.

Ký ức chiến tranh trong "Người đàn bà nhóm bếp" của Thái Hải

Thứ Bảy, 13/09/2014, 09:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiếm có một nhà thơ nào, khi cuộc chiến tranh đã lùi sâu bốn thập niên mà sự ám ảnh về nó lại dai dẳng, nhiều nỗi day trở về những số phận con người thời hậu chiến như Thái Hải. Phần lớn những bài thơ neo được người đọc trong tập thơ Người đàn bà nhóm bếp là những bài thơ về dư hậu chiến tranh, hoặc về vùng đất khắc nghiệt, gian khó bậc nhất miền Trung, với những cồn cát trắng lớp lớp chạy dọc bờ biển đã trở thành biểu tượng, thành thi ảnh, thành ca từ... của Quảng Bình quê anh.

Thái Hải nhìn con người và cuộc chiến ấy với tư cách vừa là người trực tiếp tham gia những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đau thương, vừa có độ lùi của hậu chiến để nhìn lại, bằng sự cảm thông chia sẻ, cũng đồng thời nhóm những ngọn lửa thức tỉnh đương đại, thức tỉnh sự biết trân trọng những giá trị sống yêu thương, nhân nghĩa của những con người một thời khốc liệt, làm nên những giá trị hôm nay.

Sự ám ảnh ấy, níu kéo anh vào những vùng xoáy tâm thức, những mâu thuẫn của tinh thần, có lúc nhòe mờ trong ranh giới thực và ảo: “Đôi khi khóc thèm một nỗi buồn/rồi xua nỗi buồn bám riết/cánh cửa lâu ngày quên mở/ổ khóa lách cách vẹt mòn đùng đục gợi khát khao một tiếng chuông ngân” (Đôi khi).

Khóc thèm một nỗi buồn là một nghịch lý đối với số đông, nhưng nó lại có lý trong một tâm trạng mà, cái ổ khóa vẹt mòn còn gợi khát khao một tiếng chuông ngân. Tiếng chuông ngân là tiếng chuông đánh thức cái vật chất vẹt mòn, vô cảm; đánh thức cả sự “thèm một nỗi buồn”, nếu không, thật khó sống, khó cảm khi người ta chỉ hơn hớn vui, hơn hớn cuộc đời! Và đây mới là cái sự thực trần trụi, đắng lòng: “Bốn chục năm ngồi hong mà áo chưa khô/nhớ con đường thơm mùi con gái/sau loạt bom còn lại tiếng cười/...Phờ phạc ngọn tóc ngón ngón đen gầy ở lại/bếp lửa hồng nồi đất lệch nghiêng...” (Người đàn bà nhóm bếp).

Đây là bài thơ viết về cô thanh niên xung phong, cả tuổi thanh xuân “thơm mùi con gái” đã chôn ở những cung đường, giờ là mùa đông cô độc, vắng tiếng khóc trẻ con. Người đàn bà ấy ngồi nhóm những ngọn lửa mong manh hy vọng của mình hay chính tác giả đang ngồi nhóm những ngọn lửa ký ức còn ám ảnh chưa nguôi?!

Sự ám ảnh mà đến giấc mơ bây giờ còn chưa thôi mơ về một cuộc chiến, nơi mà “Vắt rừng lợp dày mắt lá” thì kinh khiếp nhường nào thuở ăn bụi, luồn rừng vào mặt trận. Thái Hải không nói về đạn bom để đặc tả sự tàn khốc, mất mát của chiến tranh, chỉ cần những lát cắt của ngữ cảnh, những mảnh tâm trạng, hay bầu vú người đàn bà trở về sau cuộc chiến đã đủ nói những ám ảnh kinh hoàng, hoặc nỗi buồn se sắt của đời người: “Cô gái giao liên cởi áo/bầu vú nhăn nheo nhìn khóe mắt ướt/như ngày nào để anh úp mặt.../Gom hết nước mắt/lặng lẽ gánh về làng...” (Nước mắt).

Anh còn viết về hang 8 TNXP tám ngọn lửa trầm hương thơm hồn trinh nữ, viết về sự hy sinh của người lính bằng vẻ đẹp của thi ảnh mà vẫn làm ta cảm động: “Chiếc mũ vải mềm vầng trăng tròn/Đôi dép cao su vẹt mòn trăng khuyết/Có một bầu trời nằm sâu đáy huyệt/Đồng đội rưng rưng xếp lại mang về”. Và ở đó, còn ghi khắc một lời thề, một lẽ sống có ích cho cuộc đời, cho đạo lý: “Có lời thề chẳng bao giờ cong/Để bạn bước trên đại lộ thẳng...”.

Cuộc chiến tranh đã lùi xa. Quảng Bình, quê hương của nhà thơ chắc chắn có một toàn cảnh khác xưa nhiều. Những kẻ cựu thù cũng đã trở thành bạn. Nhưng trong Thái Hải, ngoài ám ảnh hậu chiến, anh vẫn còn một cuộc chiến khác, cuộc chiến của những mảng đời nghèo khó, lam lũ, cuộc chiến của thiên nhiên hà khắc như số phận buộc vào vùng đất yêu thương của anh.

