.

Tạp chí văn nghệ địa phương trong dòng chảy thời đại

Thứ Hai, 04/08/2014, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng 7, đội ngũ làm công tác văn hoá văn nghệ tỉnh nhà lại háo hức chờ đón một sự kiện quan trọng, đánh dấu 20 năm trưởng thành của Tạp chí Nhật Lệ-diễn đàn của lực lượng văn nghệ sĩ Quảng Bình. Nhân dịp này, một hội thảo thu hút các tạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung đã được tổ chức với chủ đề “Các tạp chí văn nghệ địa phương với xu thế phát triển văn học nghệ thuật đương đại”.

Đây chính là cơ hội “vàng” để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giới văn nghệ sĩ cùng ngồi lại thảo luận, đánh giá, nhìn nhận vai trò, vị thế của tạp chí văn nghệ địa phương trong dòng chảy thời đại. Và quan trọng hơn, qua đó, nhiều nhóm giải pháp để đổi mới, cách tân, nâng tầm các tạp chí này theo kịp với sự vận động không ngừng của đời sống văn học nghệ thuật trong nước, thế giới được đưa ra dưới nhiều góc nhìn đa dạng khác nhau.

Đề dẫn của Hội thảo đã khẳng định, không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của các tạp chí văn nghệ địa phương trong xu thế phát triển chung của văn học nghệ thuật đương đại. Bởi chính từ những "thửa ruộng" tưởng chừng như nhỏ bé, đơn sơ này đã hình thành tên tuổi của các tác giả, tác phẩm nổi bật, đồng thời cũng là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa văn nghệ của mỗi vùng đất và là nơi khơi nguồn những khuynh hướng sáng tạo mới.

Cũng từ đây, nhiều cây bút trẻ tiềm năng đã chứng minh được bản lĩnh, cá tính sáng tạo, góp phần tạo dấu ấn riêng cho văn học tỉnh nhà bắt kịp với văn học đương đại. Mỗi tạp chí văn nghệ địa phương có một đặc trưng riêng, mang hơi thở cuộc sống riêng của vùng đất đó, vừa làm phong phú văn hóa các vùng miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhà văn Hữu Phương đã viện dẫn lời của nhà thơ Huy Cận: “Các Hội văn nghệ địa phương, là vườn ươm, và vườn hoa trái”, như một minh chứng xác thực nhất cho vai trò, tầm quan trọng của Hội văn nghệ địa phương. Trong đó, tạp chí văn nghệ địa phương-tiếng nói của lực lượng văn nghệ sĩ-cũng chính là hiện thân của sức mạnh, nội lực dồi dào của đời sống văn hoá nghệ thuật trên vùng đất ấy.

Những tài năng trẻ luôn là “khao khát” của các tạp chí văn nghệ địa phương. Trong ảnh là Mai Như Quỳnh-“tiểu thuyết gia” 18 tuổi của Quảng Bình.
Những tài năng trẻ luôn là “khao khát” của các tạp chí văn nghệ địa phương. Trong ảnh là Mai Như Quỳnh-“tiểu thuyết gia” 18 tuổi của Quảng Bình.

Nhà văn Hữu Phương cũng nhấn mạnh rằng: “Văn học thực chất không có sự phân cấp trung ương hay địa phương, và một tác phẩm lớn hoàn toàn có thể viết bởi một nhà văn sống ở tỉnh lẻ, lặng thầm ở một góc quê”. Ông Hoàng Trọng Cường, Tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh (Thanh Hóa) chia sẻ, cùng với sự hình thành và phát triển của lực lượng sáng tác ở mỗi địa phương là sự xuất hiện của tạp chí văn nghệ như một nhu cầu khách quan, một đòi hỏi không thể thiếu được trong hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật, của Hội viên và của công chúng, với vai trò và sứ mệnh đặc thù. Sứ mệnh đó hoàn toàn giống nhau ở mỗi địa phương dù cho mỗi tạp chí có sự ra đời khác nhau bởi hoàn cảnh cụ thể của từng tỉnh, thành phố.

Tuy vậy, trước sức nặng của cơ chế thị trường, các tạp chí văn nghệ địa phương gặp vô vàn khó khăn, gian nan trong hành trình tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của mình. Đó không chỉ là sự vất vả đơn thuần về nguồn kinh phí eo hẹp, hoạt động chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ, mà còn là sự lo ngại đối với đội ngũ cộng tác viên ngày càng già hóa, sự thiếu hụt những cây bút trẻ tài năng, sáng tạo, dám đương đầu với cái mới, và nhất là phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay.

