.

PC47 kể chuyện đánh án

Thứ Hai, 23/05/2016, 10:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Phòng chống ma túy là một trong những mặt trận cam go. Phía sau  cuộc sống bình yên, sau những chiến công, những vụ án là những cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng, chống ma túy ngày đêm “nếm mật nằm gai” trường kỳ mai phục để phá án. Họ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Và rất nhiều vụ án sau khi kết thúc, trong niềm vui hoàn thành nhiệm vụ, thì những người lính PC47 vẫn trăn trở khi phía sau vụ án là những phận đời, phận người trĩu nặng…

Khác với hầu hết những đồng đội của mình thường vẫn mặc quân phục khi làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Quảng Bình lại quen với việc mặc thường phục khi làm nhiệm vụ. Bởi do yêu cầu công việc, họ thường hóa thân thành nhiều vai khác nhau để ẩn mình theo dõi đối tượng. Khi thì làm anh xe ôm, anh taxi, công chức, thầy giáo, nông dân hoặc  giản đơn là một anh chàng thất nghiệp lang thang nào đó.

Địa điểm làm việc của họ cũng vì thế không cố định, mà có thể ở quán cà phê, quán nhậu, nhà nghỉ, trường học, chợ búa... tùy vào đối tượng cần theo dõi, tiếp cận. Giờ giấc làm việc cũng thất thường tùy theo hoạt động và diễn biến của đối tượng. “Cứ lúc nào có lệnh là đi, đơn giản vậy thôi. Và có những vụ án lớn, sau khi cán bộ, chiến sĩ đơn vị lập chiến công, báo chí, truyền hình tiếp cận để tuyên truyền, chúng tôi đành phải từ chối việc ghi hình, phỏng vấn những cán bộ, chiến sĩ đã góp phần quan trọng trong quá trình đánh án vì họ còn phải tiếp tục hóa thân trong những vụ án mới”, thượng tá Ngô Xuân Hợp, Phó Trưởng phòng PC47 chia sẻ.

Khi cuộc chiến phòng, chống ma túy ngày càng trở nên cam go bởi thủ đoạn tinh vi của tội phạm, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ PC47 cũng vì thế gian nan hơn nhiều. Những dòng mô tả trong hồ sơ các vụ án, dù đầy đủ đến mấy cũng không nói hết những thách thức và hiểm nguy mà họ phải trải qua. Trong một vụ án bắt một đối tượng buôn bán ma túy khá “cộm cán”, khi nhận được thông tin đối tượng hiện đang ở một nhà nghỉ tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch) với mục đích giao dịch, PC47 đã bố trí lực lượng mật phục và sẵn sàng lao vào bắt quả tang.

Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, phát hiện thấy đối tượng ở chung phòng với 6 thanh niên lực lưỡng, cửa phòng nhà nghỉ được làm từ loại gỗ tốt, nếu muốn phá cửa cũng mất không ít thời gian. Chỉ cần chậm trễ một phút, đối tượng hoàn toàn có thể dễ dàng phi tang tang vật, hủy bỏ giao dịch, đồng nghĩa với việc vụ án bất thành. Sau khi cân nhắc, họ quyết định huy động thêm lực lượng để bảo đảm khống chế tất cả đối tượng có mặt trong phòng nghỉ.

Tiếp đó là bàn phương án nhằm tiếp cận nhanh đối tượng mà không cần phá cửa phòng và đánh động đối tượng. Đó là cử hai chiến sĩ đóng giả là những cán bộ trắc địa, mang theo các dụng cụ chuyên môn cồng kềnh. Hai đồng chí này chờ sẵn trong nhà nghỉ đợi thông tin của đồng đội đang theo dõi đối tượng. Khi nhận được tin “khách” của đối tượng đang vào nhà nghỉ để thực hiện giao dịch, các chiến sĩ phục kích vòng ngoài áp sát nhà nghỉ, cùng lúc, các “cán bộ trắc địa” cũng tình cờ mang dụng cụ đi về phía phòng nghỉ của đối tượng.

