.

Thẩm định hồ sơ VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần 2

Thứ Bảy, 16/08/2014, 22:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều ngày 16 – 8 - 2014, UBND tỉnh đã tiếp tục có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia thẩm định hồ sơ di sản VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (PN – KB) (trước đó UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn vào ngày 12 – 8). Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, dự án  liên quan.

Sau 5 ngày (từ ngày 12 - 8 đến 16 – 8) làm việc, thu thập thông tin ngoài thực địa, đồng chí Trần Văn Tuân mong muốn được nghe Đoàn chuyên gia thẩm định hồ sơ di sản VQG PN - KB trao đổi những tâm tư, ý kiến mà họ ghi nhận được trong quá trình làm việc. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tiêu chí 10 (đa dạng sinh học), tiêu chí mà đồng chí nhận định là một tiêu chí khó, hiện chưa có nơi nào tại Việt Nam đạt được.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Trao đổi với đoàn làm việc, bà Josephine Langley – Chuyên gia thẩm định hồ sơ di sản VQG PN – KB cho biết trong quá trình làm việc tại VQG PN – KB, đoàn rất ấn tượng với lực lượng kiểm lâm, bởi họ đã biết kết hợp với người dân, có quy chế phối hợp với Bộ đội biên phòng mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ rừng. Nhờ đó, hiện tượng khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng đầu nguồn giảm. Điều này đáp ứng tốt cho tiêu chí 9 (sinh thái). Tuy nhiên, bà cũng thắc mắc về vấn đề bắt giữ vi phạm liên quan đến rừng nhiều nhưng số vụ bị khởi tố lại ít, bà mong muốn có những biện pháp cương quyết, dứt khoát đối với các hành vi vi phạm.

Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho bà Josephine Langley.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho bà Josephine Langley.

Bên cạnh đó, bà Josephine Langley cũng quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch sinh thái tại VQG PN – KB. Bà cho rằng, đời sống của người dân vùng đệm còn nghèo, ngoài việc cho họ tham gia bảo vệ rừng, giám sát bảo vệ đa dạng sinh học thì việc phát triển du lịch cũng giúp họ hưởng lợi rất nhiều.
Liên quan đến tiêu chí 10, bà mong muốn có một chiến lược nghiên cứu dài hơi về đa dạng sinh học. Điều này sẽ giúp VQG PN – KB thuận lợi hơn khi các tổ chức, dự án quốc tế đến nghiên cứu, đầu tư; giúp Vườn chủ động  nguồn nhân lực nghiên cứu… Bà nhận định Vườn Thực vật là địa điểm tốt để phát triển thành trung tâm nghiên cứu, giáo dục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Đại diện lãnh đạo VQG cho biết Vườn luôn quan tâm đến việc thực hiện quy chế phối hợp với Bộ đội biên phòng, cam kết bảo vệ rừng của người dân, công tác an ninh biên giới… Giải đáp thắc mắc của bà Josephine Langley về vấn đề bắt giữ vi phạm nhiều nhưng khởi tố ít, lãnh đạo Vườn cho biết đa số các vụ vi phạm đều nhỏ lẻ nên chưa đủ điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam; riêng những đối tượng buôn bán, vận chuyển số lượng lớn thì Vườn kiên quyết xử lý nghiêm khắc. Vườn cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học như thành lập các câu lạc bộ bảo tồn động vật hoang dã tại các xã vùng đệm, tăng cường giám sát đa dạng sinh học đối với lực lượng kiểm lâm bằng hệ thống Smart.

Tuy nhiên, Vườn cũng gặp phải những thách thức lớn trong việc bảo vệ rừng, đa dạng sinh học bởi hàng ngàn năm nay người dân vùng đệm đã sống dựa vào tài nguyên sẵn có của VQG PN – KB, do đó không thể ngày một, ngày hai ngăn cấm triệt để người dân vào rừng mà phải từng bước đẩy lùi. Bên cạnh đó, để đầu tư cho nghiên cứu như mong muốn của bà Josephine Langley là rất khó bởi hiện tại những nguồn kinh phí Vườn có được chỉ đủ xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ rừng…

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tuân cũng cho biết VQG PN – KB là nơi hiện có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Vườn là nơi chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Do đó, việc bảo vệ VQG PN – KB, bảo vệ di sản luôn được tỉnh chú trọng, đặt lên hàng đầu. Đồng chí mong muốn đoàn chuyên gia có được cái nhìn đúng về giá trị của VQG PN – KB để đưa ra đánh giá khách quan nhất cho việc thẩm định hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới lần 2.
                                                                                                                                                                             Lê Mai