.

Người Vân Kiều đón Tết cổ truyền

Thứ Hai, 03/02/2014, 15:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên bậu cửa, mế Hồ Thị Mó (bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) rót ly nước lá rừng mời khách rồi bấm đốt ngón tay chậm rãi kể: “Vậy là hơn 30 mùa rẫy rồi mế được đón Tết cổ truyền đầm ấm trong ngôi nhà này. Kể từ ngày về định canh định cư tại đây, Tết nào trong gia đình mế cũng có hoa quả, bánh kẹo, bánh chưng, bánh đòn, rượu, thịt heo, thịt gà…, dâng lên bàn thờ tổ tiên, sau là để mọi người cùng hưởng, giống như ở miền xuôi vậy. Tết của người Vân Kiều chẳng khác mấy so với người dưới xuôi, chỉ có một vài món ăn, phong tục tập quán là hơi khác một chút thôi… ”.

 

Nhà sàn của đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh).
Nhà sàn của đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh).

Ơn Đảng, ơn đấng sinh thành

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tục đón Tết cổ truyền của người Bru-Vân Kiều, mế Hồ Thị Mó trải lòng tâm sự: Người Bru-Vân Kiều và tất cả các dân tộc đang sinh sống ở đất nước Việt Nam đều như anh em ruột thịt một nhà. Do đó, Tết cổ truyền của dân tộc cũng là của toàn thể đồng bào cả nước. Trước đây cuộc sống đói khổ, chiến tranh khốc liệt... buộc nhiều bà con Vân Kiều phải lo chạy giặc, du canh du cư khắp dãy Trường Sơn để kiếm miếng ăn hàng ngày nên chẳng biết nhiều về Tết.

Từ khi đất nước được hòa bình, người Vân Kiều bắt đầu làm quen với cuộc sống định canh, định cư, và đó cũng là quãng thời gian mà bà con “quen” dần với Tết cổ truyền của dân tộc. Bây giờ, hương vị ngày Tết trong những ngôi nhà người dân Vân Kiều chẳng mấy khác so với các địa phương trong tỉnh là mấy. Đón Tết, hầu như nhà nào cũng có hoa quả, bánh kẹo, bánh chưng, bánh đòn, thịt heo, thịt gà, xôi nếp, rượu...

Rồi mế Hồ Thị Mó tự hào khoe với chúng tôi: Tui từng làm cán bộ xã nhiều năm, được đi nhiều nơi, tiếp cận khá nhiều tài liệu nên cũng hiểu khá rõ về dân tộc Bru-Vân Kiều. Nhắc đến ngày Tết cổ truyền, bà con Bru-Vân Kiều lại nhớ ngay tới Đảng, tới Bác Hồ. Các chú nhà báo xem, nhờ Đảng mà bà con mới có điều kiện thuận lợi để định canh định cư, ổn định cuộc sống, thậm chí vươn lên giàu có như ngày hôm nay. Năm 1957, dịp Bác Hồ vào Quảng Bình thăm đồng bào, chiến sỹ, người Bru-Vân Kiều vinh dự được Bác đồng ý cho mang họ Hồ. Nhiều năm qua, Tết cổ truyền chính là dịp để bà con Bru-Vân Kiều bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Bác Hồ và công ơn trời biển của đấng sinh thành. Các chú đi nhiều bản làng của người Vân Kiều cứ để ý mà xem, rất nhiều nhà đều thờ ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng đó, chẳng hạn như nhà tui đây này...

Bà Hồ Thị Hy (70 tuổi), bản Khe Dây, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh tâm sự: Chồng tui là trưởng họ, mỗi năm cứ đến ngày 26-12 (âm lịch) là mọi người trong họ từ Cẩm Ly (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy), Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị)... đều kéo về đây để tiến hành cúng giỗ tổ tiên. Ngày giỗ, mọi người trong họ đều báo cáo với tổ tiên những kết quả làm được trong năm; cầu mong tổ tiên sang năm mới sẽ tiếp tục phù hộ cho con cháu mọi điều may mắn, ai ai cũng có thêm sức khỏe, làm ăn phát đạt... Sau đó mọi người đều trở về nhà của mình để lo việc Tết.

Vào dịp Tết, ngoài việc mua sắm hoa quả, kẹo bánh, mứt, rượu, gói bánh chưng..., nhiều gia đình của người Vân Kiều còn tiến hành làm thêm bánh mè xát (bánh được làm từ gạo nếp trộn với mè), ủ rượu cần. Thông thường thì cứ vài ba nhà trong bản lại chung nhau làm thịt một con heo để đón Tết. Nếu là anh em ruột thì phần đầu và đuôi heo phải để cho người con trai cả, sau đó phần thịt sẽ được chia đều...

Anh Hồ Vân, bản Khe Dây cho biết: Sau đêm giao thừa, người Vân Kiều rất ngại đến nhà hàng xóm chơi vào sáng mồng 1 Tết (chỉ trừ những người anh em, họ hàng) vì sợ xông đất cho người ta mà không hợp tuổi tác. Từ chiều mồng 1 trở đi, bà con lại tổ chức đi chúc Tết người cao tuổi trước tiên, sau đó lần lượt chúc các gia đình từ đầu bản tới cuối bản...

