.

Nhìn lại sự nghiệp văn học của Giáo sư Đặng Thai Mai

Thứ Sáu, 26/09/2014, 09:18 [GMT+7]

Giáo sư Đặng Thai Mai có đóng góp to lớn trong việc kiến tạo nền văn học mới, cổ vũ cho sự thắng lợi của nghệ thuật vị nhân sinh.

Nhìn lại sự nghiệp văn học của Giáo sư Đặng Thai Mai
Nhìn lại sự nghiệp văn học của Giáo sư Đặng Thai Mai

Sáng 25-9, tại Hà Nội, Viện Văn học tổ chức hội thảo khoa học “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai” để tưởng niệm 30 năm ngày mất của ông và kỷ niệm 70 năm “Văn học khái luận” - công trình lý luận văn học hiện đại đầu tiên, có hệ thống của lý luận và mỹ học mác xít Việt Nam.

Giáo sư Đặng Thai Mai (1902 - 1984) thuộc thế hệ những người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng Việt Nam. Ông là nhà hoạt động chính trị, học giả có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt 1 năm 1996.
Hội thảo khoa học Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai

Tại hội thảo, tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà nghiên cứu khẳng định: Giáo sư Đặng Thai Mai có đóng góp to lớn trong việc kiến tạo nền văn học mới, cổ vũ cho sự thắng lợi của nghệ thuật vị nhân sinh, khẳng định văn học nghệ thuật là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Ông cũng là người tham gia xây dựng nền khoa học xã hội nhân văn.

Nếu như “Văn học khái luận” được coi là công trình lý luận mác xít có hệ thống đầu tiên tại Việt Nam thì “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1920 -1925)” đã xây dựng diện mạo văn chương nước nhà với vai trò là một nghệ thuật để giác ngộ, truyền bá tư tưởng yêu nước, tư tưởng cách mạng. Bên cạnh đó, ông còn là một dịch giả uy tín với những bản dịch tác phẩm của Lỗ Tấn (1944), Lôi Vũ (1945), Nhật xuất (1958)… góp phần giới thiệu tinh hoa văn học nhân loại với ý thức mở rộng tri thức cho người đọc, để họ có thể hiểu thêm những giá trị văn hóa nằm sâu trong các kiệt tác văn học và nghệ thuật.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Là một người học rộng, hồi bấy giờ, Giáo sư Đặng Thai Mai đã có khái niệm về văn học so sánh. Khi nói đến vấn đề bản sắc văn học dân tộc, ông không tán thành một bản sắc văn học dân tộc thuần túy. Ông cho rằng không thể có văn học thuần túy vì trong quá trình giao lưu và biến đổi, văn học phải có sự lai tạp. Tôi nghĩ tất cả những điều đó là nhận thức sâu sắc mà cho đến bây giờ vẫn còn có ý nghĩa”./.

Theo Phương Thúy/VOV - Trung tâm Tin