Truyền thông góp phần làm giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật lúc 10:04, Thứ Sáu, 23/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Chi Cục DS/KHHGĐ tỉnh đã đẩy mạnh nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về các biện pháp chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Đặc biệt, việc đưa chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Trong mỗi đợt chiến dịch, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình như: nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm, sinh hoạt văn nghệ... Đội ngũ làm công tác dân số ở các bản, làng, xã đến tận gia đình vận động các cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, sinh con một bề hoặc chưa thực hiện các biện pháp tránh thai hưởng ứng chiến dịch...

Phụ nữ tham gia hưởng ứng chiến dịch SKSS/KHHGĐ.
Phụ nữ tham gia hưởng ứng chiến dịch SKSS/KHHGĐ.

Bên cạnh đó, trong các đợt triển khai chiến dịch còn có sự vào cuộc tích cực của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên. Thành công của chiến dịch không chỉ thể hiện trên các con số đạt qua các chỉ tiêu đề ra, mà còn ở chỗ chiến dịch đã thu hút được sự quan tâm rất nhiều từ phíachị em phụ nữ, chị em ngày càng ý thức được việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân. Qua đó cho thấy, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ là một trong những biện pháp hữu hiệu, góp phần tích cực trong ổn định dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống cuả người dân vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Tuy nhiên, chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: số xã chọn triển khai chiến dịch giảm mạnh (giảm 22 xã so với năm 2010); định mức cho việc khám và điều trị phụ khoa ở gói phòng chóng viêm nhiễm đường sinh sản quá thấp; một số xã thực hiện chiến dịch chưa được chuyển giao kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ; nhiều cơ sở y tế còn thiếu cán bộ, phòng tư vấn cho khách hàng, phòng làm dịch vụ chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.

Việc bố trí phòng khám, phòng tư vấn, phòng thực hiện dịch vụ, phòng soi tươi chưa hợp lý; việc khám và cấp thuốc bảo hiểm cho đối tượng có thẻ bảo hiểm vẫn còn chậm. Về phía người dân thì nhận thức của những cặp vợ chồng sinh con một bề với áp lực từ ông bà, họ hàng... còn nặng nề nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng; mức giảm tỷ lệ sinh chưa vững chắc...

Tin rằng, trong những năm tiếp theo, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ sẽ tiếp tục được tổ chức triển khai trên diện rộng, làm nền tảng cần thiết trong công tác hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

                                                                                                       B. Ánh

,
.
.
.