.

Tăng cường các đường dây nóng về du lịch: Việc cần làm ngay!

Thứ Năm, 16/07/2015, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm mục đích hạn chế tối đa nạn “chặt chém” du khách, làm mất hình ảnh của du lịch tỉnh nhà, vừa qua, trong đợt cao điểm mùa du lịch hè, UBND tỉnh đã thiết lập đường dây nóng, đặt tại các điểm kinh doanh dịch vụ nhà hàng, điểm lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh.

Ghi nhận bước đầu cho thấy, đường dây nóng đã phát huy hiệu quả vai trò, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ta, đồng thời tạo dựng niềm tin, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách đến với Quảng Bình. Phát huy ưu thế đó, ngành du lịch cũng rất cần các đường dây nóng, không riêng đường dây nóng về giá cả, để thực sự là cầu nối thiết thực giữa khách du lịch và chính quyền địa phương.

Theo thông tin từ của Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương, thời gian qua, các số điện thoại của đường dây nóng đã nhận được nhiều thông tin phản hồi từ du khách. Những thông tin này đều được tiếp nhận và xử lý kịp thời. Ông Nguyễn Văn Chuyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường cho biết, ngay khi đường dây nóng nhận được thông tin từ khách du lịch phản ánh về những bất cập trong giá cả, với chứng cứ xác minh cụ thể, các đơn vị liên quan sẽ nhanh chóng đến hiện trường và cùng với cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.

Thông qua đường dây nóng này, các vụ tăng giá bất hợp lý, nói thách, chèo kéo khách, không niêm yết giá, không bán đúng giá của những đơn vị kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, ăn uống... được phát hiện và xử lý triệt để.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong đợt kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn trong mùa cao điểm du lịch năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong đợt kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn trong mùa cao điểm du lịch năm 2015.

Ông Chuyên cho biết, điển hình là vụ việc một khách sạn ở TP.Đồng Hới đã thu vượt mức giá phòng của một đoàn khách ở phía Bắc so với giá niêm yết. Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Quản lý thị trường đã đến lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu khách sạn trên phải hoàn trả lại số tiền thu vượt mức, đồng thời có lời xin lỗi với du khách. Điểm đáng mừng là chưa có một trường hợp nào du khách gọi lại phản ánh lần thứ 2 và hầu hết sau mỗi lần xử lý xong vụ việc, khách du lịch đều bày tỏ thái độ cảm ơn và cảm kích.

Để đường dây nóng phát huy vai trò của mình, trước đó, Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý giá đến các tổ chức, cá nhân, đồng thời tổ chức ký cam kết giá, bán đúng giá đã niêm yết giá. Trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, đã có trên 3.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thực hiện ký cam kết. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về giá được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ và không chỉ riêng trong mùa cao điểm du lịch.

Theo đó, 5 tháng đầu năm 2015, về lĩnh vực giá, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 209 trường hợp vi phạm, phạt cảnh cáo 126 vụ, phạt tiền 83 vụ, với số tiền vi phạm hành chính trên 34 triệu đồng. Từ đường dây nóng, một số tồn tại, vướng mắc trong quản lý giá vào mùa du lịch ở tỉnh ta, nhất là lúc cao điểm, cũng được bộc lộ rõ, như: một số cơ sở kinh doanh thiếu niêm yết giá, nâng giá tùy tiện; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương vẫn chưa thật nhịp nhàng, đồng bộ.

Mặt khác, hiện vẫn chưa có quy định của cấp có thẩm quyền về phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên địa bàn vi phạm về quản lý giá, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết.

Do đó, một số đối tượng kinh doanh không có địa điểm cố định, kinh doanh theo mùa vụ, như: dịch vụ ăn uống, giải khát ở vỉa hè các tuyến phố, các quầy bán thực phẩm, đồ tươi sống trong các chợ..., đều không đăng ký kinh doanh và do địa phương cho phép, thu bến bãi, địa điểm, nhưng trách nhiệm quản lý chưa được phân công, phân cấp, dễ bị chồng chéo, bỏ sót trong giám sát, quản lý.

Như vậy, có thể thấy những hiệu quả thiết thực mà đường dây nóng mang lại cho khách du lịch và cả với các cơ quan quản lý, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu uy tín của du lịch Quảng Bình và kịp thời có những điều chỉnh, xử lý kịp thời với những mặt hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với ngành Du lịch tỉnh ta, ngoài đường dây nóng về quản lý giá, tránh “chặt chém” đối với du khách, hiện tại, vẫn chưa có một đường dây nóng riêng cho ngành du lịch.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết, trong lĩnh vực du lịch, đường dây nóng đóng một vai trò hết sức quan trọng, vừa kết nối giữa du khách và chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, kịp thời giải quyết những vụ việc ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch tỉnh nhà, vừa là “địa chỉ vàng” cung cấp thông tin, giải đáp tư vấn thắc mắc, kho tư liệu phong phú cho du khách và những ai mong muốn tìm hiểu. Quan trọng như vậy, nhưng đến giờ tỉnh ta vẫn chưa có đường dây nóng hỗ trợ cho khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Kỳ cho biết, nhiều vụ việc, du khách bức xúc thậm chí gọi thẳng vào số máy của ông và nhờ ông can thiệp giải quyết. Theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, tại các địa bàn du lịch trọng điểm thu hút trên 1 triệu lượt du khách/năm, cần thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Manh nha từ năm 2014, đến nay, cả đường dây nóng và phòng hỗ trợ khách du lịch của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vẫn còn là đề án trên giấy, chưa được triển khai. Đây là một sự chậm trễ lớn đối với một tỉnh đón hơn 2 triệu khách du lịch/năm như ở tỉnh ta.

Tin vui là ngày 14-7, UBND tỉnh đã có Công văn số 1301/VPUBND-VX gửi Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc lập và thông báo số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ du khách. Theo đó, giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẩn trương lập đường dây nóng hỗ trợ du khách và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến tận các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, các điểm đông khách du lịch trên địa bàn, như: ga tàu, sân bay, khu vực Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, các bãi biển... để du khách và đông đảo quần chúng nhân dân biết, phản ánh kịp thời các hiện tượng xấu, ảnh hưởng đến du khách nói riêng và hình ảnh du lịch Quảng Bình nói chung.

Mai Nhân