.

Đánh giá tổng kết dự án "Công ty kinh doanh cùng nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn-IBC"

Thứ Sáu, 12/06/2015, 19:43 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 12-6, tại TP Đồng Hới, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV tổ chức hội nghị đánh giá tổng kết dự án "Công ty kinh doanh cùng nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn-IBC".
 
 
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT đã trình bày tóm lược kết quả thực hiện dự án và kế hoạch phát triển sắn bền vững của Quảng Bình giai đoạn 2015-2020.
 
Xác định người trồng sắn, các nhà máy tinh bột sắn, các tiểu thương thu mua sắn là những đối tượng chính trong chuỗi giá trị sắn, dự án đã tiếp cận, hỗ trợ tạo điều kiện để các tác nhân chính có thể chủ động tham gia vào chuỗi giá trị nhiều hơn.
 
Cụ thể, đối với người trồng sắn, năm 2014, khi có sự hỗ trợ của dự án IBC, 500 hộ được chọn tham gia vào mô hình liên kết chuỗi giá trị đã được tham gia tập huấn những kiến thức về quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững, bảo quản, chế biến sắn… Với kỹ thuật canh tác mới, giống mới năng suất cao, sắn có thể đạt năng suất 23-25 tấn/ha, thu lãi 24-27 triệu/ha sắn tươi, đã thu hút nhiều nông dân mong muốn được tham gia vào dự án. Năm 2015 có hơn 1.500 hộ muốn tham gia, tuy nhiên do điều kiện kinh phí có hạn nên việc mở rộng dự án chưa thể thực hiện.
 
Đối với Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh (thuộc Công ty CP FOCOCEV Quảng Bình) và Nhà máy tinh bột Long Giang Thịnh (thuộc Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh), dự án thực hiện việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sắn giữa nhà máy với người sản xuất chặt chẽ hơn. Năm 2015, nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của IBC, Nhà máy tinh bột Long Giang Thịnh đã có sự thay đổi để tăng cường mối liên kết trong chuỗi.
 
Dự án cũng hỗ trợ Sở Nông nghiệp-PTNT thành lập 4 tổ thu gom sắn tại các xã Trường Xuân, Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh); xã Nam Trạch, Hưng Trạch (huyện Bố Trạch). Tổ thu gom sẽ đại diện nông dân ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu sắn, thỏa thuận giá và ngược lại sẽ chuyển tiếp những thông tin từ nhà máy, các chính sách liên quan đến người dân; có kế hoạch khi có điều kiện thời tiết bất thường xảy ra để hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người trồng sắn.
 
Năm 2014, Sở Nông nghiệp-PTNT đã hình thành 6 vườn sắn thí nghiệm ở 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch để xây dựng quy trình canh tác sắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Kết quả, đã xác định được 2 giống nổi trội là Rayoong 72 (năng suất 30,8 tấn/ha) và KM21-12 (năng suất 34,2 tấn/ha). Bón phân theo công thức 300kg NPK+46kg Ure+188kg lân+108kg Kali clorua là tối ưu nhất. Trồng xen 3 hàng lạc giữa 2 hàng sắn cho năng suất hiệu quả cao nhất.
 
Bên cạnh đó, các hoạt động tập huấn, hội thảo, hội nghị, tham quan học tập kinh nghiệm… cũng được dự án và Sở phối hợp tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho các cán bộ nông nghiệp và người dân thực hiện dự án.
 
Để các kết quả của dự án được nhân rộng trong sản xuất và đời sống, thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục khảo nghiệm và nhân giống sắn mới vào sản xuất để thay thế bộ giống KM94 đang có hiện tượng thoái hóa; rà soát, điều chỉnh xây dựng vùng nguyên liệu hai nhà máy tập trung; phát triển các hình thức HTX, tổ thu gom sắn, tổ sản xuất… giúp nông dân chủ động tham gia vào thị trường. Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch phát triển thị trường sắn trong tỉnh, trong nước…
 
Lê Mai