.

Quảng Bình quê ta ơi...

Thứ Tư, 29/01/2014, 09:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 6 năm 1993, tôi đi dự Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh do Sở Văn hóa- Thông tin và Thể thao An Giang tổ chức. Tại thị xã Châu Đốc, trong bữa cơm gặp mặt, một người hỏi tôi ở tỉnh nào. Tôi trả lời ở Quảng Bình. Anh hỏi lại, Quảng Bình ở đâu ta? Một người đã lớn tuổi ngồi trước mặt tôi vội đỡ lời: “Quảng Bình quê ta ơi. Quảng Bình của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó”.

Tôi thầm cảm ơn ông, hỏi ra mới biết đó là Trần Bạch Đằng, một cán bộ lão thành cách mạng, một nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử, nhà báo, một nhà văn nổi tiếng trong cả nước. Ông nói, trong kháng chiến chống Mỹ, ở chiến trường Nam Bộ mỗi lần nghe đài miền Bắc phát sóng bài Quảng Bình quê ta ơi lòng ông lại rạo rực niềm tin chiến thắng. Nghe vậy, một đại biểu dự hội thảo đứng dậy gõ đũa bắt nhịp bài hát, tiếng khoan khoan hò khoan đậm chất Nam Bộ được cất lên âm vang cả một vùng sông nước bên dòng sông Hậu...

Như điểm tựa của chiếc đòn gánh miền Trung gánh hai đầu đất nước,  Quảng Bình lưng dựa vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông nơi có Hoàng Sa, Trường Sa ngàn năm sóng vỗ. Đất hẹp, nhưng thế núi sông hùng vĩ. Cha ông xưa từng cảm ơn công tạo lập của đất trời để có một Hoành Sơn  “thế như rồng cuộn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp”, một Đầu Mâu “vươn cao nhọn hoắt”, một Mã Yên “chỗ như ký mã thong dong, chỗ như tuấn mã hăm hở. Tinh thần phong phú, khí tượng dồi dào”. Có núi,  có sông, sông có nguồn từ núi nên một Nhật Lệ “một bầu trong vắt, khuấy không thể đục, lắng không trong thêm”, một Kiến Giang “trong xanh, vị ngọt, uống không biết chán”, lại thêm Loan Giang (Roòn), sông Chính Yên (Dinh), sông Lý Hòa và đặc biệt là Linh Giang (Gianh)  một thời đau nỗi đau chia cắt hai xứ Đàng Ngoài, Đàng Trong mà năm Minh Mạng thứ 19 được tạc vào Cửu đỉnh.

“Có trời đất này, thì mới có núi sông này, và có núi sông này thì mới có con người này”, gần 500 năm trước Tiến sĩ Dương Văn An, người Lệ Thủy đã luận ra mối quan hệ biện chứng đất và người quê ta vậy đó. Xa xưa, con người có mặt trên mảnh đất này với nền văn hóa Bàu Tró, điển hình cho thời đại đồ đá mới. Lịch sử cư dân Việt ở Quảng Bình bắt đầu sang trang khi vùng đất Quảng Bình trở về với Đại Việt năm 1069.

Nhiều tộc họ phía Bắc, hưởng ứng lời chiêu mộ của Lý Nhân Tông khai phá vùng đất Bố Chính, Lâm Bình đến đây lập nên làng xóm.  Những Mai Xá, Phan Xá, Hoàng Xá, Trần Xá, Ngô Xá, Võ Xá, Quảng Xá, Lê Xá... là những làng thuộc người các dòng họ Phan, Mai, Hoàng, Trần, Ngô, Võ, Quảng, Lê... đến cư ngụ đầu tiên  mà thành. Họ khai phá vùng đất Lâm Bình (sau là Tân Bình, Tiên Bình) phì nhiêu, lập trang trại, thực hiện “ngụ binh ư nông” dưới thời Lý, Trần, vừa sản xuất vừa đánh giặc. Đến năm 1470, khi toàn thắng Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu: “Bố Chính đất rộng, dân thưa, liền với châu Hoan, ai đến đó khẩn hoang sẽ được lợi lớn”, công cuộc khai thiết  được mở ra với quy mô lớn. Không chỉ là họ tộc, nhiều làng mới lập ra với những cộng đồng có chung một nghề nghiệp, một giai tầng như Kẻ Lái (Lý Nhân), Kẻ Thạng (Cao Lao Thượng), Kẻ Hạ (Cao Lao Hạ), rồi Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Kẻ Hạc, Kẻ Ngói, Kẻ Câu, Kẻ Tiếu... Đến thời các chúa Nguyễn, các doanh trại đồn trú sau khi hết chinh chiến họ ở lại lập nên làng mới: Dinh Mười, Tiền Thiệp, Hữu Tráng, Hữu Cung, Trung Nghĩa...

