.

Nơi ghi dấu chiến thắng mở màn chiến công hiển hách

Thứ Hai, 15/09/2014, 14:59 [GMT+7]

Mặc dù Đông Triều không nằm ở trung tâm vùng chiến trường Bạch Đằng năm 1288, nhưng quân dân Đông Triều đã có nhiều đóng góp lớn trong kỳ tích anh hùng của dân tộc.

>> Khu di tích nhà Trần nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Sơ đồ các bước rút lui và bị chặn đánh của quân Nguyên trong trận Bạch Đằng 1288 (Hình do GS Nguyễn Quang Ngọc cung cấp).
Sơ đồ các bước rút lui và bị chặn đánh của quân Nguyên trong trận Bạch Đằng 1288 (Hình do GS Nguyễn Quang Ngọc cung cấp).

Hội thảo khoa học được tổ chức trong dịp đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và công bố Quyết định công nhận Đô thị Đông Triều mở rộng đạt tiêu chuẩn Đô thị loại bốn ngày 13-9 đã làm rõ thêm vị thế của Đông Triều trong lịch sử. Các nhà khoa học đã làm rõ ý nghĩa quan trọng của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288

Vị thế địa quân sự đặc biệt

Con đường bộ chạy qua xã Đông Triều thời đó là con đường bộ cổ nhất và quan trọng nhất nối khu vực Đông Bắc với các trung tâm Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên, Đại La, Thăng Long. Đây cũng là “tuyến đường xâm lược” Việt Nam đầu tiên, lâu dài và chủ yếu nhất. Đoàn quân xâm lược thường được chia làm hai đạo quân thủy, bộ và phải thực hiện đúng mệnh lệnh “tùy sơn san mộc, duyên hải nhi tiến” (theo núi mở đường, bám đường bờ biển mà tiến), cố gắng bám sát cự ly để có thể sẵn sàng hỗ trợ và tiếp ứng cho nhau lúc cần thiết. Điểm hợp quân đầu tiên có ý nghĩa quyết định thành bại của nhiều cuộc viễn chinh quy mô lớn chính là khu vực xã Đông Triều và Bến Triều.

Từ những năm 40 - 43, nữ tướng Lê Chân đã xây dựng đồn trại trên đất An Biên để bảo vệ cho tuyến phòng thủ của đại quân Trưng Vương ở Lãng Bạc (khu vực Lục Đầu Giang). Ngô Quyền, Lê Hoàn đều chọn khu vực này để xây dựng tuyến phòng thủ mạnh bảo vệ trung tâm đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, Đông Triều là mảnh đất chiến lược của nhà Trần để huy động các nguồn lực vật chất, tinh thần tại đây cho trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng cận kề.

Các nghiên cứu khoa học cho rằng: Hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đặt sở chỉ huy hay đại bản doanh ở khu vực núi Thiên Liêu (nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều) để trực tiếp chỉ huy các lực lượng tác chiến ở thượng lưu, trung lưu phía tả ngạn sông Đá Bạch, Bạch Đằng. Khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đã lọt hẳn vào trận địa mai phục thì đạo quân của hai vua theo sông Đá Bạc tiến xuống phối hợp với đại quân của Trần Hưng Đạo ở hữu ngạn và khu vực trận địa cọc ở hạ lưu sông Bạch Đằng và cửa sông Chanh.

Đông Triều như thành cao, hào sâu chống lại đoàn quân xâm lược đang hung hổ tiến vào từ ngoài cửa biển, từ biên giới đông bắc. Đông Triều - bến Đông Triều lại là “bức màn” che giữ cho Bộ chỉ huy và quân dân nhà Trần cùng với hệ thống trận địa mai phục ở phía trước khi chúng rút quân.

Chiến công đầu cho Bạch Đằng đại thắng

Đóng góp quan trọng của quân, dân Đông Triều vào chiến thắng Bạch Đằng được lần đầu nêu lên tại Hội thảo là việc đánh bại âm mưu phối hợp hai đạo thủy bộ của quân Nguyên trong kế hoạch rút quân, bảo đảm chắc thắng cho trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng.

Chủ tướng Nguyên Thoát Hoan, sau những cố gắng đến mức cao nhất mà không đạt được mục tiêu đã quyết định thu quân về Vạn Kiếp, chia thành hai đường rút về Trung Quốc để tránh nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Để bảo đảm thêm an toàn, Thoát Hoan điều một đội kỵ binh mạnh do Trình Bằng Phi và Đạt Truật chỉ huy theo con đường bộ truyền thống bám sát hộ tống đoàn thuyền 600 chiếc hành quân trên sông. Nếu hai cánh quân này phối hợp hiệu quả với nhau, cùng vượt ra khỏi biên giới an toàn thì nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nguy hiểm và ác liệt hơn, với Đại Việt vẫn còn hiện hữu. Điểm chốt để chúng có thể hội quân phối hợp với nhau là chính khu vực từ thị trấn Đông Triều cho đến xã Yên Đức, trong đó điểm quan trọng nhất là địa đầu xã Đông Triều - bến Đông Triều.

Đối phó với âm mưu của địch, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, của Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã phá hủy cầu đường, mai phục ở những nơi hiểm yếu, chặn đánh không cho các đạo quân thủy bộ có thể tiếp ứng cho nhau, buộc đội kỵ binh hùng mạnh phải tìm đường tháo chạy theo đường bộ cùng với Thoát Hoan mà không thể bảo vệ, hỗ trợ cánh quân rút lui theo đường thủy.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định trong tham luận của mình tại Hội thảo Giá trị khu Dich tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh): “Hoàn toàn có đủ cơ sở để coi chiến thắng Đông Triều là chiến thắng mở màn cho trận Bạch Đằng lịch sử, đã cản phá và đập tan mưu đồ phối hợp hai đạo quân thủy bộ của quân Nguyên, tạo điều kiện cho quân dân nhà Trần chủ động đối phó và dẫn dắt đoàn binh thuyền của chúng vào trận địa mai phục của ta đúng như dự kiến”.

Theo Ngô Vương Anh (NDĐT)