Thực tế cho thấy, ngay cả lớp công chúng trung thành của tạp chí văn nghệ địa phương cũng đang dần bị mai một, trong khi nhóm công chúng mới vẫn chưa được định dạng rõ ràng. Bà Thùy Liên, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị) đã ví các tạp chí văn nghệ địa phương như “ngọn đèn thời hội nhập”. Từ buổi ban đầu ra mắt khi báo chí truyền thông còn khá đơn giản, các tạp chí văn nghệ địa phương đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của đời sống văn hóa thời kỳ đổi mới, kích thích sự sáng tạo cho nhiều văn nghệ sĩ tỉnh nhà, cho đến thời kỳ hội nhập, tạp chí văn nghệ địa phương “cạnh tranh” với Internet, với những trang mạng dễ dàng hỗ trợ cho các cây viết trẻ công bố tác phẩm của mình, dù còn non về chất lượng.

Các tạp chí văn nghệ địa phương như “ngọn đèn, đôi lúc còn thiếu tự tin về vị thế của mình trong thời hội nhập” và “tờ báo nếu thiếu độ nóng của thời cuộc, không đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi tức thì, sôi động của đời sống xã hội thì sẽ tẻ nhạt”. Trong bối cảnh chung đó, việc tìm ra những giải pháp mới, hướng đi mới để vừa có thể bảo tồn nguyên vẹn các giá trị, tôn chỉ, mục đích truyền thống, vừa hội nhập, tiếp thu, đón nhận cái mới, tránh sự lạc hậu, cũ kỹ, lạc lối, đi bên ngoài thời đại đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của các tạp chí văn nghệ địa phương.

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương nhấn mạnh, những năm gần đây, Tạp chí Sông Hương theo đuổi phương châm “Tôn vinh những giá trị văn học nghệ thuật cũ và cổ súy những trào lưu, khuynh hướng sáng tác mới”. Theo đó, những trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới được tiếp cận và giới thiệu, các chuyên đề có tính phát hiện, có chiều sâu được tổ chức và thực sự trở thành diễn đàn tranh luận dân chủ, thẳng thắn, qua đó, các cây bút mới, có nội lực dám dấn thân vào địa hạt của cái mới, có cơ hội để thể hiện mình.

Tạp chí Sông Hương đã làm được điều này và được minh chứng bằng các sản phẩm mang đặc trưng, hơi thở riêng có. Đó là các loạt bài đánh giá, nhìn nhận lại giá trị của những tác phẩm văn học miền Nam trước năm 1975 hay chuyên đề “Dấu ấn Hậu hiện đại”, chuyên đề “Một thoáng trẻ”, chuyên đề “Văn chương Việt Nam đương đại”, sự xuất hiện của những khuynh hướng phê bình mới...

Đặc biệt, Tạp chí Sông Hương là tạp chí đầu tiên phổ biến thơ Tân hình thức, một phương cách sáng tạo thơ Việt trong bối cảnh hậu hiện đại. Cụ thể hơn, bà Thùy Liên, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt (Quảng Trị) cho rằng, để quyết tâm dành lại sức sống cho tờ báo, mạnh mẽ khẳng định vị thế của mình bằng cách kế tục truyền thống và tiếp thu công nghệ hiện đại, các tạp chí văn nghệ địa phương có khá nhiều điều phải làm.

Trước hết, mỗi tạp chí phải hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm tính chính trị, tính tư tưởng, tính chính xác, khoa học và không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp của tạp chí, từ cách thức làm việc cho đến năng lực con người và mở rộng hơn nữa hệ thống phát hành. Bên cạnh đó, việc tăng cường đội ngũ cộng tác viên giỏi đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng của tạp chí. Các tạp chí văn nghệ địa phương cũng cần thử nghiệm với hình thức phát hành thông qua trang báo mạng, để vừa tăng thêm lượng độc giả, vừa theo kịp với xu thế phát triển chung của thời đại.

Như vậy, rõ ràng, trong dòng chảy của thời đại, các tạp chí văn nghệ địa phương luôn đòi hỏi phải có sự đổi mới phù hợp với nhịp sống hối hả của văn học nghệ thuật trong nước, cũng như trên thế giới. Sự đổi mới này tuy rất cần thiết, nhưng nhất định phải được xây dựng trên một “bệ phóng” vững chãi và có những hướng đi phù hợp vớh hội thảo: “Chỉ khi nào các tờ báo địa phương mở rộng sân chơi thì lúc ấy mới có thể nói đến uy tín và sự quan tâm của độc giả”.

Mai Nhân