.
Ký sự pháp đình:

Lòng tham...

Thứ Sáu, 12/06/2015, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Hầu như, mọi bi kịch của con người trong cuộc sống cũng thường xuất phát từ lòng tham mà ra.  Có người tham những thứ không phải của mình, quay quắt quyết tâm giành giật cho bằng được, để rồi khi nhận ra, chợt ngoảnh lại và thấy mọi thứ chỉ là phù du mà thôi. Ông Nghĩa trong vụ kiện đất đai “có một không hai” ở Tuyên Hóa nằm trong trường hợp thứ hai, duy chỉ có điều, cái ông mất đi có lẽ còn nhiều hơn thế.

 

Năm 2000, ông Nghĩa được UBND huyện Tuyên Hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất hơn 16 nghìn m2 tại một xã miền núi nọ với mục đích trồng cây công nghiệp. Mảnh đất của ông có ranh giới phía Bắc giáp với mảnh đất trồng cao su của nhà bà An. Ông Nghĩa cùng gia đình đã tích cực tiến hành khai phát trồng cao su ngay sau đó. Nhưng, khi vừa khai phát xong, gia đình bà An đã vào dọn và trồng cây keo, tràm trên phần đất của ông Nghĩa.

Năm 2002, bà An đã thu hoạch lứa thứ nhất, sau đó trồng lại lứa thứ hai, đến nay đã gần thu hoạch. Bức xúc, ông Nghĩa quyết định kiện lên Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa, yêu cầu bà An trả lại diện tích đất gia đình bà đã lấn chiếm (mặc dù ông Nghĩa không xác định được diện tích này là bao nhiêu) và trả lại tiền công khai phát hơn 40 ngày, bồi thường thiệt hại thất thu hàng năm cho gia đình ông.

Tuy nhiên, thực tế lại không giống như lý lẽ mà gia đình ông Nghĩa đã đưa ra. Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa đã thành lập Hội đồng thẩm định tại chỗ để tiến hành xác định mốc giới đất và phần diện tích mà các bên có tranh chấp. Theo đó, phần diện tích đang tranh chấp của ông Nghĩa và bà An nằm ngoài thửa đất mà UBND huyện Tuyên Hóa đã cấp cho ông Nghĩa.

Xác nhận của chính quyền địa phương cũng cho thấy không phải sau khi gia đình ông Nghĩa khai phát cây thì bà An đến cuốc đất trồng keo, tràm trên phần đất đó, mà bà An đã trồng bạch đàn, keo, tràm trên phần đất từ năm 1997, đến năm 2002 thì khai thác lứa đầu tiên. Do đó, việc ông Nghĩa cho rằng bà An lấn chiếm đất của mình là không có căn cứ. Hiện tại, mảnh đất tranh chấp này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà An, nhưng ông Nghĩa cũng không có quyền khởi kiện đòi lại đất cũng như đòi trả tiền công khai phá, tiền mất thu nhập hàng năm.

Vì vậy Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa bác đơn kiện của ông Nghĩa. Chưa thỏa mãn, bức xúc, ông Nghĩa tiếp tục kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xét xử để đòi lại đất và tiền công khai phá, tiền mất thu hoạch từ gia đình bà An. Sau khi xem xét các chứng cứ, hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Nghĩa.

Nhìn người đàn ông luống tuổi lầm lũi ra về sau phiên tòa, không ai không khỏi chạnh lòng. Người hiểu chuyện thì cho rằng chắc vì ông Nghĩa chưa nhận thức rõ vấn đề nên hành xử chưa đúng. Người mới biết chuyện thì chép miệng than vãn về lòng tham của con người, về cách đối nhân xử thế trong thời buổi kinh tế thị trường tấc đất tấc vàng giữa những người chung tường chung vách với nhau.

Có lẽ, điều mà ông Nghĩa không lấy lại được, không chỉ là thửa đất và tiền bồi thường mà ông khăng khăng cho là của mình, mà còn nhiều thứ hơn thế nữa, đó chắc hẳn là tình anh em xa mua láng giềng gần, niềm tin và sự thành thật trong cuộc đời.

Quảng Hạ

------------------------------------------
* Tên nhân vật đã được thay đổi