.

Những cánh đồng bội thu

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương chung của toàn tỉnh về việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua nhờ thâm canh cây trồng theo quy hoạch và chuyển đổi phù hợp nên nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Những cánh đồng lúa mẫu lớn đạt năng suất cao.
Những cánh đồng lúa mẫu lớn đạt năng suất cao.

Với những nỗ lực không ngừng, thời gian qua huyện Lệ Thủy đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi như cánh đồng mẫu lớn, mô hình canh tác lúa cải tiến, mô hình trồng ớt xuất khẩu, mô hình rau sạch, mô hình trồng sắn Rayoong72, nhân rộng mô hình trồng và chế biến khoai lang, khảo nghiệm giống lúa TBKT, mô hình trồng tiêu theo dự án ROP...

Được sự giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, chúng tôi tìm về xã Thanh Thủy để có cơ hội chứng kiến những ruộng khoai lang bội thu. Gia đình ông Phan Xuân Lâm đã chuyển đổi từ 3 sào đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị cao như khoai lang, dưa hấu. Ông Lâm cho biết, trồng khoai lang năng suất đạt gấp 3 lần so với làm lúa. Trước đây, một mùa làm lúa, gia đình ông chỉ thu nhập được hơn 10 triệu đồng, còn trồng khoai đạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Từ khi có “Dự án phát triển trồng khoai lang trên vùng cát” ở xã Thanh Thủy, gia đình ông Lâm được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, đất sản xuất.

Dự án trồng khoai hiện mang lại hiệu quả rất lớn nên đang thu hút khá đông người dân tham gia. Nhiều hộ gia đình trước đây rất vất vả nhưng từ khi có dự án chuyển đổi mô hình trồng khoai lang, dưa hấu, đời sống kinh tế của họ đã khá giả hơn trước rất nhiều. Được biết, năm 2014 toàn huyện Lệ Thủy trồng được 371ha khoai lang, năng suất trung bình đạt 63 tạ/ha. Theo kế hoạch, năm 2015 này sẽ tăng diện tích khoai lang lên khoảng 800-850ha.

Không chỉ mô hình khoai lang mang lại hiệu quả cao, cánh đồng mẫu lớn về lúa thực hiện trong vụ đông - xuân 2013-2014 với diện tích 546ha cũng mang lại năng suất cao 71,55 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân toàn huyện là 6,51 tạ/ha. Vụ đông-xuân 2014-2015 huyện tiếp tục mở rộng diện tích lên 1.209,6 ha.

Mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) với diện tích 105,7ha tại xã Lộc Thủy và An Thủy cũng được đánh giá cao. Năng suất bình quân đạt 76,4 tạ/ha (ruộng đại trà năng suất đạt 74,1 tạ/ha), lợi nhuận cao hơn so với canh tác bình thường từ 3-5 triệu đồng/ha.

Về thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, chúng tôi lại được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng xà lách, cải cay, cải bẹ, hành tỏi... xanh tươi mơn mởn. Là các loại rau ngắn ngày nên cứ thu hoạch xong, bà con lại gieo trồng lứa khác. Hiện đây là mô hình rau sạch với diện tích khoảng 30ha đang được trồng thử nghiệm của huyện Lệ Thủy, năng suất rau đạt 96,6 tạ/ha. Người dân ở đây cho hay, trồng rau giá thành cao, dễ bán và thu hoạch được nhiều lứa nên hiệu quả cao hơn so với các cây trồng khác.

Rau sạch đang mang lại thu nhập khá cho người dân Lệ Thủy.
Rau sạch đang mang lại thu nhập khá cho người dân Lệ Thủy.

Đơn cử, một vụ lúa tốn đến 3 tháng trong khi cũng từng đó thời gian đã thu được 2 lứa rau. Với thực tế đó, nhiều vùng khác của huyện Lệ Thủy như Hồng Thủy, Thanh Thủy... cũng đang tiến hành trồng thử nghiệm mô hình rau sạch này.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, thì vùng nào triển khai tốt theo quy hoạch, bố trí luân canh cây trồng phù hợp, chắc chắn nơi đó cánh đồng sẽ cho thu nhập cao hơn. Đột phá của nền nông nghiệp Lệ Thủy khởi nguồn từ những mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng kỹ thuật, cánh đồng thu nhập cao... Sự trình diễn, tiến tới thực nghiệm thành công đã hoàn toàn thuyết phục được người nông dân. Người dân đã tiếp cận phương thức sản xuất mới, biết cách hạch toán kinh tế khi thâm canh cây trồng.

Để ngành Nông nghiệp huyện ngày càng phát triển bền vững, các nghị quyết của Huyện ủy đã bám sát thực tiễn, đề ra chủ trương phát triển mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: giao thông, thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ...

Mặt khác, tổ chức sản xuất gắn với liên kết, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều dễ nhận thấy là hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã dần ít xuất hiện trên đồng ruộng, thay vào đó các loại máy móc cơ giới hiện đại, góp phần thay đổi không nhỏ cơ cấu lao động địa phương.

Lê Mai