.

Xây dựng ngô thương phẩm ở xã Minh Hóa

Thứ Ba, 21/07/2015, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Minh Hóa là xã miền núi khó khăn nằm cách trung tâm huyện lỵ Minh Hoá 7km, nơi có đầu nguồn rào Nan và khe nước Sạt chảy qua nên chia cắt địa phương này thành 3 khu vực dân cư, đó là làng Tân Lý, Kim Bảng và Lạc Thiện. Với địa hình đồi núi, bao quanh là dãy núi đá vôi, do vậy xã Minh Hoá gặp phải những khó khăn nhất định về giao thông đi lại cách trở, thiên tai hạn hán, bão lụt làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Hiện tại, xã Minh Hoá có tổng diện tích tự nhiên là 3.406ha, trong đó, đất nông nghiệp 2.356ha; đất phi nông nghiệp 555ha; đất chưa sử dụng 783ha, đất ao hồ mặt nước 0,92ha. Toàn xã có 9 thôn với 895 hộ, 4.094 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Minh Hoá hiện tại là 1,8 triệu đồng/người/tháng; xã có 129 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,46%; hộ cận nghèo có 660 hộ, chiếm tỷ lệ 73,74%.

Thời gian qua, ngô là một trong những loại cây lương thực chủ yếu của người dân xã Minh Hóa với diện tích gieo trồng 70ha, năng suất ngô (năm 2014) đạt 55,7 tạ/ha, sản lượng 214,6 tấn. Cây ngô chủ yếu sản xuất trong vụ đông-xuân với giống chủ lực là DK 9901 (chiếm 90-95%), số ít diện tích trồng ngô VN10. Tại địa phương, người dân chủ yếu bán ngô hạt là chính, với giá bán trung bình khoảng 6.000 đồng/kg thì doanh thu mỗi ha trồng ngô DK9901 đạt từ 30-32 triệu đồng/ha, ngô địa phương đạt 27-29 triệu đồng/ha.

Diện tích trồng ngô được người dân xã Minh Hoá phát triển nhằm tăng thu nhập.
Diện tích trồng ngô được người dân xã Minh Hoá phát triển nhằm tăng thu nhập.

Xuất phát từ thực tế trên, việc xây dựng kế hoạch phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tại Minh Hóa, là việc làm rất cần thiết, nhằm mục đích tìm ra các giải pháp thúc đẩy trồng ngô ở xã Minh Hóa phát huy đúng với tiềm năng hiện có, góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo và các tác nhân tham gia các chuỗi giá trị sản phẩm tại xã Minh Hóa nói chung, tạo động lực thúc đẩy tiến trình giảm nghèo và phát triển bền vững.

Một cán bộ nhóm hỗ trợ dự án phá triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) huyện Minh Hóa cho biết: Theo khảo sát, các hộ nghèo và cận nghèo hàng năm bỏ ra chi phí là 1.451 nghìn đồng để chi cho các khoản: chi phí lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi bán ngô thu được 3.260 nghìn đồng, tiền lãi thu được là 1.809 nghìn đồng.

Các hộ không nghèo hàng năm bỏ ra chi phí là 2.302 nghìn đồng để chi cho các khoản như trên, khi bán ngô thu được 4.575 nghìn đồng, tiền lãi thu được là 2.273 nghìn đồng. Như vậy, với trung bình nhân khẩu hộ nghèo, cận nghèo là 5,06 người/hộ thì thu nhập mỗi người từ trồng ngô của hộ nghèo, cận nghèo là 400.000 đồng/người/vụ và hộ không nghèo là 4 người/hộ thu được 568.000 đồng/người/vụ.

Từ thực tế trên, để giúp giảm nghèo, làm giàu từ trồng ngô cần có các hoạt động can thiệp của dự án SRDP, nhằm tăng thêm thu nhập cho các hộ nghèo và cận nghèo từ hoạt động tăng diện tích trồng ngô vì người dân có quỹ đất và cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường. Để thực hiện được mục tiêu này, chính quyền địa phương, người dân và dự án SRDP sẽ thực thiện đồng bộ các giải pháp như: Huy động các nguồn lực kinh tế (có đối ứng) vào các hoạt động phát triển chuỗi ngô nhằm thích nghi, thích ứng được với sự biến đổi của khí hậu như: hạn hán, mưa lũ, gió bão, xói mòn...

Phấn đấu tiêu thụ được 90% sản lượng ngô tại địa bàn huyện Minh Hóa với giá cả ổn định nhằm tăng diện tích và năng suất cây ngô. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm qua nhiều kênh thông tin để nắm bắt thị trường, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, có được thị phần tiêu thụ để mở rộng sản xuất, giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập từ trồng ngô. Hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng ngô, qua đó tập huấn cho tổ trưởng tổ hợp tác về quản lý, tổ chức và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, kỹ thuật phòng chống sâu bệnh và kiến thức về thị trường, về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các tổ hợp tác đã được thành lập. Đặc biệt, hỗ trợ một phần cây giống cho các hộ nghèo, cận nghèo có đất đủ tiêu chuẩn (đất phù hợp với cây ngô) và mong muốn mở rộng sản xuất.

Tin rằng, với việc tham gia xây dựng chuỗi giá trị ngô thương phẩm, người dân xã Minh Hoá sẽ có cơ hội để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, đặc biệt là tiếp cận được với các phương thức sản xuất tiên tiến để phát triển bền vững.

M.V