Tết của những là điệu Tà oải, Pờ Oát, Xơ nớt...

Già làng Lê Văn Tiêu (70 tuổi), người Vân Kiều, trú tại bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được nhiều người thường gọi với cái tên trìu mến “Nghệ nhân Vân Kiều”. Sở dĩ người ta “tặng” cho già Tiêu cái tên đó bởi ông là một người biết chơi nhiều loại nhạc cụ, hát được rất nhiều làn điệu dân ca của người Bru- Vân Kiều. Và hầu như năm nào Trường phổ thông Dân tộc nội trú Lệ Thủy cũng mời già Tiêu tham gia vài tuần giảng dạy cho các học sinh của trường...

Già làng Lê Văn Tiêu biểu diễn kèn khui.
Già làng Lê Văn Tiêu biểu diễn kèn khui.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tục đón Tết cổ truyền của Người Bru-Vân Kiều, già Tiêu liền khoe ngay: “Tết là ngày khởi đầu cho mùa xuân, muôn hoa đua nở khoe sắc, muông thú gọi bầy tìm bạn... Đây cũng chính là dịp để người Vân Kiều ngồi lại với nhau, cùng ôn lại một năm cũ đi qua với bao câu chuyện vui, buồn lẫn lộn, đan xen. Bên mâm rượu ngày Tết, những loại nhạc cụ cùng với những làn điệu dân ca Tà oải, Pờ Oát, Xơ nớt... chính là “cầu nối” thắt chặt tình cảm giữa mọi người với nhau”.

Vừa chuyện trò, già Tiêu vừa “lôi” ra một số loại nhạc cụ biểu diễn và giải thích với chúng tôi: Thông thường, những người lớn tuổi đến nhà nhau chúc Tết, họ cùng uống rượu rồi hát bằng các làn điệu Tà oải (dân ca ngắn, nhẹ, thường gói gọn trong 4 câu), Prơdoạc (theo Địa chí huyện Quảng Ninh thì Prơdoạc là những khúc hát vui trong hội hè, chúc phúc, cưới xin), Xơ nớt (cũng là một thể loại hát vui nhưng rộn ràng hơn, một người lĩnh xướng thường có nhiều người phụ họa kèm theo với vũ khúc). “Tết cà mo nay, dôn  xúc xiên yên an xan la vả, từ nay chu mắt, cắt ne atưng. Dôn xúc xiên yên an, tả priết o xờ pua, xà ray, la hung... (tạm dịch: Tết năm nay chúng mình chúc nhau thêm giàu có, sức khỏe. Từ nay trở đi chúng mình sẽ càng tiến bộ, trồng chuối, trồng bắp ngày càng nhiều thêm...)”- Già Tiêu hát cho chúng tôi nghe một đoạn của làn điệu Xơ nớt...

Hồ Vân, bản Khe Dây, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh cho biết: Tết cũng chính là dịp để những đôi trai, gái Vân Kiều hẹn hò, tìm hiểu nhau. Và làn điệu Oát, Tà oải chính là “cầu nối” cho những đôi uyên ương xích lại gần nhau hơn, để rồi họ trở thành vợ, thành chồng. Nhưng cũng có thể đây là dịp để họ cất lời oán thán, hờn trách vì không đến được với nhau. Tay cầm kèn khui thổi một hồi, Hồ Vân dừng lại rồi hát một đoạn của làn điệu Tà oải (làn điệu dành cho nam): “Xi on tô mây, từ nay chu mát, cắt ne tưng, cờ ne a tưng, pia pun xà lát... (tạm dịch: Gặp em, trông em đẹp như đóa hoa bằng lăng, anh mong chúng mình sẽ như hình với bóng, ước gì được gần em nhiều hơn nữa, đừng như hoa xuôi dòng nước)”. Hồ Vân lại tiếp tục thổi kèn khui và hát Tà oải (làn điệu dành cho nữ): “Cờ ai pài tờ lửng, ai chu pẩy...(tạm dịch: em chỉ sợ anh nói dối, anh đừng lừa gạt em, hay anh đã có vợ rồi...).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để làm cho những làn điệu dân ca thêm phần du dương, mềm mại..., người Bru-Vân Kiều đã sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều rất phong phú, căn cứ vào cách sử dụng, có thể chia thành 3 nhóm: nhóm bộ hơi gồm kèn A man, Ta ranl, kèn, kèn khui, pi (sáo), tù và...; nhóm bộ gõ gồm thanh la, chiêng núm, trống các loại...; nhóm bộ dây gồm đàn A chung, Pơlửa, Tung tinh...

Già làng Lê Văn Tiêu tâm sự: Trước đây, hầu như người Vân Kiều lớn tuổi nào cũng có thể chơi được một vài nhạc cụ như kèn khui, tung tinh... Cũng nhờ chơi nhạc được nên nhiều làn điệu dân ca của người Vân Kiều đã lưu giữ đến tận hôm nay. Bây giờ lớp trẻ không mấy đam mê với những loại nhạc cụ nói trên, nếu không có dịp Tết cổ truyền e những là điệu dân ca của bà con cũng dần mai một mất...

Văn Minh