.

Giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số: Cơ bản đã đáp ứng nhu cầu

Thứ Hai, 18/07/2016, 15:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để bà con trên dãy Trường Sơn ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để phát huy tốt hiệu quả đất lâm nghiệp, bà con rất cần Nhà nước hỗ trợ làm đường phục vụ đi lại sản xuất.

Tại xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, trước đây 96% diện tích đất lâm nghiệp của xã do Công ty Lâm công nghiệp Long Đại quản lý, khai thác. Với sự nỗ lực từ phía chính quyền và doanh nghiệp, đến nay gần 3.000 ha rừng tự nhiên đã được bóc tách và giao lại cho người dân quản lý, bảo vệ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ, sau khi bà con nhận rừng và đất rừng, huyện Quảng Ninh hỗ trợ cây giống, hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, lấy cộng đồng dân cư làm nòng cốt. Đất rừng giao đến từng hộ dân, bà con trồng keo, tràm xen với cây sắn, đậu xanh để lấy ngắn nuôi dài.

Bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn được giao gần 210 ha rừng tự nhiên có trữ lượng gần 33.000m3 gỗ để quản lý, bảo vệ theo mô hình rừng cộng đồng. Được giao rừng, bản thành lập ban quản lý rừng cộng đồng gồm 7 thành viên, đứng đầu là trưởng bản. Ban quản lý có nhiệm vụ vừa tuyên truyền, vận động dân bản không chặt phá rừng trái phép, vừa tuần tra bảo vệ rừng. Số tiền bảo vệ rừng 200 nghìn đồng/ha (hỗ trợ trong 6 năm) được ban quản lý rừng cộng đồng bản chi trả cho hoạt động bảo vệ rừng. Mỗi chuyến tuần tra rừng, mỗi thành viên được trả 100-200 nghìn đồng.

Trưởng bản Cổ Tràng Hồ Văn Bền phấn khởi nói: “Nhận rừng Nhà nước giao cho cộng đồng, cả bản vui lắm. Dân bản thay nhau canh rừng để không bị kẻ xấu chặt phá”.

Khi trao đổi về vấn đề giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những nơi đất đai rộng lớn nhưng lại thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, trong khi các công ty lâm nghiệp, các lâm trường lại chiếm phần lớn diện tích đất rừng và nhiều nơi sử dụng không hiệu quả.

Vì thế, việc điều chỉnh lại diện tích đất rừng và rừng để giao một phần cho hộ dân quản lý, sản xuất là vấn đề luôn được địa phương quan tâm. Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Quảng Ninh đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2015; trong đó chú trọng công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, đến nay, huyện đã giao gần 2.905 ha rừng tại hai xã miền núi là Trường Sơn và Trường Xuân. Được giao đất, giao rừng, đồng bào yên tâm sản xuất, bảo vệ, ổn định cuộc sống, tình trạng phá rừng như trước đây giảm hẳn.

Khu rừng keo lai 3 năm tuổi của ông Hồ Thiên, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy).
Khu rừng keo lai 3 năm tuổi của ông Hồ Thiên, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy).

Gần 10 năm trước, gia đình chị Hồ Thị Thế, bản Cây Bông, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy là hộ nghèo; nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất. Được địa phương khuyến khích, gia đình chị khai hoang được gần 4 ha đất để trồng keo, mua trâu về nuôi. Có kinh nghiệm và tích lũy được vốn, chị tiếp tục được ưu tiên nhận đất để trồng rừng. Đến nay, gia đình chị Hồ Thị Thế có 20 ha rừng keo, 2 ha cao-su, nuôi 7 con trâu, một ao cá và làm 0,5 ha lúa nước... Bình quân mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 160 triệu đồng, vươn lên trở thành hộ khá của bản.

