.

Ông Thuận Hữu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:53 [GMT+7]

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kì 2015-2020 đã kết thúc. Ông Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kì 2015-2020.

>> Hơn 500 nhà báo dự Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam

Phiên nội bộ diễn ra trong 2 ngày 7 đến 8-8, phiên chính thức diễn ra ngày 9-8, với sự tham dự của hơn 500 nhà báo, đại diện cho hơn 22.000 nhà báo, hội viên trong cả nước.

Trước đó, các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; Người sáng lập và là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong phiên họp chính thức, Đại hội đã nghe báo cáo kết quả phiên họp nội bộ; báo cáo tổng hợp nội dung các tham luận của đại biểu; báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội khóa IX. Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, Đại hội đã Bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kì 2015-2020, gồm 57 đồng chí. Ban Chấp hành đã họp phiên đầu tiên và bầu ra Ban thường vụ, Ban kiểm tra của Hội.

Ông Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kì 2015-2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng hoa, chúc mừng Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.

Thay mặt Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chính quy, hiện đại, nhân văn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh: Đại hội đã khẳng định và biểu dương những nỗ lực, đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, Hội nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội. Đại hội cũng xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội nhiệm kì mới. Đại hội cũng xem xét sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội khóa IX, với nhiều điểm mới phù hợp với tình hình hoạt động Hội trong giai đoạn 2015-2020.

Đại hội phân tích sâu sắc tình hình báo chí trong nước và quốc tế, những thách thức và cơ hội, các vấn đề đặt ra trong công tác hội hiện nay. Các đại biểu đều nhất trí khẳng định: Báo chí nước ta trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động. Sự phát triển không thể hiện chỉ ở số lượng cơ quan báo chí tăng hàng năm, số lượng người hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng tăng, chất lượng đội ngũ nhà báo từng bước được nâng cao mà còn thể hiện ở sự phát triển các loại hình báo chí, phóng viên đa phương tiện.

Các ý kiến đóng góp, tham luận của các đại biểu đều thống nhất: Hơn lúc nào hết, các nhà báo phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp và phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin. Các cơ quan báo chí cần đổi mới tư duy làm báo, mô hình các cơ quan báo chí và đầu tư hiện đại hóa phương tiện làm báo theo kịp xu thế phát triển báo chí khu vực, thế giới. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đối với báo chí, để các nhà báo và cơ quan báo chí có thể hoạt động tốt nhất, phục vụ lợi ích đất nước, nhân dân; tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào việc cung cấp thông tin, xã hội hóa nguồn lực và giám sát hoạt động báo chí...

Tại Đại hội, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, nhất trí đưa ra các phương hướng chủ yếu và 11 nhiệm vụ trọng tâm, 8 giải pháp cơ bản của Hội nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kì 2015-2020. Trong đó nhấn mạnh: lãnh đạo các cấp Hội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của các Hội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về báo chí, công tác Hội, chủ động và tăng cường triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng, đạo đức, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng tổ chức Hội; quan tâm sâu sát về công tác tổ chức, bồi dưỡng kiến thức công tác hội, quyền lợi vật chất, tinh thần của hội viên…

Theo Thanh Giang (Vietnam+)