.

Vương vấn Nakhon Phanom

Thứ Bảy, 11/01/2014, 14:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hành trình xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Bình năm 2013 tại các tỉnh đông bắc Thái Lan, điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là tỉnh Nakhon Phanom. Được xem như là cửa ngõ dẫn vào vùng đông bắc Thái Lan theo đường bộ từ Việt Nam và Lào.

 

Tháp Wat Phrathat Phanom.
Tháp Wat Phrathat Phanom.

Ấn tượng những di tích Phật giáo

Trong hành trình xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Bình năm 2013 tại các tỉnh đông bắc Thái Lan, điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là tỉnh Nakhon Phanom. Được xem như là cửa ngõ dẫn vào vùng đông bắc Thái Lan theo đường bộ từ Việt Nam và Lào. Với diện tích 5.512,7 km², dân số khoảng hơn 700.000 người, Nakhon Phanom là một trong những tỉnh có diện tích lớn của Thái Lan.

Được thiên nhiên ưu ái, thời tiết thuận lợi nên nhà cửa, chùa chiền ở đây xây dựng và trang trí rất đẹp mắt. Đa phần người dân ở Nakhon Phanom theo đạo Phật. Tính cách nhẹ nhàng, từ tốn cả trong giao tiếp ứng xử, ăn uống hàng ngày và trong hoạt động tham gia giao thông.

Ấn tượng nhất của chúng tôi khi đến Nakhon Phanom là chùa chiền, với những ngôi chùa tháp vàng rực dưới ánh nắng chiều. Theo lời anh Hoàng Văn Lâm hướng dẫn viên du lịch, người có thâm niên hơn 15 dẫn tour Lào-Thái Lan thì đây là tỉnh duy nhất của Thái Lan có đầy đủ các di tích Phật giáo ứng với từng ngày sinh trong một tuần lễ. Nằm rải rác trong tỉnh, các di tích này có những đóng góp sâu sắc về mặt tinh thần và được coi là một phần quan trọng của văn hóa tỉnh Nakhon Phanom nói riêng và vùng Đông Bắc Thái Lan nói chung. Vậy là chúng tôi quyết định trải nghiệm.

Di tích đầu tiên chúng tôi đến là Wat Phrathat Phanom, đây là quần thể chùa và các bảo tháp, trong đó có tháp lớn nhất cao 53 mét, trên đỉnh tháp có khối vàng trang trí nặng 110kg, trong tháp có chứa xá lợi Đức Phật. Theo truyền thuyết, trong bảo tháp có chứa xương ngực của Đức Phật, nên được xem là một trong những cấu trúc quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy trong khu vực. Ban đầu nó được xây dựng vào thế kỷ 16 do vua Lào Setthathirath khởi xướng. Mỗi năm, một lễ hội được tổ chức tại Phrathat Phanom để tôn vinh các ngôi đền. Lễ hội diễn ra trong suốt một tuần lễ với sự tham dự của hàng nghìn người hành hương đến chiêm bái.

Tiếp đến là di tích Renu, một di tích Phật giáo không kém phần quan trọng nằm tại Chùa Phra That Renu ở làng Renu, huyện Renu Nakhon. Tương truyền rằng nơi đây dành cho những người sinh vào ngày thứ hai. Bên trong bức tượng Phật tại chùa này có xá lợi của Phật tổ và không hiểu tình cờ hay ngẫu nhiên mà bức tượng này lại quay mặt về hướng Đông, cùng hướng với cả khuôn viên chùa. Điều ấn tượng nhất có lẽ là việc ngôi chùa này còn lưu giữ được toàn bộ bộ Kinh phật, các hình ảnh Phật bằng vàng, bạc và chiếc vương miện đá quý của giới quý tộc ngày xưa ở khu vực này. Renu Nakhon cũng tự hào là nơi còn nhiều người dân tộc Phu Thai sinh sống.    

