.

Kim Thủy chú trọng phát triển kinh tế

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Kim Thủy là một xã miền núi của huyện Lệ Thủy. Toàn xã có 12 khu dân cư rải rác cách xa nhau với 1.035 hộ dân, trong đó có trên 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 43,6 %, còn nhiều hộ gia đình chưa chủ động làm kinh tế, sống phụ thuộc vào rừng và nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích bà con chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản văn hóa.

Do vậy bà con đã từng bước thay đổi nhận thức, đầu tư phát triển sản xuất, khai thác sử dụng hết đất ruộng khe suối, đất rừng trồng cây keo tràm, cao su, sắn nguyên liệu, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, toàn xã có 339,3 ha cao su,  138,5 ha sắn nguyên liệu, 8.774 gốc hồ tiêu; đàn trâu có trên 600 con, đàn bò gần 800 con; lợn, gà, gia cầm các loại có 17.870 con. Nhờ đó đời sống của bà con dần dần được cải thiện, toàn xã có 28 hộ gia đình sản xuất giỏi.

Cùng với việc vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã tích cực vận động triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”, phong trào “5 không, 3 sạch”, phong trào “không sinh con thứ 3,  xây dựng bản văn hóa... Đến nay toàn xã đã có 5/12 bản đạt danh hiệu “Bản văn hóa”, 446 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Qua tìm hiểu được biết,  bà con dân tộc thiểu số ở Kim Thủy có được cuộc sống ổn định và phát triển như hôm nay, trước hết phải nói đến vai trò và sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận trong vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, đồng thời tổ chức thực hiện bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của địa phương, tập quán của đồng bào.

Trong quá trình vận động, Mặt trận đã tranh thủ và phát huy được vai trò của các già làng, trưởng bản trong triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động của Mặt trận. Từ đó đã phát huy  được sức mạnh của đồng bào trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Mỹ Hiền
                                    (UBMTTQVN tỉnh)