Cổ tích ngày Xuân

Cập nhật lúc 06:57, Thứ Ba, 03/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hai nhân vật mà tôi muốn kể lại trong câu chuyện nhỏ này là vợ chồng Lê Văn Nghị (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Long (sinh năm 1979). Họ đang mang trên mình những khuyết tật nhưng đã không đầu hàng số phận mà biết cách đắp xây hạnh phúc cho riêng mình. Và để viết nên câu chuyện cổ tích đẹp trong mùa xuân này, xung quanh họ còn có những người thân yêu luôn dõi theo từng bước đi cuả đôi vợ chồng trẻ trong ngôi nhà nhỏ ấm áp tại xóm Làng, xã Tây Trạch (Bố Trạch).

Để tìm nhà Nghị - Long không khó, bởi họ đã và đang là một cặp vợ chồng khá "nổi tiếng" ở xóm Làng. Khi chúng tôi đến, Nghị đang loay hoay bế vợ xuống xe máy, còn trên tay Long là những cuộn len đủ sắc màu. Long bảo "Hai vợ chồng em vừa đi Đồng Hới mua len về để em đan mũ, đan khăn cho bà con xóm giềng! Em đang có em bé nên cũng tranh thủ đi siêu âm, kết quả là con trai và rất khỏe mạnh, chị à!", Long thoáng mỉm cười, nụ cười rạng rỡ niềm hạnh phúc...

Một quãng đời rất dài và đầy khó khăn, nước mắt của cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Long giờ được kết thúc bằng mấy câu ngắn ngủi nhưng chứa đầy hạnh phúc. Sinh ra và lớn lên ở xã Lý Trạch, mới hơn một tuổi, mẹ Long đã bỏ bố con em ra đi. Cũng thời gian đó, ông Nguyễn Tương Lai, bố Long nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 176 thuộc Quân khu 4 và trong đội hình quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường Lào. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Long sống với ông bà nội và các cô chú, còn bố đi chiến trường biền biệt. Năm 1989, khi đang đóng quân ở Hà Tĩnh, bố Long gặp mẹ kế của em là chị Phan Thị Liên. Họ kết hôn và các em trai, em gái của Long lần lượt ra đời.

Những năm tháng ấy, cuộc sống gia đình Long vô cùng khốn khó, đặc biệt là từ khi bố em xuất ngũ vào năm 1991, sau khi bị thương tại chiến trường Lào. Không ruộng, không nghề, ông Lai được nhiều người gọi đùa là "thợ đụng" khi việc gì được thuê, ông cũng nhận làm. Ngày 24-11-1997, khi đang chở Long mang cá đi bán ở Quảng Ninh, hai cha con bị tai nạn và kể từ đây, Nguyễn Thị Long và cả gia đình bắt đầu hành trình chiến đấu với thương tật của cô gái trẻ chỉ vừa tròn 18 tuổi.

Long kể: Em tỉnh dậy trong Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và nhìn thấy đôi chân của mình bị cháy nhiều mảng, 3 xương sườn bị gãy, còn bố em cũng bị thương ở chân. Chuỗi ngày nằm bệnh viện đã đẩy cả nhà em từ cảnh túng quẫn trở nên cùng cực. Rồi một buổi sáng, khi các vết thương tạm ổn, em nhờ người nhà đỡ ngồi dậy. Nhưng khi chưa kịp ngồi ngay ngắn, em đã cảm thấy khó thở và không chịu được. Các bác sĩ cho em đi chụp X quang và phát hiện cột sống của em bị chấn thương nặng, cộng với vết thương ở hai chân, em sẽ không còn cơ hội để đi lại như người bình thường!

Những ngày sau đó, cô gái trẻ đã đầu hàng số phận và sống khép mình với nỗi đau không gì hàn gắn. Nhưng bố em, người cựu chiến binh năm xưa, không chấp nhận điều đó. Gom góp hết tài sản và vay mượn bà con chòm xóm, ông đưa con gái đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để mong trả lại cho con đôi chân lành lặn. "Bệnh viện 108 và các bệnh viện Huế, Đà Nẵng... gần như đã trở thành nhà của hai cha con tôi trong 14 năm trời. Lần cuối cùng tôi đưa cháu đi bệnh viện là năm 2009. Không còn hy vọng phục hồi được đôi chân, tôi chỉ mong cháu ngồi vững trên xe lăn. Tôi chạy hết cửa để chữa trị cho cháu hơn một năm tại Bệnh viện phục hồi chức năng Đà Nẵng. Đến bây giờ, cháu đã có thể sử dụng xe lăn thành thục để di chuyển trong nhà và làm được nhiều công việc khác. Từng đó thôi cũng đủ cho tôi thấy hạnh phúc lắm rồi!", ông Lai tâm sự.

