.

Ký ức tháng bảy

Thứ Sáu, 25/07/2014, 16:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng bảy đến cùng đôi ba ngọn gió nồm hiếm hoi vào chiều muộn, xua tan những oi nồng của mùa hạ. Và tôi chợt nhớ mùa hạ của 25 năm trước, lũ trẻ con chúng tôi nghe người lớn nói chuyện chia tỉnh, chuyện người đi kẻ ở. Rồi một ngày thị xã Đồng Hới, lúc đó những con đường hãy còn thưa thớt người xe, háo hức đón người về cùng lỉnh kỉnh đồ đạc trên những chuyến xe. Khái niệm "chia tỉnh" và dấu mốc Quảng Bình trở về địa giới cũ 25 năm về trước trong tôi chỉ giản đơn như thế... Và sau hành trình dài 25 năm, thị xã tỉnh lỵ năm nào đã thật sự đổi thay, đầy sức sống và khát vọng, như hình ảnh trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương phổ thơ Xuân Hoàng "Thành phố như cô con gái/Vươn vai trước bình minh hồng"...

 

Thành phố trẻ bên dòng Nhật Lệ...
Thành phố trẻ bên dòng Nhật Lệ...

Trong 25 năm ấy, tôi tiếc vì mình bỏ lỡ mất 5 năm đầu tiên, khi phải rời xa thị xã thân thương đúng vào những ngày tháng 7 lịch sử. Và nỗi nhớ cùng sự tiếc nuối ấy được bạn bè ở phố làm vợi bớt bằng những lá thư học trò. Qua lời kể của bạn, tôi cảm nhận được thị xã yên tĩnh trước mùa hè năm 1989 giờ sôi động hơn, bạn bè, trường lớp cũng có nhiều đổi thay...

Rồi tôi trở lại Đồng Hới vào năm 1994. Thời điểm ấy, Đồng Hới đã bắt đầu mang dáng vóc của một thị xã hiện đại với nhiều ngôi nhà, trụ sở cao tầng được mọc lên. Dọc theo bờ sông Nhật Lệ giờ đã tấp nập bước chân du khách. Thuở ấy, người phố hẹn hò nhau thường dùng những địa danh kiểu "Khách sạn Hữu Nghị", "Ngã tư bưu điện", "Ủy ban kế hoạch", cầu Dài hay Quảng Bình quan...

Tên đường tên phố đã có nhưng người Đồng Hới vẫn chưa quen nên chưa nhớ hết. Và trên những tuyến phố, cây xanh và hoa cũng bắt đầu tỏa bóng, khoe sắc. Dọc theo phía nam cầu Dài lộng gió, nhà cửa khang trang, điện đường soi sáng cả bờ sông Nhật Lệ. Phú Hải nay gần hơn chứ không hun hút xa như thuở cầu Dài chưa mưa đã ngập và xe cộ ùn tắc như nhiều năm trước đó...

Và tròn một thập kỷ sau đó, năm 2005, cầu Nhật Lệ khánh thành đã thực sự mang đến một diện mạo mới cho Đồng Hới. Trong mười năm ấy, tôi mỗi ngày bốn bận chạy xe trên con đường bờ sông lộng gió. Bắt đầu từ thời điểm khởi công cầu Nhật Lệ, mỗi khi qua đây, tôi lại chạy xe chầm chậm để được ngắm nhìn những trụ bê tông cốt thép vững chãi mỗi ngày một mọc cao hơn, mang hình hài, vóc dáng của cây cầu xinh đẹp, quyến rũ. Nếu người bên bờ tây mong mỏi và chờ đón cây cầu này một, thì người Bảo Ninh phía bờ đông mong ngóng mười.

Bởi chỉ cách nhau một dòng sông nhưng dường như biển trời vời vợi, bán đảo Bảo Ninh quyến rũ lúc đó chỉ toàn cát với cát và lô nhô những ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng giữa rừng dừa. Còn nhớ có lần đi gặp anh hùng Nguyễn Thị Khíu, đang mùa mưa bão, sông Nhật Lệ nước cuồn cuộn chảy, nên tôi và bạn đồng nghiệp không dám đi đò qua sông. Thế là chúng tôi phải chạy xe theo quốc lộ 1 lên xã Võ Ninh rồi vòng về Bảo Ninh. Hơn ba mươi phút đi xe máy, đến nhà mẹ Khíu chợt ngỡ ngàng nhìn về phía bên kia thành phố, thấy con đường quen thuộc thường ngày mình vẫn đi gần trong gang tấc...

Cầu Nhật Lệ khánh thành đã tạo thêm điểm nhấn tuyệt đẹp cho thành phố Đồng Hới. Không chỉ có thế, nó còn mở ra những cơ hội mới cho bán đảo Bảo Ninh. Đã gần mười năm trôi qua từ ngày ấy. Bảo Ninh bây giờ mang hình hài một người con gái tươi trẻ và quyến rũ. Khu du lịch Sun Spa resort nép mình bên bờ biển ngọc ngà, quảng trường biển Bảo Ninh thênh thang gió lộng, đại lộ Võ Nguyên Giáp chạy xuyên qua bạt ngàn cát trắng như một nét cắt mạnh mẽ song song bên bờ biển.

