.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông-xuân

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2015, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 42.000 ha lúa và các loại cây trồng như: ngô, dưa hấu, sắn, rau các loại... Thời gian vừa qua, thời tiết nắng ấm thuận lợi cho cây trồng phát triển nhanh, đồng thời cũng là điều kiện để sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Để cây trồng có thể sinh trưởng, phát triển tốt, bà con nông dân cần chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này, cây trồng vụ đông - xuân 2014-2015 bị nhiễm một số loại sâu bệnh như: gỉ sắt trên cây ngô, tỷ lệ hại phổ biến 20-25% (ở xã Vạn Ninh, Hiền Ninh huyện Quảng Ninh), sâu ăn lá, cắn nõn với mật độ sâu phổ biến 2-3 con/m2. Trên dưa hấu xuất hiện bệnh lỡ cổ rễ với tỷ lệ hại phổ biến 2-3%, nơi cao 5% (ở thị trấn Nông trường Việt Trung, xã Phú Định huyện Bố Trạch). Sâu ăn lá trên cây rau mật độ phổ biến 3-5 con/m2. Đặc biệt trên diện tích hơn 29.000ha lúa, các loại bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, tuyến trùng rễ, chuột hại lúa đang phát triển.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây trồng vụ đông-xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

Ngay từ khi bà con nông dân bắt đầu gieo trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo kịp thời tình hình, mức độ gây hại của dịch bệnh và báo cáo diễn biến dịch bệnh hàng tuần. Từ đó, đề ra các biện pháp phòng trừ kịp thời, hướng dẫn bà con nông dân chủ động thực hiện có hiệu quả.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bà con nông dân nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng (2-3 lần/tuần) và tích cực thực hiện các biện pháp thủ công như: bắt sâu non, ngắt ổ trứng, ổ sâu...; tăng cường bẫy bắt chuột, đổ nước ở những nơi có chuột gây hại.

Bệnh chổi rồng ở sắn được phát hiện để ngăn ngừa.
Bệnh chổi rồng ở sắn được phát hiện để ngăn ngừa.

Thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP), thường xuyên chăm sóc, xáo xới, bón phân đúng kỹ thuật, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong trường hợp đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách) và bảo đảm thời gian cách ly.

Đối với cây lúa, cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh ta, trong những tuần qua thời tiết đêm và sáng sớm sương mù nhiều, trời âm u, có mưa phùn nhẹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn đã lên đến 374 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-7%, nơi cao 10-12%, bệnh xuất hiện chủ yếu ở các giống P6, IR353-66, Xi23.

Theo các cán bộ chuyên môn, để phòng trừ bệnh, cần thường xuyên theo dõi sự phát sinh của bệnh, theo dõi tình hình thời tiết để phát hiện bệnh chính xác, triển khai phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện. Khi ruộng đã bị nhiễm bệnh, cần giữ nước trong ruộng từ 1-3cm, ngừng ngay việc sử dụng phân đạm, kali, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để bón hoặc phun cho ruộng đang bị nhiễm bệnh.

Trong vụ đông-xuân, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng thường phát sinh gây hại nặng trên lúa. Trong vụ, các lứa rầy gối nhau tạo nên sự tích lũy về mật độ và dễ dàng bùng phát thành dịch ở lứa thứ 3 vào lúc lúa ở giai đoạn đòng già đến trổ - chín; do đó công tác điều tra phát hiện cần triển khai sớm sau khi gieo 3-5 ngày. Cần nắm chắc thời điểm phát sinh từng lứa rầy để thông báo, hướng dẫn phòng trừ khi rầy tuổi còn nhỏ, mật độ thấp. Đặc biệt điều tra phát hiện và phòng trừ kịp thời rầy lứa 2 (khoảng 25-3 đến 30-3), khống chế bùng phát rầy lứa 3 vào giai đoạn lúa trổ-chín, hạn chế sử dụng thuốc có phổ tác động rộng để bảo vệ thiên địch.   

Đối với bệnh khô vằn thường phát sinh gây hại trên các chân ruộng bón thừa đạm, mật độ dày; thời gian gây hại dài, tỷ lệ và cấp bệnh tăng nhanh ở cuối vụ. Bệnh thường hại nặng vào giai đoạn lúa kết thúc đẻ nhánh đến chín, đặc biệt bệnh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, vì vậy cần chú ý theo dõi để phòng trừ kịp thời...

Với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương và sự tích cực của bà con nông dân, hy vọng vụ đông-xuân 2014-2015 cây trồng sẽ phát triển tốt, mang lại năng suất, hiệu quả cao.

Lê Mai-Đặng Thảo