.

Những điểm mới cơ bản trong Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016

Thứ Hai, 23/05/2016, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Với 89,88% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Dự án Luật Trẻ em năm 2016, đã được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017. Việc sửa đổi ban hành Luật mới nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Luật được xây dựng bảo đảm cách tiếp cận dựa trên quyền và thể hiện kỹ năng lập pháp hiện đại, xử lý vấn đề một cách tổng thể, mang tính chiến lược; thống nhất với các quy định khác liên quan đến trẻ em trong hệ thống pháp luật Việt Nam; đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Luật chuyển từ cách thức xây dựng luật hướng đến từng nhóm đối tượng trẻ em yếu thế trong xã hội sang xây dựng khung pháp lý toàn diện. Cụ thể, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước kia chủ yếu tập trung giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nay chú trọng việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ cho mọi trẻ em trước khi bị tổn hại.

Mặt khác, chuyển hướng tiếp cận từ đáp ứng nhu cầu của trẻ em sang cách tiếp cận đảm bảo quyền của mọi trẻ em trong xã hội, thúc đẩy việc bảo vệ các quyền trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em; bảo vệ trẻ em không chỉ dừng lại ở mức độ bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội mà còn góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Bên cạnh đó, Luật được xây dựng gắn với định hướng chính sách phát triển xã hội liên quan đến trẻ em, trong đó có trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội y tế, giáo dục, cơ bản cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em dân tộc thiểu số; bảo đảm nhà ở tối thiểu, nước sạch, thông tin; bảo đảm quyền cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; giảm thiểu bất bình đẳng về mức sống, về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ em khác nhau; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc như ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ mặc trẻ em, mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật.

Mở rộng các nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách xã hội và dịch vụ công, hướng tới một môi trường pháp lý và hành chính gọn nhẹ, dịch vụ mang tính chuyên nghiệp, từng bước hội nhập với quốc tế, tiết kiệm chi phí xã hội trong việc chi tiêu xử lý các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em.

Đáng chú ý là Luật có những thay đổi cơ bản về hệ thống bảo vệ trẻ em ở ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, nhằm bảo đảm thực hiện bảo vệ trẻ em toàn diện và hiệu quả hơn. Chú trọng bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo tư pháp thân thiện với trẻ em. Bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ trẻ em ở cấp địa phương; phối hợp liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo đảm quyền tham gia của trẻ em; bổ sung các nhóm trẻ em thuộc đối tượng.

Luật kế thừa các nguyên tắc cơ bản thực hiện quyền trẻ em: quyền sống (Điều 12) và phát triển; không phân biệt đối xử (Điều 5 khoản 2); bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em (Điều 5 khoản 3); bổ sung nguyên tắc tôn trọng ý kiến của trẻ em (Điều 5 khoản 4) và quy định các yêu cầu cho từng lĩnh vực: Yêu cầu bảo vệ trẻ em (Điều 47), Bảo vệ ba cấp độ (Phòng ngừa - Điều 48, Hỗ trợ - Điều 49, Can thiệp - Điều 50), Yêu cầu thực hiện chăm sóc thay thế (Điều 60), Yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng (Điều 70), Yêu cầu bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường (Điều 75-76).

Đồng thời bổ sung các quyền: Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc (Điều 18); Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 19); Quyền bí mật đời sống riêng tư (Điều 21); Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ (Điều 23); Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi (Điều 24). Bổ sung thêm các nhóm hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6)...

Vấn đề chăm sóc thay thế trẻ em không chỉ liên quan đến các quy định pháp lý mà còn là vấn đề đạo đức, tâm lý, đặc biệt là các quy định về tách trẻ em khỏi cha, mẹ đẻ; cho, nhận chăm sóc thay thế bởi người thân thích hoặc bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích. Luật mới đã quy định một cách toàn diện về chăm sóc thay thế, cụ thể: Tư pháp thân thiện với trẻ em là một nội dung mới, tiến bộ, có nội hàm khá rộng, nhằm mục đích bảo vệ các quyền của trẻ em trong quá trình tư pháp, tránh việc gây tổn hại thêm cho trẻ em. Vấn đề bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng, là nội dung mới được bổ sung trong Luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tư pháp thân thiện với trẻ em.

Quy định mới bao gồm: Bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, là người làm chứng; Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em; phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em vi phạm pháp luật.

Luật quy định các nguyên tắc, phạm vi, hình thức, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em; quy định mới “Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em Việt Nam” (Điều 77); quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường và cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận trẻ em.

Bổ sung trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em; tiếp nhận, chuyển, theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị liên quan đến trẻ em của các cơ quan, tổ chức (Điều 79). Chính phủ tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành về trẻ em để phối hợp công tác giữa các bộ và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan (Điều 80 và Điều 94). Trách nhiệm của từng cơ quan như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (Điều 81).

Đặc biệt, Luật quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Đây là những chế định được quy định với nhiều nội dung tiến bộ, phần lớn tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết với tư cách là nước thứ hai trên thế giới và nước thứ nhất ở châu Á tham gia Công ước.

Lưu Thị Minh Hồng