Ở đó không chỉ còn những ngôi làng không chồng do hậu quả nhiều người đàn ông không trở về sau chiến tranh, hoặc những người đàn ông không có đàn bà: “Những đứa con không cha/những người đàn ông thèm khát đàn bà/tắm gội nỗi đau/Nhặt bóng ai rơi vãi dưới lòng sông/mở nắp ba lô gom dĩ vãng...” (Bóng lòng sông).

Ở đó, con người với cát như sợi dây định mệnh đã cột lại với nhau rồi: “Cát cười trắng cả mâm cơm/Nắng cong đũa trúc người đơm không đành/Cát không ngôi thứ em anh/Nắng vô tư rót chẳng dành riêng ai” (Sao gươm). Ở đó có những ngôi “làng cát” mà: “Cát khóc/vương trên tóc - lăn cong đòn gánh - quanh nón không vành/nước mắt cát khô giòn/mặn hơn muối xát/làng cát em tôi dấu chân bao đời không thành lối mòn/Cát hắt vào mặt biển/hắt vào ráng đỏ dựng chiều/quất rát đôi tay cuộn lên như sóng của cha/cát trắng trời/vợ ngóng chồng. Cát chảy/Sáng nay/những vú cát hồng/theo em/theo gió/vạch nên đường cong mềm...”.

Quả là một ngôi làng cát, một xứ cát hà khắc, đeo đẳng, và ấn tượng khó nhòa. Cái làng cát mà cuộn lên nhào xuống, đi lại bao đời vẫn không thành lối mòn. Nhưng theo tôi, nó lại có một lối mòn không tẩy xóa là lối mòn cát trong tâm tưởng, trong đời sống của người Quảng Bình, không biết đến bao giờ?

Cũng trên những vỉa tầng cát muôn thuở Quảng Bình, anh viết về một xóm chài rất đặc trưng của thời làm ăn khốn khó, mất mùa: “Dấu chân còng giỡn sóng/mảnh vỡ đại dương lăn lóc cát vàng/cong vênh thuyền câu úp xác bãi ngang.../Mất mùa thừa đói thiếu no/mùi tanh tôm hùm bỏ làng lên phố/chó mèo khóc/khổ chủ vỗ mông chửi tục/Mất cá được tổ tôm/đàn bà trải chiếu quên chợ...” (Xóm chài).

Đây là bài thơ viết về xóm chài ven biển, kể về đời sống người nông dân sống bằng nghề cá nhưng với giọng thơ khá hiện đại, sống động... Nó là một trong số những bài thơ tôi thích trong tập của Thái Hải, kể cả nội hàm đời sống thể hiện, và giọng điệu đang định hình nét riêng của anh.

Những câu thơ như thế, nó vừa vang gợi, cũng vừa gần gũi, níu được người đọc từ nội hàm âm điệu, như: “Bạn mang ba lô về xứ lạ/Để lại ta với gió/Với con thuyền ngủ đông/Vùi lầm lì trong cát” (Nhớ). Hay khi viết về Bà Nà, nói về ngôi nhà hoang phế có lẽ từ thời Pháp để lại, có nhiều câu thơ thật thích: “Có bước chân dẫm phiến đá mồ côi/mùi nước hoa trốn tìm rêu phong//Thời gian chảy trong mạch vữa/chảy trong róc rách suối ngàn/chảy trong đất nâu lá mục/chảy trong da trắng da vàng...”.

Nhưng vì bài thơ không có tứ, lại gộp nhiều ý thơ, thi cảnh khác nhau quanh Bà Nà, nên bị dàn trải, không tạo thành tiêu điểm để găm vào bạn đọc một cái gì đó thật tiêu biểu, thật sáng về Bà Nà.

Trong một góc nhìn thi pháp, có thể nói, Thái Hải cũng rất chú trọng cách nói hiện đại, lược bỏ cấu trúc liên từ, mà không có nhiều người trong lứa tuổi của anh làm vậy. Có thể thấy điều đó ở nhiều khổ thơ, bài thơ; như những ngẫm ngợi về hư vô, về sự đơn điệu, cô lẻ của kiếp nhân sinh trong cái áo vũ trụ mênh mông này: “Hạt bụi cháy/Rạch đêm hai nửa/Tiếng cười cõng nhau chạy dài trên cát/Gió đẩy cỏ mặt trời lăn giữa hai bờ sáng tối/Hạt cúc bật khỏi áo đại dương/còng gió cặm cụi xây lâu đài cát/...Giữa thinh không đơn điệu một hành tinh”.

Người đàn bà nhóm bếp vừa nhóm lên một thái độ sống, nhóm lên những ký ức khó phai quên bằng một giọng thơ nỗ lực tìm tòi, gắng gỏi đổi mới mình, hình thành thi pháp của riêng mình, trong hồn thơ Thái Hải.

Theo tôi, anh nên chăm chút tính liên kết và sự thúc đẩy nhau giữa các khổ thơ, ý thơ trong cấu trúc toàn thể, làm tập trung, làm bật lên tứ thơ thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Hy vọng những chấm phá, sự tìm tòi, cách biểu hiện, và điệu thi sẽ thành lửa, sau cuộc nhóm bếp này của Thái Hải.

Trần Quang Quý