.
Ký sự pháp đình:

Trả giá

Thứ Sáu, 22/05/2015, 17:32 [GMT+7]

(QBĐT)  - Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cấp trên trong việc giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao, trong một thời gian dài hắn đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. “Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt”, các thủ đoạn của hắn đã bị phát hiện và giờ đây hắn đang phải trả giá đắt cho những việc làm sai trái của mình...

 

N.T.L (SN 1962) là cán bộ văn hóa- xã hội của xã P, được Chủ tịch UBND xã ra quyết định bố trí làm công tác chính sách xã hội và giao nhiệm vụ phụ trách công tác chính sách, quản lý thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công và các trợ cấp xã hội khác trên địa bàn.

Với nhiệm vụ được giao, hàng tháng L lên Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện nhận tiền và danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi người có công cùng các trợ cấp xã hội khác của những đối tượng được hưởng để chi trả theo quy định.

Nhưng thay vì thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, L đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẽo của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, đồng thời lợi dụng trên địa bàn có các đối tượng được hưởng chế độ người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội đã chết để trục lợi cá nhân.

Từ tháng 6-2011 đến tháng 8-2013, L đã thông báo cắt các chế độ đối với các đối tượng được hưởng cho thân nhân gia đình họ nhưng lại không thông báo cắt giảm tiền trợ cấp lên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện.

Vì vậy, số tiền trợ cấp hàng tháng vẫn được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện chuyển về cho địa phương để trợ cấp cho những đối tượng được hưởng. Để hợp thức hóa việc làm sai trái và tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, L đã dùng thủ đoạn giả mạo chữ ký của thân nhân các gia đình, đối tượng được nhận tiền trợ cấp hàng tháng để chiếm đoạt số tiền hơn 58 triệu đồng.

Không những chiếm đoạt tiền của các đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, chế độ người có công với cách mạng, L đã trực tiếp nhận hơn 26 triệu đồng tiền hỗ trợ chi phí học tập học kỳ 1 (năm học 2011-2012) của 93 học sinh nghèo tại địa phương từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện nhưng chỉ chi trả cho 47 trường hợp; số còn lại L tự mình hoặc nhờ người khác giả mạo chữ ký của phụ huynh có học sinh được hưởng chính sách này để quyết toán với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 12 triệu đồng.

Với những thủ đoạn như trên, trong một thời gian dài L đã chiếm đoạt số tiền hơn 71 triệu đồng từ các đối tượng được hưởng chế độ người có công với cách mạng, người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và tiền học sinh nghèo được hỗ trợ chi phí.

Đứng trước vành móng ngựa của phiên tòa xét xử sơ thẩm, L nhìn mọi người tham dự phiên tòa với ánh mắt ái ngại vì tội lỗi của mình đã gây ra. Thỉnh thoảng L còn ngoái lại nhìn những người liên quan trong vụ việc này để cầu xin sự tha thứ từ họ, nhưng hắn chỉ nhận được những ánh mắt đầy tức giận.

Hành vi của L là rất nguy hiểm cho xã hội; đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với những đối tượng có công cách mạng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời gây thiệt hại ngân sách nhà nước. Mặt khác, còn gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa L đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, tự nguyện nộp lại phần lớn tài sản đã chiếm đoạt được nhằm khắc phục một phần hậu quả do mình gây ra, L lại có nhân thân tốt nên Hội đồng xét xử tuyên phạt hắn 48 tháng tù giam về tội “tham ô tài sản”, buộc phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Phiên tòa kết thúc trong nhiều lời bàn tán của những người tham dự và nỗi lòng nặng trĩu của L khi biết rằng cuộc đời mình từ nay đã khép lại sau cánh cửa nhà giam. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang có ý đồ xấu vì mục đích cá nhân, bất chấp đạo lý làm người.

Ngọc Hải

------------------------------------------

* Tên nhân vật đã được thay đổi