doạn và đội ngũ 17 cộng tác viên dân số trên toàn xã, trong những năm gần đây, công tác dân số của xã Thái Thủy có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ 3 đạt 18,8%, nhưng tính đến tháng 9 năm 2012 con số này giảm còn 13,5%. Các chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình đều đạt và vượt ở mức cao.

Riêng trong năm 2012, chị Doạn đã hoàn thành 2 ca đình sản theo kế hoạch trước tháng 9. Chị Doạn tâm sự niềm vui của chị chính nằm ở những lần trò chuyện, tư vấn, tâm tình cùng chị em về vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình. Chị xem đó không chỉ là công việc mà còn là tình yêu thương, mối quan tâm của chính mình. Mỗi trường hợp tuyên truyền thành công, chị như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, không ngừng động viên bản thân phải nỗ lực và tích cực hơn nữa.

Nhờ đó, nhiều năm liền, chị được tặng giấy khen của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Lệ Thủy, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh... về những thành tích đã đạt được.

                                                                                 P. V

 

,
.
.
.