.

Hội thảo khoa học "Minh Hóa với phong trào Cần Vương"

Thứ Năm, 30/07/2015, 16:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 30-7, Sở Khoa học-Công nghệ phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tổ chức hội thảo khoa học "Minh Hóa với phong trào Cần Vương". Tham dự có đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các chuyên gia lịch sử, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan...

>> Dấu ấn vùng đất Minh Hóa trong phong trào Cần Vương

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương như: Cuộc kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi trên đất Minh Hóa; chiêu dụ Đồng Khánh của phong trào Cần Vương ở Quảng Bình; Hàm Nghi-Minh Hóa và “Sơn triều” trong lòng dân; Quảng Bình-kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương giai đoạn 1885-1888; vua Hàm Nghi trên lộ trình thiên đô sau ngày 7-5-1985; vua Hàm Nghi và và phong trào Cần Vương ở Cơ Sa-Kim Linh, huyện Minh Hóa (1885-1888); góp bàn một số vấn đề về phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX; cộng đồng các dân tộc ít người và vai trò của họ trong cuộc chiến đấu của vua Hàm Nghi trên đất Minh Hóa; một số tướng lĩnh tiêu biểu của nghĩa quân Cần Vương ở Quảng Bình và những vấn đề cần được làm sáng tỏ liên quan đến phong trào Cần Vương và vua Hàm Nghi…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: hội thảo đã làm rõ hơn ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành và phát triển phong trào Cần Vương, đặc biệt là vùng đất Minh Hóa-nơi được gọi là “Kinh đô kháng chiến”, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng cho mỗi người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng; tăng cường lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước…

Với những chứng cứ lịch sử, cùng những ý kiến thảo luận của các đại biểu, nhà khoa học, hội thảo đã đánh giá cao vai trò của vua Hàm Nghi cùng phong trào Cần Vương trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là ông vua trẻ có lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân. Bên cạnh vua có những đội quân, trong đó có những người dân Minh Hóa luôn thể hiện tinh thần trung quân ái quốc, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vua, bảo vệ “Kinh đô”. Tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương còn góp phần củng cố lòng yêu nước của nhân dân cả nước, tạo động lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi sau này.

Tại hội thảo, các đại điểu cũng đã lý giải vì sao vua Hàm Nghi chọn đất Hóa Sơn, huyện Minh Hóa làm “Kinh đô”; vấn đề sau khi vua Hàm Nghi bị bắt và việc chọn vị trí phù hợp để xây dựng nhà bia tưởng niệm, bia di tích về vua Hàm Nghi trên đất Minh Hóa...

Xuân Vương