.

Sức sống mới ở các làng quê

Thứ Ba, 17/03/2015, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông nghiệp, nông thôn Lệ Thủy đã có nhiều khởi sắc.  Đâu đâu cũng thấy làng quê đang từng bước được thay da, đổi thịt, khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện...

Sự thay đổi đó bắt nguồn từ chính nhận thức của mỗi người dân, bởi họ hiểu được lợi ích của chương trình xây dựng NTM để xác định việc cần làm của bản thân, họ sẵn sàng góp tiền, hiến đất để làm đường mà không đòi hỏi tiền bồi thường của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, phồn thịnh.

Đến với xã An Thủy - xã điểm xây dựng NTM của huyện - những ngày đầu năm này, có thể thấy rõ bộ mặt nông thôn của xã đã đổi thay đáng kể. Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, cùng hiến đất mở rộng đường giao thông, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Bên cạnh những con đường mới được nâng cấp, mở rộng, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, tô thêm mảng màu tươi sáng của làng quê. Rõ ràng công cuộc xây dựng NTM đã thổi luồng sinh khí mới đến vùng quê này, mang lại niềm vui cho người dân khi đời sống được cải thiện và nâng cao về vật chất lẫn tinh thần.

Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê.
Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê.

Để có được những kết quả tích cực như vậy là nhờ sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Ông Trần Đức Tài, Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết: Xã đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí, còn 2 tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa là khó thực hiện nhất, vì đòi hỏi kinh phí cao. Dù khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nhất định trong năm 2015 xã An Thủy sẽ cơ bản hoàn thành.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ sự đồng thuận cao, nhiều hộ dân xã An Thủy đã tự nguyện hiến đất, hiến cây cối, hiến công trình để làm đường. Hộ ít thì vài chục mét, hộ nhiều lên đến hàng trăm nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều con đường nhỏ hẹp, đất đá đã được thay thế bằng những con đường bê tông.

Tính đến nay, nhân dân xã An Thủy đã tự nguyện đóng góp được 5,854 tỷ đồng, đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến gần 5.000m2 đất và tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, cổng để xây dựng NTM, xây dựng các công trình phúc lợi như: trường mầm non, nhà văn hoá, đường trục nội đồng, đường trục thôn, ngõ, xóm...

Trong 4 năm qua, xã đã xây dựng được 17 nhà tình nghĩa và đại đoàn kết (trị giá 410 triệu đồng); phối hợp xây dựng 36 nhà cho hộ nghèo (trị giá 187 triệu đồng). Mặt khác, hỗ trợ xây mới 36 nhà, sửa chữa 5 nhà cho người có công với cách mạng; 29 nhà thuộc chính sách hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của xã, đưa thu nhập người dân tăng gấp 1,6 lần so với trước khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,68% năm 2010 xuống còn 4,78% năm 2014.

Còn tại xã điểm NTM Mai Thủy, các trục đường liên thôn, liên xóm của xã cũng được đổ bê tông phẳng lỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương với những vùng lân cận và thúc đẩy phát triển sản xuất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, nhân dân Mai Thủy đã đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 5 tỷ đồng gồm: Hiến đất xây dựng diện tích 23.481m2, ước tính trị giá 709 triệu đồng; hiến tài sản gồm 65 trụ cổng, 442m hàng rào, 4.588 cây kinh tế, diện tích lúa 1.502m2, ước tính 594 triệu đồng; đóng góp 11.743 công, ước tính 1,2 tỷ đồng; tiền mặt (bao gồm đóng góp vào ngân sách xã và quỹ thôn) 2,5 tỷ đồng. Xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí và dự kiến đến cuối tháng 9-2015 sẽ trở thành xã NTM.

Với chủ trương huy động tối đa các nguồn lực xây dựng NTM, những năm qua, huyện Lệ Thủy xác định sản xuất là yếu tố cốt lõi nên đã coi trọng việc xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng.

Không riêng gì Lệ Thủy, phong trào xây dựng NTM đang diễn ra sôi nổi khắp các làng quê Quảng Bình. Hy vọng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của quần chúng nhân dân, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Quảng Bình sẽ ngày một đổi thay.

P.V