.

Nhật Lệ dậy sóng

Thứ Ba, 02/09/2014, 10:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết về lễ hội đua thuyền xưa tại đất Khang Lộc (gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh ngày nay) “Những năm ít mưa, thổ dân nơi đây mở cuộc đua thuyền, liền được mưa ngay”. Như vậy, lễ hội đua thuyền từng tồn tại ở vùng đất “hai huyện” trên 500 năm. Qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, vì chiến tranh, vì chia cắt mà lễ hội đua thuyền lúc thăng, lúc trầm nhưng không hề mai một. Cho đến năm 1990, sau khi tái lập lại huyện Quảng Ninh, lễ hội đua thuyền truyền thống được khôi phục, mở rộng quy mô… Hàng năm cứ mỗi độ quê hương, đất nước đón Tết Độc lập, sông Nhật Lệ đoạn qua thị trấn Quán Hàu, Võ Ninh; lên Vĩnh Ninh, Hàm Ninh; xuôi về Lương Ninh, giáp thành phố Đồng Hới lại dậy sóng đò đua.

Huyện Quảng Ninh ba mặt dựa vào sông, một mặt dựa núi, có đầm lầy Võ Xá vang danh thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ngược lên phía Lệ Thủy là phá hạc Hải Hải kéo dài. Hai con sông Kiến Giang và Đại Giang hợp nhau ở ngã ba Trần Xá thành dòng Nhật Lệ xuôi về thị trấn Quán Hàu, qua đất Võ Ninh, Lương Ninh, thành phố Đồng Hới rồi ra với biển Đông.

Sống cùng sông nước, dựa vào sông nước, cứ vào độ xuân về nhân dân Quảng Ninh lại nô nức mở hội đua thuyền với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, át chế thiên tai, địch họa, cầu cho quốc thái, dân an. Trải qua hàng trăm năm dệt thành nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng sông nước, khởi nguồn cho lễ hội đua thuyền truyền thống nhân dịp tết Độc lập 2-9 hàng năm.

Ở Quảng Ninh trước đây có những làng bơi nổi tiếng như Phú Bình, Phú Dụn, Phú Hào (thị trấn Quán Hàu), Trúc Ly (Võ Ninh), Hỏa Lò (Tân Ninh)... Vào ngày đua, trai bơi chỉ cơm nước bình thường. Khi kết thúc lễ hội đua thuyền, làng lấy tiền bà con ủng hộ mua lợn, gà, đồ xôi nếp, nấu rượu liên hoan. Không phân biệt thắng thua, dù đò đua về nhất, nhì, ba hay có thua bạn kém bè, buổi liên hoan cả làng cùng chung vui, rượu chảy tràn thâu đêm.

Quang cảnh lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh năm 2013.
Quang cảnh lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh năm 2013.

Cụ Võ Khoa, 83 tuổi ở làng Phú Bình (thị trấn Quán Hàu) cho biết: "Thời trai trẻ của ông, mỗi lần có hội đua thuyền thì trước đó một tháng, các cụ trong làng, những lão ngư am hiểu việc sông nước, trai đinh gác việc nhà lại, tập trung cho thuyền đua. Người phụ giúp thợ bắt đò, người chẻ tre, làm chầm, làm chèo. Trước ngày đua khoảng một tuần đến 10 ngày là hạ thủy đò để trai bơi tập luyện. Dân làng xắn tay áo lên chung việc làng, tự nguyện góp công góp sức cho đò đua không chút nề hà”.

Dù quy mô không bằng lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy nhưng kể từ ngày tái lập huyện Quảng Ninh, UBND huyện chủ trương phục hồi lại lễ hội đua thuyền cho riêng vùng đất của mình thì hàng năm đến dịp Tết Độc lập, con em Quảng Ninh dù đi đâu, có bận việc gì, đang ở trong nước hay nước ngoài đều hẹn nhau quay về chung vui, cổ vũ. Bắt đầu từ năm 2005, lễ hội đua thuyền huyện Quảng Ninh được phát triển mạnh, ngoài các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có thuyền đua tham gia.

Để có thuyền đua lướt nhanh, các làng phải tìm rước những nghệ nhân “bắt đò đua giỏi”, có bí quyết gia truyền về nghề đóng đò. Thuyền bơi ngày nay dài khoảng 18m, mỗi thuyền có từ 33 đến 40 trai bơi. Trai bơi là những người lực lưỡng, dẻo dai, dạn dày sông nước.

Ngoài việc hỗ trợ của huyện 20 triệu đồng/thuyền đua, các xã, thị trấn thành lập các tiểu ban chuyên trách và vận động mọi nguồn lực trong nhân dân. Như đã thấm sâu vào máu thịt, hễ nói đến đò đua, mọi người dân trong làng, trong xã đều hào hứng, tự nguyện quyên góp tiền của ủng hộ lễ hội. Từ ngày 15-8,  các thuyền bơi lần lượt làm lễ “hạ thủy” tập luyện, sau đó thử sức với nhau thông qua giải đua ở 2 cụm mang tầm... cấp xã để soát xét lại nhân lực, thuyền đua.

Tiếp đó ngày 29-8, các thuyền đua tiếp tục tranh tài phân chia làm hai bảng A, B. Bảng A gồm 6 đội mạnh và bảng B tập hợp 6 đội còn lại. Sau khi đã phân định rõ ràng, bạn đua, cổ động viên hẹn gặp lại nhau trên sông Nhật Lệ vào sáng ngày 2-9.

Hàng năm, lễ hội đua thuyền ở huyện Quảng Ninh được tổ chức tại Bến phà Quán Hàu vào sáng 2-9. Từ tờ mờ sáng, người dân khắp nơi và khách thập phương đều đổ về thị trấn để xem đua thuyền. Người đi cổ vũ đứng chật hai cây cầu Quán Hàu cũ và mới, chật hai bên bờ sông đoạn qua thị trấn, Lương Ninh, Võ Ninh... Trên bến dưới thuyền, say sưa theo nhịp chèo bơi. Tiếng hò reo vang động cả một khúc sông.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, huyện Quảng Ninh năm nay có 12 thuyền của 12 xã, thị trấn tham gia (trừ các xã Vạn Ninh, An Ninh và Trường Sơn). Ngay như xã miền núi Trường Xuân, thuyền đua chỉ mới “hạ thủy” hai mùa lễ hội, nhưng luôn lọt vào tốp đầu giải.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Chúng tôi rảnh thời gian lúc nào là có mặt trên sông Long Đại ngay nhằm cổ vũ, động viên trai bơi. UBND xã vận động bà con tích cực đóng góp cho thuyền bơi, hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người tham gia tập luyện. Đội thuyền xã Trường Xuân luôn được quán triệt tham gia lễ hội để cọ xát, cống hiến, đặt mục thượng võ, thi đấu đẹp lên hàng đầu”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông, Trưởng ban tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống huyện nhấn mạnh: “Đến thời điểm này công tác chuẩn bị mọi mặt cho lễ hội cơ bản hoàn thành. 12 thuyền đua đã “hạ thủy” tập luyện với một khí thế rất rạo rực. Tin tưởng rằng lễ hội sẽ thành công tốt đẹp, cùng với lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang tiếp tục khẳng định, củng cố, duy trì và phát triển bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất Khang Lộc xưa, Quảng Ninh, Lệ Thủy ngày nay”.

Thanh Long