.

Xây dựng mạng lưới bảo vệ thực vật cấp xã: Giải pháp cho một nền nông nghiệp phát triển an toàn

Thứ Năm, 04/06/2015, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta có tốc độ tăng trưởng nhanh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, nhận thức về kỹ thuật trong sản xuất còn rất hạn chế; việc lạm dụng hóa chất vật tư đầu vào là nguyên nhân cơ bản làm cho dịch hại bùng phát, khó kiểm soát; gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giảm hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

 

Hoạt động kinh doanh thuốc BVTV ngày càng diễn ra phổ biến trong khi việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng cho bà con nông dân còn hạn chế.
Hoạt động kinh doanh thuốc BVTV ngày càng diễn ra phổ biến trong khi việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng cho bà con nông dân còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng trên, các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp phải chỉ cho bà con nông dân có cách làm đúng và an toàn trong sản xuất.

Tuy nhiên, để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất của bà con nông dân thì chỉ có cán bộ cơ sở mới là người thực hiện tốt nhất, họ có thể phát hiện sớm nhất các dịch bệnh xảy ra, những nguy hại do lạm dụng hóa chất trong sản xuất... để kịp thời xử lý.

Do đó, sự hình thành mạng lưới cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV) cấp xã là việc làm cấp thiết hiện nay để giúp bà con ngăn ngừa dịch bệnh, xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất an toàn, hiệu quả.

Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình chúng ta nói riêng, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên gay gắt là điều kiện rất thuận lợi cho các loại dịch bệnh cây trồng bùng phát thành dịch.

Trong những năm gần đây, dịch bệnh lùn sọc đen và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu, sâu đục thân lúa, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa; bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu; chổi rồng trên sắn;... đã phát sinh trên diện rộng. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương đã tập trung các biện pháp quyết liệt để phòng chống, nhiều tỉnh đã phải công bố dịch và hỗ trợ kinh phí, thuốc BVTV chống dịch.

Được biết, toàn tỉnh ta hiện nay có 8 trạm BVTV cấp huyện, với 27 cán bộ (3-4 cán bộ/trạm). Các huyện miền núi như huyện Minh Hóa, vùng sản xuất không tập trung, nhiều loại cây trồng, tuy có diện tích ít hơn nhưng việc đi lại từ trung tâm huyện đến xã vừa xa, vừa khó khăn, điều này sẽ gây cản trở lớn trong quá trình công tác của cán bộ BVTV cấp huyện.

Mặc dù Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định ở xã có một công chức thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trong đó có BVTV. Tuy nhiên ở nhiều xã, cán bộ phụ trách lại có chuyên môn nông nghiệp học thú y, thủy sản nên không đủ kiến thức BVTV để chủ động giám sát và kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch hại ngay từ khi còn diện hẹp. Trong khi, đây lại là khâu quan trọng nhất để ngăn ngừa dịch bệnh kịp thời, không cho chúng phát sinh, phát triển gây hại.

Trong khi công tác quản lý, giám sát của mạng lưới cán bộ BVTV còn mỏng, thì những năm qua, thói quen lệ thuộc vào thuốc BVTV hóa học để phòng chống dịch hại của nông dân lại có xu hướng tăng nhiều. Những hiểu biết của họ về các tác động tiêu cực của hóa chất như gây bùng phát của các dịch hại nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, môi trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giảm hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... lại quá ít, thậm chí là không có. Điều này sẽ gây cản trở lớn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nền nông nghiệp tỉnh nhà bởi vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đang được đặt lên hàng đầu trong quá trính hội nhập.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thuốc BVTV diễn ra khá phổ biến, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 200 cơ sở. Trong đó, nhiều cơ sở đã tư vấn giúp cho người sản xuất lựa chọn đúng loại thuốc cần dùng; nhưng rất ít chủ cơ sở có trình độ từ trung cấp trở lên nên không đủ kiến thức để tư vấn cho người nông dân hoặc vì lợi nhuận nên đã khuyến cáo không đúng với tính năng, tác dụng của thuốc. Đồng thời, trong phòng chống dịch hại chủ yếu do người nông dân sử dụng thuốc BVTV; với lực lượng cán bộ kỹ thuật mỏng như hiện nay, người phun thuốc rất ít có cơ hội tiếp cận để được tư vấn, hướng dẫn, họ chủ yếu dựa vào tư vấn của người bán thuốc để quyết định việc sử dụng. Vì thế, tình trạng sử dụng quá mức, pha trộn nhiều loại thuốc diễn ra rất phổ biến.

Mạng lưới BVTV cấp xã sẽ giúp bà con phòng chống dịch hại hiệu quả, bảo đảm sản xuất nông sản an toàn.
Mạng lưới BVTV cấp xã sẽ giúp bà con phòng chống dịch hại hiệu quả, bảo đảm sản xuất nông sản an toàn.

Theo kết quả thanh tra chuyên ngành về việc sử dụng thuốc BVTV trong năm 2014, có khoảng 30% hộ nông dân vi phạm các quy định về sử dụng thuốc như sử dụng không đúng nồng độ, liều lượng; không bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục...

Cũng với thực trạng tương tự như tỉnh ta về mạng lưới cán bộ BVTV hiện còn quá mỏng, việc sử dụng thuốc BVTV, phòng chống dịch bệnh chưa đúng cách của bà con nông dân, một số tỉnh, thành trong cả nước đã chủ động xây dựng và được Hội đồng nhân dân phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước ngành BVTV ở địa phương.

Đến nay, 17 tỉnh có 2.298 người thực hiện công tác trồng trọt, BVTV hoặc BVTV cấp xã. Kết quả bước đầu xây dựng mạng lưới BVTV cấp xã, những nơi có mạng lưới đã làm cầu nối giữa UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp huyện với người nông dân trong công tác nắm tình hình sản xuất, phát hiện dịch hại và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng chống kịp thời; tham mưu giúp UBND xã và Chi cục BVTV tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, BVTV, thuốc BVTV.

Những nơi không có tổ chức BVTV cấp xã hoặc có nhưng hoạt động yếu (hình thức kiêm nhiệm) các chủ trương biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, kể cả tiến bộ kỹ thuật BVTV không được chuyển tải hoặc chuyển tải không kịp thời tới người nông dân, do đó việc phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả thấp, chi phí cao, thậm chí có nơi bị mất mùa vì sâu bệnh.

Trước thực tế đó, việc xây dựng và củng cố mạng lưới BVTV cấp xã phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta là cần thiết. Việc làm này sẽ tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch hại góp phần làm giảm thiệt hại, giảm lượng thuốc sử dụng, bảo đảm sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường.

L.M