“Khách” giao dịch không mảy may nghi ngờ nên bình tĩnh gõ cửa phòng đối tượng. Khi cánh cửa hé mở để vị khách nọ bước vào cũng là lúc “cán bộ trắc địa” áp sát và lao vào phòng. Từ vòng ngoài, đồng đội của họ cũng kịp thời tiếp ứng, khống chế và bắt gọn các đối tượng đang thực hiện hành vi giao dịch với đầy đủ tang chứng, vật chứng!

“Chỉ khi đối tượng ngoan ngoãn tra tay vào còng, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, công lao mật phục nhiều ngày của mọi người sẽ đổ sông đổ biển, đồng nghĩa với việc đối tượng sẽ nâng cao cảnh giác. Sau này muốn theo dõi và bắt đối tượng cũng vô cùng khó khăn!”, một cán bộ tham gia vụ án chia sẻ.

Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, có những vụ án, sau khi đối tượng bị bắt và xét xử, trả giá cho hành vi tội lỗi của mình phía sau song sắt, thì những người lính PC47 vẫn canh cánh trong lòng bao nỗi niềm. Một trong số đó là vụ án một đối tượng nữ bán ma túy đá dưới sự chỉ đạo và khống chế của tay “chồng hờ” là một đối tượng buôn bán ma túy “cộm cán”. Nhận được tin báo N (đối tượng nữ) đang tiến hành các giao dịch ma túy đá, ngay trong đêm, cán bộ, chiến sĩ PC47 lên đường.

Phát hiện thấy N đang điều khiển xe mô tô phía trước trong khi trời mưa rất to, trinh sát lặng lẽ bám theo sau. Cảm thấy dấu hiệu bất thường, N bắt đầu tăng tốc độ. Không thể để cuộc rượt đuổi kéo dài vì nếu tiếp tục tăng tốc độ có thể sẽ khiến đối tượng hoảng hốt và bị tai nạn nên họ quyết định rút ngắn khoảng cách và ngay lập tức áp sát xe mô tô của N.

Khi khống chế N dừng xe, trinh sát đồng thời giữ chặt hay tay N đề phòng trường hợp đối tượng vứt bỏ tang vật. Khám và thu giữ trong người N là hàng trăm viên ma túy đá được chia nhỏ ra nhiều túi chuẩn bị cho các vụ giao dịch nhỏ lẻ. Vụ án kết thúc, N vào tù để trả giá cho những việc làm sai trái của mình. Tiếp sau đó một thời gian ngắn, gã "chồng hờ" của N cũng tra tay vào còng vì những tội lỗi của hắn đã gây ra. "Vụ án kết thúc, người có tội cũng đã phải đền tội. Nhưng chứng kiến hoàn cảnh của đối tượng, hiểu rõ N sa vào con đường tội lỗi là do nhẹ dạ, cả tin và bị gã "chồng hờ" khống chế, N vào tù, để lại mẹ già và con thơ, lòng chúng tôi trĩu nặng.

Cùng với trách nhiệm của người lính, thì khi chứng kiến những hoàn cảnh như thế, chúng tôi và đồng đội càng quyết tâm hơn trong việc phá án, nhằm góp phần ngăn chặn sự tàn phá và những hệ lụy của ma túy đối với đời sống xã hội và những phận người!", một chiến sĩ chia sẻ.

Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đồng nghĩa với việc cuộc chiến phòng, chống ma túy ngày càng gian nan hơn. Cán bộ, chiến sĩ PC47 vẫn từng ngày miệt mài "đánh án".  Phía sau mỗi chiến công là hình ảnh rất đỗi bình thường của cán bộ, chiến sĩ PC47, mà rất có thể chúng ta vẫn vô tình gặp gỡ mỗi ngày, khi họ đang hóa thân thành những vai khác nhau để làm tròn trách nhiệm của người lính trên mặt trận phòng chống ma túy.

Diệp Đồng