.

Họp bàn giải quyết kiến nghị về môi trường tại khu vực Nhà máy xi măng sông Gianh

Thứ Tư, 13/08/2014, 08:26 [GMT+7]
(QBĐT) - Chiều 12-8, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp bàn giải quyết kiến nghị, phản ánh của các hộ dân sống gần khu vực Nhà máy xi măng sông Gianh (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) bị ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.
 Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tinhchủ trì cuộc họp bàn giải quyết kiến nghị của người dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang chủ trì cuộc họp bàn giải quyết kiến nghị của người dân.
Dự án Nhà máy xi măng sông Gianh được khởi công xây dựng từ năm 2002 và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2006 với công suất dự kiến ban đầu là 1.500.000 tấn/năm, thực tế công suất hiện tại của Nhà máy là 900.00 tấn/năm.
 
Trong quá trình hoạt động, mặc dù Nhà máy đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường, cơ bản thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: ống khói chính của Nhà máy đã có nhiều lần xảy ra sự cố làm bụi phát tán với lượng lớn. Tại khu vực nghiền và sản xuất xi măng; trạm nghiền than, bãi thải than; khu vực bãi chứa nguyên liệu dự trữ; khu vực xuất xi măng vẫn còn nhiều bụi rơi vãi, khi có gió lớn, bụi phát tán ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh, trong đó nặng nhất là các hộ dân thôn Cương Trung C, xã Tiến Hóa (nằm ở phía Đông Nhà máy, cuối hướng gió).
 
Ngày 14-7-2014, một số người dân ở thôn Cương Trung C do bức xúc đã đến tập trung tại cổng Nhà máy xi măng sông Gianh để phản ánh việc bụi phát tán ảnh hưởng đến hoa màu, sức khỏe, đồng thời kiến nghị Nhà máy có biện pháp khắc phục và lập kế hoạch di dân ra khỏi vùng bị ô nhiễm.
 
Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương và đại diện người dân thôn Cương Trung C tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy xi măng sông Gianh.
 
Qua kiểm tra, những ý kiến phản ánh của người dân là đúng thực tế, khoảng cách từ Nhà máy đến nhà ở của dân không bảo đảm theo quy định tối thiểu là 1.000m, trong khi đó nhiều nhà ở thôn Cương Trung C chỉ cách Nhà máy chưa đầy 100m. Bởi vậy, bụi phát tán từ Nhà máy xi măng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực. Một số vị trí ở thôn Cương Trung C có hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép 1,7 lần…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh, Nhà máy xi măng sông Gianh là dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế-xã hội ở địa phương, tuy nhiên việc duy trì hoạt động của nhà máy phải đồng nghĩa với việc bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người dân. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới, Nhà máy cần tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy móc, lọc bụi để kịp thời phát hiện và sửa chữa bảo đảm không để xảy ra sự cố phát tán bụi; thường xuyên tổ chức làm vệ sinh, tưới nước, phun ẩm trên các tuyến đường nội bộ, sân bãi; lắp đặt lưới chắn bụi quanh Nhà máy và trồng thêm nhiều cây xanh, đặc biệt khu vực sát nhà dân; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân.
 
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Xuân Quang cũng yêu cầu Sở Tài nguyên-Môi trường tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Nhà máy xi măng sông Gianh nhằm hạn chế mức thấp nhất các ảnh hưởng đến môi trường quanh khu vực, đồng thời tiếp tục giám sát mức độ ảnh hưởng để đề xuất phương án di dời những hộ dân bị ảnh hưởng nặng.
 
X.Phú