Nhật Lệ đêm trăng giờ huyền ảo và thơ mộng hơn ngàn lần khi du khách và bao đôi tình nhân đi qua cầu đã không cưỡng lại được vẻ đẹp của sông trăng mà dừng lại. Và tôi, lần đầu tiên tình cờ biết ý nghĩa tên sông, đó là "sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời" đã từng được ca ngợi trong câu thơ cổ của Hồ Thiên Du "Nhật chi lệ bất vô chi chúc giả". Nghĩa là "sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được". Cái thú ngắm bình minh lên đã biến những buổi sáng yên tĩnh trở nên rộn ràng, sôi động hơn.

... và nhìn từ trên cao
... và nhìn từ trên cao

Tinh mơ, từng tốp người đi bộ trên cầu Nhật Lệ, đắm mình trong biển Bảo Ninh trong vắt rồi thong thả qua cầu vừa lúc bình minh ló dạng. Người yêu Đồng Hới, yêu sông Nhật Lệ qua lại nghìn ngày và ngắm bình minh mà vẫn mê mải hò hẹn với bình minh sông Nhật Lệ trong cảm giác tươi mới như thể là buổi đầu tiên hẹn hò...

Và cũng trên dòng sông này, cuối năm 2012, cầu Nhât Lệ 2 đã được khởi công, hứa hẹn một điểm nhấn mới cho thành phố. Cùng đó là những khu đô thị mới được mở rộng về phía tây với quy hoạch hoàn chỉnh và khoa học, kết nối và tạo sự cân bằng cho thành phố mới. Đầu tháng 7-2014, đúng mốc thời gian kỷ niệm 25 năm ngày tỉnh nhà trở về địa giới cũ, UBND tỉnh đã thông qua phương án thiết kế cầu đi bộ qua mương Phóng Thủy và Hồ Thành Đồng Hới. Là công trình phục vụ du lịch quy mô không lớn, nhưng điều đó thể hiện tư duy nhanh nhạy, biết chăm chút cho "nhan sắc" của thành phố trẻ, tiến tới mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng thành phố Đồng Hới phù hợp để trở thành đô thị loại II...

Với lịch sử, 25 năm chỉ là một cái chớp mắt của thời gian, nhưng với cư dân thành phố Đồng Hới, đó là một quãng thời gian đánh dấu sự nỗ lực, khát vọng và quyết tâm. Quá trình bắt tay xây dựng và đổi thay diện mạo quê hương, vẫn còn đó những bất cập và tồn tại, nhưng về cơ bản, thành phố Hoa Hồng đã ngày một đẹp hơn không chỉ trong mắt người yêu quê hương mà với du khách trong và ngoài nước, Đồng Hới đã trở thành một điểm đến lý tưởng trên bản đồ du lịch.

Sự kiện Cảng hàng không Đồng Hới khai trương và đi vào hoạt động, đưa Đồng Hới và Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn cách nhau chỉ hơn một giờ bay với tần suất chuyến bay tăng nhanh và việc ra đời đôi tàu du lịch Quảng Bình - Hà Nội đã thêm một lần nữa khẳng định điều đó....

Về sự kiện từ thị xã được nâng cấp lên thành phố, có ai đó từng viết rằng, sau một đêm ngủ dậy, người Đồng Hới bỗng dưng trở thành cư dân thành phố. Điều đó không sai. Nhưng để có được sự "choàng tỉnh" ấn tượng ấy, tỉnh Quảng Bình và thị xã Đồng Hới đã không ngừng khát khao và nỗ lực. Và từ sự nỗ lực cùng những khát khao không ngừng nghỉ ấy, tương lai gần sẽ có thêm những lần "choàng tỉnh" ngoạn mục nữa, đưa thành phố Đồng Hới trở thành đô thị loại II và xa hơn nữa như mong ước của người dân quê hương và quyết tâm của tỉnh.

"Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ...", câu thơ như lời tự tình, tiềm ẩn niềm khát khao, ước vọng của người Đồng Hới mà thi sĩ Xuân Hoàng từng viết, giờ đã thành hiện thực. Cùng với những tòa nhà to đẹp, tráng lệ soi mình bên bờ biển biếc, hoa hồng đã nở rực rỡ trên mỗi con đường, lối đi...

Và tôi miên man hình dung ký ức tháng bảy của thế hệ con cái mình sau nhiều năm nữa. Có thể lúc đó, đêm giao thừa, pháo hoa sẽ lung linh không chỉ trên cầu Nhật Lệ, Nhật Lệ 2, mà sẽ còn Nhật Lệ 3 và hơn thế nữa...

Ngọc Mai