Có làng, mới có huyện, có tổng, có phủ rồi có tỉnh. Lịch sử hình thành tỉnh Quảng Bình có gốc cội hẳn hoi làm sao mà mất được. Chủ nhân của những vùng đất đó như Dương Văn An viết: “Trai khỏe mạnh, gái nhu mì”. Với Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì người Quảng Bình “tính dân thật thà và tốt, đều yên phận làm ăn ở thôn quê, ít khi ra ngoài đi xa”. Khát khao một cuộc sống ấm no, họ chăm chỉ cấy cày, “hai sương một nắng”, “ăn cá vá chài” căn cơ một bề nghèo khó chỉ mong “xóm làng đông đúc, chung nghe tiếng gà, tiếng chó...

Chiều Đồng Hới. Ảnh: Trần Hùng
Chiều Đồng Hới. Ảnh: Trần Hùng

Ngày xuân mở hội bơi trải, phất phới lụa là, tiết hạ bày tiệc tàng quy, tưng bừng múa hát” (Ô châu cận lục). Nhưng lịch sử thăng trầm, không chỉ cầm cày, cầm cuốc họ phải cầm gươm, cầm giáo đứng lên bảo vệ quê hương góp phần bảo vệ giang sơn xã tắc. Không biết bao cuộc chiến tranh đi qua trên mảnh đất này để bảo vệ biên cương Đại Việt dưới thời Lý, Trần, Lê. Đến thế kỷ XVII hơn 50 năm chiến tranh xương máu ngập tràn trên các chiến lũy Trường Dục, Động Hải, Sa Phụ, An Náu, bảo vệ biên thùy của chúa Nguyễn Đàng trong và sau đó trở thành chiến tuyến “chặn đường xung yếu của Hữu Kỳ, giữ vững miền thượng du Bắc trực, bức bình phong che chở Kinh sư” (Đại Nam nhất thống chí). Bên cạnh những quân sư, tướng tài như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Trương Phúc Phấn, Nguyễn Cửu Kiều là nhân dân Quảng Bình với những Hữu Cung, Tiền Thiệp, Võ Xá, Trấn Ninh... là đội quân bách chiến bách thắng.

Có chiến thắng trên các chiến lũy hai bên bờ sông Nhật Lệ, chúa Nguyễn mới có điều kiện mở dinh Trấn Biên- Phú Yên, Bình Khương - Khánh Hòa và sau đó lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên - Biên Hòa lấy xứ Sài Gòn đặt huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn – Gia Định. Người dân Quảng Bình theo chân những người tiên phong mở cõi Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Phúc Phan, Nguyễn Cửu Vân  lập nghiệp phương Nam từ Đồng Nai, Bến Nghé xuôi mãi tận sông Tiền, sông Hậu. Vào phương Nam xa xôi, lòng vẫn nhớ cố hương, người Quảng Bình mới đem tên đất, tên làng đặt cho những vùng đất mới. Những Tân Bình, Bình Đông, Bình Tây như hoài niệm về vùng đất Lâm Bình- Tân Bình- Tiên Bình- Quảng Bình của cha ông. Có lúc họ nhắc lại tên một huyện như Phong Phú (Lệ Thủy) hay một huyện và một xã như Phong Đức (huyện Phong Lộc, xã Đức Phổ). Nhiều thôn ấp được đặt tên như cũ: Phú Nhuận, Phú Thọ, An Lạc (Lệ Thủy), Phú Mỹ, Thanh Hà (Bố Trạch), Vĩnh Lộc (Quảng Trạch) ở tận phương nam. Mới biết, Quảng Bình quê ta nặng lòng với cố hương lắm.

Là vùng đất "ác địa" đi qua nhiều cuộc chiến tranh, Quảng Bình sinh ra  nhiều võ tướng kiên hùng nhưng cũng lắm văn nhân. Ngay các võ tướng tài ba như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào đi suốt cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn vẫn mang tâm hồn của một văn nhân mới có “Hoa Văn Cảo Thị”, “Song Tinh Bất Dạ” để lại cho muôn đời. Sự hun đúc dưỡng dục của trời đất đã tạo nên những vùng quê  Cửu khúc long khê – Cao Lao “nhiều kẻ sĩ vững vàng khí tiết, nhiều đời nối nghiệp văn nho”; một Tam bút châu nghiêng – La Hà đứng đầu khoa bảng; một Long đáo địa – Văn La song Hiệp biện và nhiều vùng dất địa linh nhân kiệt khác. Trên chốn quan trường nhiều vị quan thanh liêm để tiếng cho đời. Là Tiến sĩ Dương Văn An người làng Tuy Lộc (Lệ Thủy) “theo đòi việc học, thấm nhuần giáo hóa” nặng nợ với quê hương xứ sở mà viết nên Ô Châu cận lục để lại cho con cháu muôn đời. Là Hoàng Kim Xán người làng Văn La (Quảng Ninh) “tiết tháo trong sạch, công lao nổi bật” có con là Hoàng Kế Viêm - Đông các đại học sĩ. Là Vũ Xuân Cẩn người làng Hòa Luật (Lệ Thủy) làm quan bốn triều  “rạng danh văn đức, sáng thuần phong”. Là Võ Trọng Bình người làng Mỹ Lộc (Lệ Thủy) Hiệp biện đại học sĩ nổi tiếng thanh liêm. Trên thi đàn văn học không thể không nhắc đến Nguyễn Hàm Ninh người làng Trung Thuần (Quảng Trạch) nổi tiếng với Tĩnh Trai thi tập, Tĩnh Trai văn tập;  Lưu Trọng Lư vị chủ soái của phong trào Thơ Mới nổi tiếng với Tiếng Thu rạo rực lay động lòng người.

