.

Đời tàu... phận người - Kỳ 3: Duyên nợ đời tàu...

Thứ Ba, 07/01/2014, 13:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi vẫn không thể quên hình ảnh mạ cùng người làng gánh gồng ít gạo, sắn, khoai đi bộ gần mươi cây số từ làng xuống ga Quảng Trị đón tàu chợ ra quê ngoại Phú Hội xưa (xã Quang Phú bây giờ) để đổi lấy con tép, con tôm, mắm ruốc rồi theo tàu quay trở vào bán kiếm lời. Khoảng thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi, những đứa trẻ “cá roọng”, “cá biển” như chúng tôi lớn lên, được ăn học đàng hoàng một phần nhờ vào đôi quang gánh tảo tần cùng hành trình tàu chợ của các mẹ, các dì... Mạ tôi bây giờ đã già, mỗi năm vài lần đi tàu thăm con lập nghiệp ở Quảng Bình. Nghe tin tàu chợ chuẩn bị ngưng chuyến, cứ luyến tiếc: “Buồn hè!”.

>> Kỳ 2: Phận người

>> Kỳ 1: Đời tàu

“Vẫn là công việc lặp đi lặp lại, ngày này sang ngày khác... năm này sang năm khác, có lẽ đến lúc mắt mờ, gối mỏi, chân chùng hoặc tàu chợ chỉ còn là hoài cổ thì gì sẽ ở nhà”- Bà Lê Thị Ngọc Bích- người bán cơm gà trên DH41, hơn mười năm sau vẫn nhận ra tôi, cậu sinh viên ngày nào ôm hồ sơ ra Quảng Bình xin việc.

Mà chẳng phải riêng tôi, thế hệ sinh viên đã và đang học tại Huế hoặc những ai chuyên đi tàu chợ đều dễ dàng trở thành người thân thích của bà Bích. Thời gian làm người phụ nữ tảo tần, bươn chải cùng kiếp tàu chợ này già đi, nhưng nụ cười thì vẫn luôn vồn vã, giọng Mỹ Chánh pha chút Huế đặc trưng mời chào không lẫn vào đâu được.

Bà Bích bảo mình có thâm niên 37 năm bán cơm gà trên tàu chợ, từ khi mới 13 tuổi. Chừng ấy năm, cơm gà của bà trở thành thương hiệu, như cơm gà vùng Lạc Sơn ở Quảng Bình. Lấy chồng sớm, chồng mất khi mới 26 tuổi, lúc đó bà Bích một nách hai đứa con dại. Bây giờ con cái trưởng thành lập nghiệp tận thành phố Hồ Chí Minh, bà vẫn chung thủy với cơm gà và hành trình tàu chợ sớm tối.

Cơm gà trên tàu chợ.
Cơm gà trên tàu chợ.

“Thời bao cấp, trên tàu nhiều người cùng bán cơm gà, khi Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Trị- Thừa Thiên tiến hành hạch toán, đổi mới dịch vụ chạy tàu, người bán cơm gà rơi rớt dần, cuối cùng còn lại tui. Lấy chữ tín làm đầu, vui vẻ, hòa đồng, đáp ứng mọi nhu cầu của khách nên đến tận bây giờ cơm gà của tui vẫn trụ được”. “Giá cả bữa ni dì bán như thế nào?”- tôi hỏi. “Đủ cả... thấp nhất là 15 nghìn, cao nhất giá 40 nghìn cơm đùi gà, tùy theo nhu cầu của khách”.

Thường 5 giờ 30 phút sáng, tàu chợ xuất phát ở Huế, đến ga Mỹ Chánh tầm 6 giờ 30 phút hoặc 7 giờ kém, bà Bích chờ ở đó cùng với thịt gà làm sẵn, cơm trắng đã nấu. Thời điểm này khách bắt đầu ăn sáng. Xong tua đầu, tiếp tục bắt tay vào chuẩn bị cho buổi trưa. Khi tàu chạm đất Quảng Bình tại ga Thượng Lâm, bà Bích xách cơm gà “lượn” từ đầu đến cuối tàu phục vụ cho các “thượng đế”. Cơm gà buổi trưa kịp hết khi tàu dừng ở ga Mỹ Đức, bà Bích xuống tàu, vào nhà mối quen nghỉ trưa, làm thịt gà sẵn chờ hành trình tàu chợ đi vào.