Di tích Phật giáo dành cho những người sinh vào ngày thứ ba chính là chùa Phrathat Si khun, nằm ở làng Nakae. Đỉnh của di tích này tương tự như ở di tích Phrathat Phanom. Bên trong đó có xá lợi của các sư thầy Phra Mokkanlana, Phra Saribut và Phra Sangkayana. Tương truyền rằng những người tới chiêm bái tại đây sẽ có sức mạnh về tình thần, được vinh danh và có tương lai tốt đẹp. Đối với những người sinh vào ngày thứ tư, thì chùa Phrathat Mahachai là một biểu tượng tôn giáo mà họ không thể bỏ qua. Chùa này nằm ở huyện Pla Pak và quay ra hướng Nam.

Di tích Prasit lại dành cho những người sinh vào ngày thứ năm và nằm trong Chùa Phrathat Prasit ở huyện Na Wa. Trong di tích này có đất được lấy từ bốn địa điểm linh thiêng của Ấn Độ. Đây cũng là di tích Phật giáo duy nhất tại Thái Lan có đầy đủ các biểu tượng Phật giáo.

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Làng hữu nghị Việt-Thái.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Làng hữu nghị Việt-Thái.

Những người sinh vào ngày thứ sáu thường đến di tích Uthen nằm tại chùa Phrathat Tha Uthen, bên trong chùa cũng có xá lợi của Phật tổ. Di tích này ứng với các vị thần của ngày thứ sáu và quay mặt về phía Bắc của di tích Phrathat Phanom. Phía tay phải chùa giáp với dòng Mê Kông. Tương truyền rằng những người sinh vào thứ sáu là những người có óc sáng tạo, nhiều sáng kiến và thích độc lập. Nếu những người này tới chiêm bái tại đây, cuộc sống của họ sẽ luôn thịnh vượng, giống như ánh ban mai.

Cuối cùng là di tích Phrathat Nakhon. Di tích này cũng có xá lợi của Phật tổ nhưng quay mặt ra hướng tây nam. Di tích Phrathat Nakhon nằm ở chùa Mahathat của huyện Mương. Nơi đây dành cho những người sinh vào ngày thứ bảy. Tương truyền rằng những người sinh vào ngày này tới đây chiêm bái sẽ có được những tước vị xứng đáng.

Với 7 di tích Phật giáo đặt tại 7 ngôi chùa ứng với 7 ngày sinh của mỗi người trong một tuần lễ, tỉnh Nakhon Phanom đang thu hút được nhiều khách du lịch là những người theo đạo Phật hoặc các tôn giáo khác tới đây chiêm bái.

Khách du lịch có thể tới thăm quan các di tích Phật giáo ứng với từng ngày sinh trong tuần của một người nào đó trong gia đình mình. Mỗi một di tích là một huyền thoại hay một câu chuyện kể về sức mạnh to lớn của nó trong việc mang lại hạnh phúc và sự thịnh vượng cho những phật tử tới đây.

Có một làng người Việt Nam tại Nakhon Phanom

Từ trung tâm tỉnh lỵ Nakhon Phanom bên dòng sông Mê Kông, đi ô tô chừng 30 phút về phía đông bắc chúng tôi đến bản Mạy. Sau chặng hành trình đi qua những khu dân cư Thái với nhà sàn đặc trưng, không hề có vườn tược, vừa đặt chân đến cổng Làng hữu nghị Thái-Việt (cũng là cổng bản Mạy, thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom).

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là hình dáng của chiếc cổng làng Việt với mái ngói đỏ, rồng phụng uốn lượn quen thuộc. Na Chook là tên vùng đất được gọi theo địa danh một cái hồ lớn tại đây. Người Việt gọi là hồ Nà (tiếng Thái, chook là cái ao lớn). Bước qua cổng làng, chúng tôi lại càng ấm lòng hơn trước một khung cảnh làng quê Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc từ những khu vườn sum sê cây trái với hàng cau, vườn chuối, bưởi, hàng rào dâm bụt, thửa ruộng, bờ ao...  Đặc biệt, khu nghĩa trang với những ngôi mộ được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt khiến mọi thành viên trong đoàn có cảm giác như đang ở chính trên quê hương mình.

Cổng vào Làng hữu nghị Việt-Thái.
Cổng vào Làng hữu nghị Việt-Thái.

Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Nakhon cho biết “Làng hữu nghị hiện có có 118 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu, nhưng hơn 90% là người Việt”. Các cô, các chị trong làng ra tận đầu ngõ của trụ sở Làng hữu nghị Thái - Việt đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng như người thân ruột thịt lâu ngày gặp nhau.

Chị Nguyễn Thị Vân Nam (bà con quen gọi là cô Nam), cho biết: “Nghe tin hôm nay có các anh chị của Sở Du lịch Quảng Bình bên Việt Nam sang thăm, chúng tôi mừng lắm. Ai nấy đều dẹp hết việc nhà để đến đây từ sớm”. Nước chè xanh được chuẩn bị sẵn để thết đãi khách từ quê nhà. Theo cô Nam, bản Mạy được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ 20, do những người Việt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư sang đây lập nghiệp. Người được xem là khai canh của ngôi làng Việt này là ông Lê Văn Thuyết, người Can Lộc, Hà Tĩnh. Bản Mạy cũng là nơi vào tháng 7-1928, Bác Hồ với bí danh Thầu Chín đã dừng chân và cùng bà con Việt kiều yêu nước hoạt động cách mạng.

Ở bản Mạy, Bác đã sống trong gia đình ông Võ Trọng Đài, một người bạn của Bác khi còn ở Việt Nam. Sau khi ông Đài qua đời, ngôi nhà Bác Hồ từng ở và hoạt động được giao lại cho người con trai tên Tiêu. Khi Bác Hồ đến bản Mạy, ông Tiêu chỉ mới 8 tuổi, ông cũng chính là người được Bác Hồ dạy tiếng Việt và sống gần gũi Bác. Ông Tiêu đã mất năm 2010, ngôi nhà được giao lại cho con cái ông trông giữ. Hiện ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Bác ở bản Mạy. Bác sống và hoạt động tại đây cho đến tháng 11-1929 thì rời Thái Lan sang Trung Quốc.           

Trong buổi hội đàm với Hội người Việt Nam tại Thái Lan của tỉnh Nakhon Phanom, chúng tôi rất mừng khi được biết bà con người Việt mình sinh sống ở Nakhon khá đông, họ là những người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt sống ở Thái Lan, đa số các gia đình người Việt đều làm ăn khá giả, nhiều người có công ty làm ăn buôn bán lớn.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Nakhon cho biết: “Bà con người việt ở đây rất đoàn kết, họ tự nguyện quyên góp tiền mua đất, xây dựng trụ sở của hội khá khang trang”. Hiện nay Ban chấp hành của hội có 41 người, trong đó có 6 Phó chủ tịch. Hôm chúng tôi đến trụ sở hội, rất đông bà con đã đến để gặp gỡ. Bên trong trụ sở hội treo nhiều những hình ảnh các vị lãnh đạo cấp cao của cả Việt Nam và Thái Lan nhân dịp đến thăm. Căn phòng chính của hội được dùng làm phòng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là phòng họp.

Ông Sơn tự hào nói thêm: Chỉ duy nhất một Làng hữu nghị Việt-Thái này trên đất Thái Lan mà thôi. Làng hữu nghị cũng là nơi sum họp của bà con Việt kiều Nakhon Phanom nói riêng và cả vùng đông bắc Thái Lan nói chung. Ở đây vào các dịp lễ tết, bà con Việt kiều lại tụ hội quây quần bên nhau thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Làng hữu nghị cũng là điểm dừng chân mà bất cứ đoàn khách Việt nào sang đông bắc Thái Lan đều không thể bỏ qua.

Rời Làng hữu nghị chúng tôi tiếp tục hành trình để về Udonthani, những hình ảnh thân quen và nồng ấm mà bà con trong làng dành cho cứ vấn vương mãi.

Tháng 1-2004, từ sáng kiến của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh, Phó Thủ tướng Thái Lan, Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Việt - Thái và quyết định thành lập Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy. Ngày 22-2-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawtra đã khai trương Làng hữu nghị Việt - Thái ở bản Mạy, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc.

Xuân Hoàng