.

Bảo đảm ATTP trong chuỗi sản xuất, kinh doanh rau quả

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Vấn đề vệ sinh ATTP để bảo đảm sức khỏe người dân đang được đặt ra ngày càng nóng bỏng, trong đó nhu cầu về rau xanh đạt tiêu chuẩn an toàn ngày càng tăng. Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP trên sản phẩm trồng trọt theo chuỗi từ sản xuất đến lưu thông, trong thời gian qua, Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tiến hành khảo sát về tình hình sản xuất và điều kiện bảo đảm ATTP tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rau trên địa bàn.

Việc khảo sát được thực hiện tại 74 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở 5 huyện, thị xã và thành phố gồm: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Kết quả khảo sát cho thấy chương trình sản xuất rau an toàn đã được các địa phương rất quan tâm.

Các cơ sở sản xuất rau tham gia khảo sát thuộc vùng trồng rau tập trung nằm trong quy hoạch phát triển rau sạch của địa phương. Một số vùng đã được đầu tư hệ thống đường, điện, nước đầy đủ. Đa số các cơ sở đều tham gia vào tổ hợp tác sản xuất rau, trong đó có một số tổ hợp tác đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất rau an toàn ở Đức Ninh-Đồng Hới.
Sản xuất rau an toàn ở Đức Ninh-Đồng Hới.

Các cơ sở tham gia sản xuất rau trên địa bàn đều sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và đúng đối tượng sâu bệnh. Mặt khác, đa số người dân sử dụng thuốc đúng cách và bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch, các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học được lựa chọn sử dụng nhiều hơn làm giảm đáng kể dư lượng các chất độc hại có trong sản phẩm.

Ngoài ra, ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất rau quả trong việc bảo đảm ATTP được nâng cao, bởi lẽ đã có 70% số hộ được khảo sát đã tiến hành ký cam kết sản xuất rau an toàn và 40% số hộ có thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất. Riêng đối với các cơ sở kinh doanh rau được khảo sát là các cơ sở có sản lượng tiêu thụ tương đối lớn tại các địa phương và có địa điểm kinh doanh cố định tại chợ hoặc ngoài khu vực chợ.

Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số những khó khăn nhất định như: Sản lượng các sản phẩm rau quả được sản xuất trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, mang tính thời vụ cao.

Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm tại một số thời điểm, đặc biệt là thời gian chính vụ gặp nhiều khó khăn. Sản xuất, kinh doanh rau quả trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn đơn lẻ, hầu hết đi từ khâu sản xuất sau đó trực tiếp ra thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện chưa có cơ sở sơ chế, chế biến hay các cơ sở thu mua rau, quả trung gian. Một số địa phương như Cam Thủy (Lệ Thủy), Quảng Long (Ba Đồn)... đã có một vài thương lái nhưng hoạt động ở quy mô nhỏ và quy trình thu gom sơ chế cũng chưa bảo đảm theo quy định.

Cùng với đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh rau, quả đều tập trung tại chợ và được bố trí gần các khu vực kinh doanh thủy sản nên tiềm ẩn nhiều mối nguy sinh học và gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo cho sản phẩm rau, quả.

Mặc dù số lượng cơ sở và sản lượng kinh doanh rau quả khá lớn nhưng đa số người trực tiếp bán hàng chưa được tập huấn kiến thức ATTP, chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ, đồng thời các cơ sở kinh doanh rau quả trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm tra, đánh giá phân loại theo quy định. Qua quá trình kiểm tra, khảo sát chưa phát hiện việc sử dụng các loại hóa chất để bảo quản sản phẩm rau, quả.

Từ thực tế cho thấy, hiện nay đa phần chính quyền địa phương cũng như hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, quả đều mong muốn được tham gia thực hiện mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm rau an toàn nhằm bảo đảm ổn định được đầu ra sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Như vậy, trên cơ sở điều kiện sản xuất hiện có tại các vùng trồng rau tập trung của tỉnh có thể hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh rau, quả an toàn.

Theo đó, ngoài việc hỗ trợ một số hạng mục như: nâng cấp điều kiện sản xuất tại vùng trồng rau tập trung (gồm hệ thống đường, điện, nước sản xuất nhằm đủ điều kiện đáp ứng quy trình sản xuất rau an toàn); hỗ trợ xây dựng nhà thu gom, sơ chế sản phẩm; xây dựng một số điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn tại các chợ trọng điểm trên địa bàn thì việc tư vấn, hướng dẫn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các HTX, tổ hợp tác để xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng cần được chú trọng.

Cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu rau, quả để phân tích, kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo đảm ATTP trong kinh doanh rau quả cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh đi đôi với hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP trong kinh doanh rau quả, đặc biệt là nguồn gốc các sản phẩm được nhập từ ngoại tỉnh...

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh rau quả, đặc biệt là các công đoạn trung gian như thu gom, sơ chế sản phẩm. Cuối cùng, về lâu dài, chỉ có kiểm soát tốt chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm mới bảo đảm ATTP trong chuỗi sản xuất, kinh doanh rau, quả an toàn lưu thông trên thị trường.

P.V