.

Tứ hữu, tứ thời trong nghệ thuật trang trí truyền thống

Thứ Năm, 06/02/2014, 07:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Tứ hữu, tứ thời là kiểu thức trang trí rất phong phú và đa dạng trên các công trình kiến trúc đền đài, lăng tẩm miếu mạo... mang tính tượng trưng và khái quát cao của triết học phương Đông đã gắn sâu vào tâm linh về nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người.

Đề tài tứ hữu (tứ quý, tứ quân tử) thường thấy là: mai, lan, cúc, trúc hay mai, sen (liên), cúc, tùng.

- Mai: Đứng đầu trăm hoa “thanh kỳ cốt cách”  người xưa không ngớt lời ca tụng hoa mai.
 Đại thi hào Nguyễn Du đã khởi đầu về cái đẹp bằng “cốt cách và tinh thần” của hoa mai một cách nói kín đáo mang nhiều ý nghĩa nằm sâu trong hai câu lục bát “Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Còn Cao Bá Quát thì “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

- Lan: Loài hoa gắn nhiều với sự thanh cao và sự trường sinh.                                                       

- Sen: Tượng trưng cho thanh bạch. Sinh ra trong bùn rồi vươn lên mà tỏa hương sắc.

- Cúc: Tượng trưng cho người cao sĩ, xưa có câu “Cúc ngạo hàn sương” để nói người cao sĩ giữ tiết tháo bất chấp cảnh ngộ như thế nào.

Mai điểu và Tùng lộc khảm sành sứ ở nhà thờ họ Đặng Trung xã Đức Ninh (Đồng Hới).
Mai điểu và Tùng lộc khảm sành sứ ở nhà thờ họ Đặng Trung xã Đức Ninh (Đồng Hới).

- Trúc: Cây có cành ngay thẳng, mùa đông không rụng lá, đốt trúc gọi là “tiết” cho nên người xưa lấy trúc để tượng trưng cho khí tiết người quân tử.

- Tùng: Cũng như trúc, mùa đông chẳng hề rụng lá, sống nơi khô nắng, cheo leo, miền hoang sơ đá sỏi tượng trưng cho hình vẻ, dáng mạo của người quân tử luôn luôn bình thản cho dù thời vận éo le hay gian khó. Nguyễn Công Trứ có câu “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Để thể hiện cho bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông  chúng ta thấy có bộ tứ thời là: Mai: tượng trưng cho mùa Xuân, liên (sen) chỉ mùa Hạ, cúc chỉ mùa Thu, tùng chỉ mùa Đông. Người xưa lấy bốn loài cây tượng trưng cho bốn mùa mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Trong trang trí, nghệ sĩ dân gian lại thường không thể hiện các loài thảo mộc đơn độc mà luôn ghép với một loài động vật để tạo cho hình ảnh càng thêm sinh động. Vì vậy bốn mùa thường có các chủ đề: Mai điểu (chim đậu cành mai); Liên áp (vịt bơi bên hoa sen); Cúc điệp (bướm đậu trên hoa cúc); Tùng hạc hay Tùng lộc (con hạc đứng dưới cây tùng hay con hươu dứng dưới cây tùng)...

Tứ hữu, tứ thời là  đề tài rất thông dụng trong nghệ thuật trang trí truyền thống được thể hiện theo tình cảm nhẹ nhàng, bay bướm trong khuôn khổ nhất định của vật được trang trí một cách tài tình, tạo những gì sâu đậm bản sắc dân tộc trên những sản phẩm nghệ thuật.      

Hiệp Vân