.

Điểm sáng Lương Ninh

Thứ Sáu, 17/07/2015, 15:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm sát thành phố Đồng Hới, xã Lương Ninh được ví như điểm giao thoa giữa hai đơn vị hành chính, trở thành cửa ngõ phía bắc huyện Quảng Ninh. Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý quan trọng như vậy, xã Lương Ninh có nhiều thuận lợi để phát tiển kinh tế-xã hội, trở thành địa phương đầu tiên cán đích nông thôn mới (NTM), xứng danh là một trong tứ danh hương “Văn-Võ-Cổ-Kim” của huyện Quảng Ninh.

Những năm qua, trong tình hình khó khăn chung của đất nước, xã Lương Ninh vẫn nỗ lực không ngừng, trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo của huyện Quảng Ninh. Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2010-2015 khẳng định: Cơ cấu kinh tế tăng trưởng, chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Giá trị thương mại, dịch vụ chiếm 51,3%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, ngành nghề chiếm 27,5%; sản lượng lương thực đạt 2.000 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,49% năm 2010 xuống còn 4,3% năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.

Để phát triển quê hương bền vững, Đảng bộ và nhân dân Lương Ninh xác định ưu tiên đầu tư cho công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế phục vụ dân sinh gắn với xây dựng NTM. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định vừa trước mắt vừa lâu dài. Bằng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 5 năm, Lương Ninh đầu tư 35,63 tỷ đồng xây dựng, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng... được tu sửa, làm mới, với  nguồn vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng; xây dựng, tu sửa 7 tuyến đường giao thông nông thôn đạt chuẩn NTM, nguồn vốn trên 13 tỷ đồng.

Các thiết chế văn hóa, nhà văn hóa, sân bãi phục vụ thể thao, hệ thống truyền thanh, nghĩa trang liệt sỹ, địa đạo Văn La... cũng được xây dựng mới, tôn tạo, sửa chữa, với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án điện REII nâng cấp hệ thống lưới điện các thôn, kinh phí 2,63 tỷ đồng.

Lương Ninh ngày càng đổi mới.
Lương Ninh ngày càng đổi mới.

Đồng chí Lê Văn Tam, Bí thư Đảng ủy xã Lương Ninh tâm sự: “Đảng bộ xã có 292 đảng viên, sinh hoạt tại 17 chi bộ cơ sở, trong đó có 5 chi bộ cơ quan, trường học, y tế. Sau khi tiếp nhận chủ trương xây dựng NTM, Đảng bộ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015, đồng thời xây dựng chương trình hành động cho riêng địa phương mình.

Phát động trong toàn Đảng bộ, đảng viên tiên phong chung sức xây dựng NTM. Xây dựng NTM bắt đầu từ cơ sở thôn, xóm, từ đảng viên và từ các hộ gia đình sau đó mới đến cấp xã. Cách làm của Đảng bộ, chính quyền Lương Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân trở thành chủ thể trong xây dựng NTM, phát huy dân chủ cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Để xây dựng thành công xã điểm về NTM, cấp ủy, chính quyền xã Lương Ninh vận động nhân dân thực hiện lần lượt 19 tiêu chí, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Mở rộng và nâng cấp hệ thống đường giao thông thường rất phức tạp vì  ảnh hưởng đến đất đai, tài sản trên đất của nhân dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà phong trào hiến đất, hiến tài sản phục vụ cho xây dựng NTM được người dân hưởng ứng. Toàn xã có 108 hộ dân hiến 2.374m3 đất; chặt bỏ nhiều cây ăn quả, tường rào, cổng... nhờ đó các tuyến đường giao thông nông thôn nhanh chóng hoàn thành.

Đồng chí Lê Thế Triển, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh cho biết: “Xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng trong nghị quyết nhiệm kỳ 2010- 2015 chưa có vì thế phải có cách làm riêng, sáng tạo, đòi hỏi sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó Lương Ninh trở thành xã đầu tiên trong huyện Quảng Ninh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Xã đã huy động 79.173 triệu đồng cho xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 23.482 triệu đồng; nhân dân đóng góp 55.691 triệu đồng, chiếm 70,32% tổng nguồn vốn”.

Để tiếp tục giữ vững và phát huy kết quả của xã NTM, nâng cao tỷ lệ các tiêu chí NTM từ 90-100%, Đảng bộ và nhân dân xã Lương Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN, xây dựng và ngành nghề nông thôn tăng 17-18%; dịch vụ, thương mại tăng 15-16%; sản lương lương thực đạt 2.000 tấn; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 40 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Cơ cấu kinh tế của xã Lương Ninh đến năm 2020 với thương mại, dịch vụ chiến 50,7%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 31,3% và nông- ngư nghiệp chiếm 18%...

Chủ tịch UBND xã Lê Thế Triển tự tin: “Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, một trong tứ danh hương của huyện Quảng Ninh, Đảng bộ, nhân dân toàn xã quyết tâm chung sức, đoàn kết xây dựng Lương Ninh giàu đẹp, xứng đáng ở vị trí cửa ngõ phía bắc huyện Quảng Ninh; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thanh Long