Nghị và Long vừa đi Đồng Hới mua len về đan khăn, mũ cho bà con. Ảnh: Nội Hà
Nghị và Long vừa đi Đồng Hới mua len về đan khăn, mũ cho bà con. Ảnh: Nội Hà

Sau những ngày chiến đấu với thương tật, Long đã chấp nhận thực tế của cuộc đời mình và loay hoay tìm kế mưu sinh để san sẻ bớt những khó khăn vất vả cho bố mẹ. Và may mắn đã mỉm cười với em khi gặp được tổ chức Hội vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) để có cơ hội tham gia nhiều lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, hội thảo về quyền và cơ hội hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật. Có thể hạnh phúc của em chỉ dừng lại ở đấy, nếu em không tình cờ gặp và quen với Lê Văn Nghị trong một lần tham dự hội thảo. Cũng như Long, Nghị sinh ra là một cậu bé khỏe mạnh. Ba tuổi, sau một trận ốm, Nghị được gia đình đưa đến bệnh viện chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Một cánh tay và nửa phần thân bên trái của Nghị ngày càng teo lại, mặc cảm tật nguyền cũng lớn dần lên trong anh...

Nhưng cuộc đời đã cho họ gặp nhau. Long bảo, em còn nhớ đó là ngày 5-12-2010. Từ ánh nhìn đầu tiên, Nghị đã cảm mến cô gái có gương mặt xinh xắn và nụ cười rạng rỡ. Còn Long vẫn còn rơm rớm nước mắt khi kể về người bạn đời với những sự quan tâm, chăm sóc rất đỗi tận tình cho dù anh cũng là người khuyết tật. Họ yêu nhau như một lẽ tự nhiên. Khi Nghị gặp bố mẹ Long và xin được cưới em làm vợ, ông Lai đã suy nghĩ rất nhiều. Suốt 14 năm chăm sóc con gái, ông thấu hiểu nỗi vất vả và không muốn Long rời xa gia đình. Nhưng trước sự chân thành, tha thiết của chàng trai Lê Văn Nghị, cuối cùng ông đã bằng lòng cho hai người làm đám cưới vào mùa trăng trung thu 2011. 

Rồi Long về làm dâu nhà chồng ở xóm Làng, xã Tây Trạch. Môi trường mới khiến em có nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự chăm lo của chồng, Long dần dà quen dần với cuộc sống mới. Em kể: "Hồi ở nhà, vì thương con nên bố sửa sang nhà cửa để em có thể sử dụng xe lăn đến khắp mọi nơi trong nhà một cách thuận tiện. Giờ ở nhà chồng, những lúc khó di chuyển thì anh ấy bế em. Dù chỉ còn một cánh tay khỏe mạnh nhưng anh ấy luôn cố gắng giúp em mọi việc. Bố mẹ chồng đã già, lại đau yếu luôn, thương anh ấy vất vả, nên dù đang mang thai và sức khỏe có phần hạn chế, em cũng cố gắng làm hết những việc vặt trong nhà...". Với 10 triệu đồng được vay theo diện hộ nghèo, hai vợ chồng Long đang mở một quán cà phê nhỏ để mưu sinh và chuẩn bị cho sự chào đời của cậu con trai trong năm mới...

Tiễn chúng tôi ra về, Nghị bảo: "Long đã khiến em thay đổi rất nhiều. Trước đây do mặc cảm tật nguyền, lại được bố mẹ, anh chị chiều chuộng, em chỉ ham chơi. Giờ có vợ, lại sắp có con, em thấy mình phải cố gắng làm ăn và chăm sóc hai mẹ con! Cho dù là người khuyết tật nhưng vợ chồng em quyết tâm tự mình nuôi sống bản thân mình và con cái, không dựa dẫm vào ai. Hai vợ chồng em hiện đang sinh hoạt tại câu lạc bộ người khuyết tật với nhiều thành viên khác nên cuộc sống tinh thần rất vui vẻ!".

Bây giờ ngày ngày Long chăm chỉ đan len, thu nhập mỗi tháng khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng, còn Nghị dồn tâm sức cho quán cà phê nhỏ do chính tay anh làm. Bố Long tranh thủ lúc rảnh rỗi ra giúp con gái và con rể một tay. Ông bảo "Vợ tôi đang làm thuê ở Đà Nẵng. Bà ấy bảo cố gắng làm đến gần tết mới về để sang năm ở nhà chăm sóc khi Long sinh con. Tôi rất biết ơn bà ấy, người không phải mẹ ruột của con gái tôi nhưng đã cùng tôi chăm sóc và dựng vợ gả chồng cho con!".

Không sở hữu những điều lớn lao, nhưng những gì mà hai vợ chồng Nghị - Long làm được đã mang lại cho người khuyết tật niềm hy vọng để họ tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên và không đầu hàng số phận. Không có đũa thần, không có hạt dẻ, nhưng với sự nỗ lực của mình, họ đã viết nên một câu chuyện cổ tích đẹp giữa những ngày mùa xuân!

                                                                                                   Nội Hà

 

 

 

 

 

 

,
.
.
.