Cũng như gia đình chị Thế, gia đình anh Hồ A Lai là một trong những hộ trồng rừng nhiều nhất xã Kim Thủy, với 50 ha. Hiện anh đang khai thác dần 25 ha keo lai với giá 50 triệu đồng/ha, thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Hồ A Lai cho biết, từ tiền lãi thu hoạch rừng trồng, anh đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp để phát huy tiềm năng vùng đất bán sơn địa này.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Xoan cho biết, toàn xã đã trồng được hơn 3.000 ha keo tràm. Nhờ trồng rừng, hàng chục hộ dân ở các bản như Cây Khế, Cây Bông, Cầu Kiềng...thoát đói nghèo. “Thời gian tới, xã Kim Thủy tiếp tục tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích trồng rừng, kết hợp chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo”- ông Hồ Văn Xoan khẳng định.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2012 đến cuối năm 2015, tỉnh Quảng Bình đã thu hồi 8.326 ha đất của các nông, lâm trường giao về các huyện quản lý và xét giao đất ổn định cho các hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện lập phương án, làm thủ tục giao đất cho các hộ dân trên tinh thần khu vực dễ giao trước, khó giao sau; khu vực khó khăn không có kinh phí đo đạc thì giao đất thực địa cho người dân ổn định sản xuất trước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau.

Ngoài ra, Dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, đã hỗ trợ thủ tục giao đất, giao rừng cho cộng đồng và các hộ gia đình quản lý tại 10 xã vùng đệm Phong Nha. Đến cuối năm 2015, dự án đã giao gần 6.300 ha rừng và đất rừng cho 21 cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Thực tế cho thấy, rừng giao cho cộng đồng được bảo vệ, quản lý tốt và người dân cũng có thu nhập từ hoạt động bảo vệ rừng.

Bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn số ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất hoặc đất đã làm thủ tục nhưng chưa giao được trên thực địa. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Võ Văn Sơn cho biết, nguyên nhân của việc chậm trễ trong vấn đề cấp đất sản xuất cho đồng bào là do nhiều diện tích bóc tách từ các lâm trường chủ yếu là rừng tự nhiên nằm ở vùng có khe suối, núi đá, không có đường đi.

Ngoài ra, một số diện tích rừng đang trong thời gian hợp đồng giữa các lâm trường với các hộ dân hoặc tài sản trên đất chưa giải quyết nên việc giao đất sản xuất cho người dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo một số xã chưa vào cuộc quyết liệt cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp đất sản xuất cho hộ dân.

Mặt khác, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, diện tích sau bóc tách để giao cho người dân nằm xen kẽ trong diện tích rừng phòng hộ, hoặc rừng sản xuất do Nhà nước và các công ty lâm công nghiệp quản lý, vì vậy việc tổ chức sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân làm tiến độ giao đất sản xuất cho người dân chậm là do việc xử lý tài sản trên đất sau thu hồi của các doanh nghiệp và điều tra hiện trạng, chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng tự nhiên sang rừng trồng còn chậm. Mặt khác có nhiều khu đất được giao chưa có đường đi. Nguyện vọng của người dân là mong muốn Nhà nước hỗ trợ đầu tư mở đường cho bà con đi lại sản xuất thuận tiện.

Để giải quyết các vướng mắc trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân ổn định sản xuất, đồng thời kiểm tra các diện tích đất đã giao nhưng chưa sử dụng để chấn chỉnh; kịp thời giải quyết phần chi phí đầu tư trên đất đối với diện tích thu hồi có rừng trồng của các doanh nghiệp để sớm giao đất cho các hộ dân còn thiếu.

Mặc dù ngân sách địa phương rất khó khăn nhưng năm 2015, UBND tỉnh đã quyết định chi trả gần 500 triệu đồng cho một doanh nghiệp thuê đất trồng cao su để thu hồi hơn 12ha đất lâm nghiệp giao lại cho 12 hộ đồng bào Vân Kiều ở bản Nà Lâm, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), nhằm chấm dứt cơn “khát” đất sản xuất nhiều năm nay của bà con.

Có thể nói, đến nay việc giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh về cơ bản được giải quyết theo nhu cầu, đã góp phần quan trọng giúp bà con vươn lên thoát đói nghèo.

P.V