Đầu thế kỷ XIX, khi giặc ngoại xâm từ phương Tây đến nước ta, tên gọi Quảng Bình được biết đến với phong trào Cần Vương. Những tên người như Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Đề Én, Đề Chích, Hoàng Phúc, Cô Tám, Lê Mô Khởi... cùng với tên đất tên làng như Khe Ve, Thanh Lạng, Ba Nương, Minh Cầm, Cổ Liêm, Kim Sen, Trại Na... đã một thời làm khiếp đảm những tên lính viễn chinh xâm lược Pháp khi mới đặt chân đến đất này.

Trong kháng chiến 9 năm, Quảng Bình cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên là chiến trường khói lửa được biết tới bởi những chiến công vang dội của Hưng Đạo, Cự Nẫm, Cảnh Dương, Xuân Bồ góp phần cùng cả nước làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình quê ta lại đứng nơi đầu sóng ngọn gió. Lịch sử lại đặt lên vai người dân Quảng Bình trọng trách nặng nề là tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Lòng dân Quảng Bình ghi tạc sâu sắc chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác, chấp nhận hy sinh “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”. Nói đến Quảng Bình lúc đó là nói đến những chiến công bắn rơi máy bay, bắn cháy tàu chiến Mỹ, bảo đảm giao thông thông suốt trên mọi vùng quê.

Phong trào thi đua “Hai giỏi” đã làm nên những chiến công vang dội với những tên đất, tên làng lừng lẫy chiến công. Những Nhật Lệ oai hùng, sông Gianh dậy sóng, những Cha Lo, Mụ Giạ với khẩu lệnh  “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Nói đến Quảng Bình là người ta nhắc Mẹ Suốt, các chị Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Khíu, Đinh Thị Thu Hiệp, đến Xê gái pháo binh Ngư Thủy anh hùng, những người con làm rạng rỡ quê hương. Cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết nên "Quảng Bình quê ta ơi" để đồng bào, đồng chí trong cả nước và bạn bè quốc tế biết đến Quảng Bình rực lửa chiến công. Tiếng hát Quảng Bình quê ta ơi với bạn bè, đồng chí khắp cả nước có nhiều kỷ niệm lắm.

Ông Trần Sự, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình kể lại, một lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đường từ chiến trường ra ghé lại thăm Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình trong những ngày đánh Mỹ, ông nói: “Nhớ Quảng Bình lắm, mỗi lần ở chiến trường nghe Đài Tiếng nói Việt Nam hát bài Quảng Bình quê ta ơi mình lại gọi anh em trong sở chỉ huy cùng nghe”.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm nay mưa gió liên miên, siêu bão số 10 tàn phá vùng đất Quảng Bình làm cho mọi người bàng hoàng lo lắng. Gồng mình gánh chịu thiên tai, người dân Quảng Bình tuy chịu nhiều mất mát nhưng cũng ấm lòng với tình cảm sẻ chia của nhân dân trong cả nước. Sự tàn phá của thiên nhiên rồi cũng dần dần khắc  phục  nhưng đến ngày 4 tháng 10  tin dữ bay về: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con yêu quý của quê hương về cõi vĩnh hằng! Nhân dân cả nước đau xót, bạn bè năm châu xúc động hướng về Quảng Bình, nơi sinh ra một con người kết tinh những gì tinh túy nhất của Đất và Người Quảng Bình.

Lá rụng về cội, quê hương Quảng Bình đón Vị tướng của nhân dân, Vị tướng của Hòa bình, người con của quê hương mãi mãi về nằm trong lòng Đất Mẹ. Sinh ra bên dòng Kiến Giang, hơn trăm năm sau Người lại về nằm bên Vũng Chùa - Đảo Yến để mãi mãi được nghe sóng hát, bài hát Quảng Bình quê ta ơi trăm thương ngàn nhớ...

Tùy bút của Phan Viết Dũng