.

Yêu cầu cải cách tư pháp được thể hiện trong Bộ luật Hình sự 2015

Thứ Năm, 02/06/2016, 07:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm vừa qua, bên cạnh các kết quả đạt được, tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta vẫn còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn, còn thiếu sự quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và cơ sở vật chất. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn bất hợp lý.

Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu; trình độ nghiệp vụ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp còn thiếu thốn, lạc hậu. Các chính sách, các chế định pháp luật tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định, chưa theo kịp quá trình đổi mới của xã hội.

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, xác định xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng cải cách tư pháp đã được thể chế hoá cụ thể trong Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 như sau:

Luật Hình sự được xác định nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc hành vi, nguyên tắc có lỗi, và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Trong đó, nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc chung và là nguyên tắc được đặc biệt chú ý vì hậu quả mà người phạm tội phải chịu theo ngành luật này (Điều 26 BLHS 2015).

Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, nguyên tắc nhân đạo được thể chế hóa trong nhiều điều luật tại Bộ luật Hình sự mới. Trong đó có các điều luật về nguyên tắc xử lý tội phạm, về các hình phạt, áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, các chế định về người chưa thành niên phạm tội, về miễn chấp hành hình phạt, giảm chấp hành hình phạt, xóa án tích...

Về nguyên tắc xử lý tội phạm, tính nhân đạo được qui định tại Khoản 1 Điều 3 BLHS 2015. Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 3 BLHS 2015).

Đây được xem là điều luật bao quát nhất, thể hiện một cách tổng quan nhất nguyên tắc nhân đạo mà pháp luật hình sự quan tâm chú trọng, là sự thể chế rõ ràng nhất chủ trương của Bộ Chính trị, dùng pháp luật hình sự với vai trò răn đe, phòng ngừa là chính, các chế định hình phạt xử lý các tội phạm được xây dựng trên cơ sở nhân đạo, hướng thiện, với mục đích giáo dục ý thức người phạm tội, giúp họ nhận thức đúng đắn về hành vi có lỗi và trách nhiệm của bản thân, tạo điều kiện tối đa cho người phạm tội có cơ hội tự sửa chữa, hòa nhập cộng đồng.

Xóa án tích là một chế định mang tính nhân đạo của luật hình sự, thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước. Chương X BLHS 2015 với 5 điều quy định các vấn đề về xoá án tích đã được thay đổi, bổ sung cởi mở hơn, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét xoá án tích đối với người bị kết án, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án hòa nhập cộng đồng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân.

Đổi mới căn bản thủ tục xóa án tích theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, theo đó, không quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người được đương nhiên xóa án tích, mà giao trách nhiệm cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và nếu người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung, quyết định khác của bản án thì cơ quan này phải cảnh báo cho họ biết, về việc chưa đủ điều kiện để xoá án tích.

Trường hợp xác định được người bị kết án đã có đủ điều kiện xoá án tích theo quy định thì Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải ghi “đã được xóa án tích” vào Lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp có ghi “không có án tích” khi được yêu cầu (Khoản 4 Điều 70 BLHS 2015). Quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cũng được cải cách đáng kể. Cụ thể, tại điều 107 BLHS

Quy định mở rộng cả về loại tội phạm và lĩnh vực phạm tội có thể áp dụng áp dụng hình phạt tiền là hình phạm chính đối với tội rất nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng.

Có 10 tội danh thay đổi hình phạt tù bằng hình phạt tiền: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136), Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138), Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155), Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới (Khoản 1 Điều 165), Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183), Tội quảng cáo gian dối (Khoản 1 Điều 197), Tội lập quỹ trái phép (Khoản 1 Điều 205), Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (Khoản 1 Điều 231), Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thong (Khoản 1 Điều 281).

Điều 36 BLHS 2015 có bổ sung quy định mới nhằm tăng tính giáo dục, cải tạo của hình phạt cải tạo không giam giữ thông qua quy định về trường hợp người bị kết án không có việc làm ổn định hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc cụ thể phục vụ cộng đồng trong một thời hạn nhất định do Tòa án quyết định, theo đó, người bị kết án bị buộc lao động không quá 4 giờ/một ngày và 5 ngày/một tuần tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, khả năng và hoàn cảnh, điều kiện thực tế của phạm tội để xác định loại công việc. Việc lao động này sẽ không áp dụng đối với người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già yếu.

Điều 38 BLHS 2015 đã thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù theo hướng hình phạt này không áp dụng đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (khoản 2 Điều 38).

Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng và tiến tới xoá bỏ hoặc chỉ giữ lại rất ít tội có hình phạt tử hình và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chủ trương này được khẳng định rất rõ trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW.

Điều 40 BLHS 2015 đã quy định những điều kiện áp dụng hình phạt tử hình chặt chẽ hơn: Chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội: các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng con người; tội phạm về ma túy; tội phạm tham nhũng và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Bên cạnh quy định hiện hành về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi,

Điều 40 BLHS 2015 bổ sung thêm một đối tượng nữa không áp dụng hình phạt tử hình đó là người già trên 75 tuổi và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trường hợp này được giảm xuống hình phạt tù chung thân. Luật quy định bỏ hình phạt tử hình đối với 5 tội danh trên tổng số 22 tội danh hiện hành. Cụ thể: (1) tội cướp tài sản (Điều 168); (2) tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); (3) tội chống mệnh lệnh (Điều 394); (4) tội đầu hàng địch (Điều 399); (5) tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193).

Nhân đạo là nguyên tắc thể hiện một cách rõ nét nhất chủ trương cải cách tư pháp, được các nhà làm luật áp dụng xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật hình sự.

BLHS 2015 đã phi hình sự hóa đối với tội tảo hôn, chỉ giữ lại quy định về tội phạm tổ chức tảo hôn (Điều 183). Phi hình sự hóa đối với một số tội phạm kinh tế, (Điều 159; 165; 167; 168). Bổ sung thêm tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 BLHS 2015). Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS 2015 (Chương XI). Đây được coi là một bước tiến vượt bậc của các nhà làm luật trong đổi mới tư duy và nhận thức về tội phạm và hình phạt.

Hình sự hoá một số hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền dân chủ của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, BLHS 2015 bổ sung 1 tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); bổ sung hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân vào tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, quyền ứng cử (tại Điều 160), bổ sung hành vi làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân vào Tội làm sai lệch kết quả bầu cử (tại Điều 161).

Hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội trong chế định tội phạm về hôn nhân, gia đình; Hình sự hóa một số hành vi phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm. Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác.

Qua những điểm đổi mới điển hình trên đây, có thể nhận thấy: Nguyên tắc Nhân đạo và nguyên tắc Phân hóa trách nhiệm hình sự là hai nguyên tắc thể hiện một cách rõ nét nhất chủ trương cải cách tư pháp, được các nhà làm luật áp dụng xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật hình sự.

Nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Đảng đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 được tối đa hóa thực hiện, qua những chế định và điều luật điển hình nêu trên có thể thấy tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội được đề cao, mọi quy định pháp luật hình sự đều hướng đến mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính; ở một số loại tội phạm hình phạt được quy định giảm khung, hoặc chuyển sang hình phạt nhẹ hơn phù hợp với điều kiện thực tế áp dụng mà vẫn bảo đảm được hiệu quả thi hành; một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được bổ sung thành các tội danh có chế tài thích hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự đang còn tồn tại nhiều hạn chế, tạo hành lang pháp lý tối ưu cho các cơ quan tư pháp thi hành pháp luật, cho người dân thực thi pháp luật.

Nguyễn Ngọc Phương