“Đời tui già rồi, như đời con tàu già cỗi ni... có lẽ đến lúc an phận nhưng tàu chợ hắn mà không chạy nữa, tội cho mấy đứa sinh viên, thương cho bà con mình nghèo khó vốn bén duyên với tàu chợ”- bà Bích chia sẻ. Đang vui chuyện, tôi hỏi về những kỷ niệm của 37 năm bán “cơm tàu”. Bà Bích kể: “Hồi đang còn trẻ kia, hôm đó có một thanh niên lên tàu ở ga Đông Hà, anh ấy đến mua cơm của tui. Lúc ăn xong gọi tính tiền thì phát hiện ví mình bị trộm mất.

Hoảng quá, lại xấu hổ với tui nên anh lột đồng hồ đang mang ở tay cắm lại hẹn khi nào gặp sẽ trả nợ sau. Tui kiên quyết không lấy, khi đến ga Thuận Lý (ga Đồng Hới bây giờ), biết anh ấy không có tiền đi xe thồ, tui còn đưa cho 20 nghìn đồng. Trưa hôm đó, anh ấy trở lại ga, tìm bằng được tui để trả tiền dĩa cơm gà. Kể ra ri... tui muốn nói, ai trong cuộc sống chẳng có lúc sơ sẩy, chữ tín và tình người là quan trọng nhất. Chừng ấy năm, tui luôn giúp đỡ cho mọi người, nhất là người nghèo, người bệnh những gì mình có thể giúp. Xong một chuyến đi, về nhà nghỉ ngơi rất thanh thản”.

Công việc thường nhật của dì Bích.
Công việc thường nhật của dì Bích.

Bà Hồ Thị Én, trạc tuổi bà Bích, người Huế. Ai đi tàu, từng gặp bà Én đều không thể nào quên nụ cười thật đẹp, thật hiền của bà. Rõ lạ! Tôi chục năm trời, dăm ba bận nhớ tàu chợ thì lên ngồi rong ruổi vào Quảng Trị nhưng lại hay ám ảnh về những con người, những cảnh đời trên con tàu chạy chậm nhất Việt Nam này. Một trong những người đó là bà Én.

Đồng nghiệp tôi ở Đài PT- TH tỉnh, nguyên sinh viên đại học Huế bảo rằng, ngày xưa bà ấy đẹp hơn nhiều, khối khách đi tàu mê tơi. Hành khách chưa bao giờ thấy dì Én giận ai, hờn ai, lúc mô cũng cười. Chồng bà Én cũng là nhân viên đường sắt, thâm niên công tác 30 năm, vợ chồng có hai con. 13 năm trước bà thất nghiệp ở nhà, Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Trị- Thừa Thiên cảm cảnh đôi vợ chồng nghèo nên bố trí cho bà Én lên bán giải khát trên tàu chợ. 13 năm với những kỷ niệm vui buồn, vui nhiều hơn.

“Trước đây, khách mua hàng hay trốn không trả tiền, nhưng bây giờ thì hết rồi, mọi người trên tàu văn minh hơn, lịch sự hơn”- bà Én chia sẻ. Chiếc xe đẩy nho nhỏ, vừa đúng khoảng trống giữa hai dãy ghế trên tàu, người phụ nữ Huế nhu mì ấy ngày ngày cần mẫn đẩy đi dọc theo chiều dài con tàu. Trên đó đầy đủ tất thảy các mặt hàng giải khát: nước khoáng, cà phê, thuốc lá, kẹo bánh... Một thứ một ít gắn kết duyên bà Én với đời tàu chợ, tạo nên những cung bậc nhân sinh: mộc mạc mà trữ tình, nhỏ bé mà thâm sâu... vĩnh cửu, trường tồn, kể cả khi kiếp tàu chợ trôi vào hoài cổ... Khi hai mươi sân ga xép thôi không còn thấy hình bóng con tàu thường nhật.

Đêm trên ga Huế... điểm gối đầu cuối cùng của đời tàu chợ, tôi ngồi bên đường ray ngắm từng toa tàu ngủ yên trong bóng đêm sau một vòng tròn chu du ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Cảm giác tiếc nuối như em An, bé Liên ở một ga xép nghèo đêm đêm cố thức đợi chờ chuyến tàu đi qua, mong mỏi thấy ánh đèn leo lắt cuối con tàu mất dần về phía vô vọng trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Lại nữa, cứ đau đáu những câu thơ của thi sỹ Nguyễn Bính trong tuyệt phẩm “Những bóng người trên sân ga”...

Khi chúng tôi kết thúc hành trình rong ruổi theo chuyến tàu chợ DH41 Quảng Bình- Quảng Trị- Thừa Thiên thì ngày cuối năm cũng đã gần kề. Anh Nguyễn Thanh Khánh, Phó trưởng ga Đồng Hới điện thoại cho tôi báo tin mừng: “Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức có văn bản đồng ý cho tiếp tục duy trì hoạt động của các đôi tàu chợ phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2014 này rồi”.

Ngô Thanh Long