.

Quang Phú mở biển

Thứ Tư, 11/03/2015, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Giống như những miền quê biển trong tỉnh Quảng Bình, cứ đúng dịp rằm tháng giêng, xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới) lại trang trọng tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu cho quốc thái dân an; trời yên, biển dịu để đội tàu của xã ra khơi có một mùa đánh bắt bội thu.

 

Lễ hội cầu ngư ở xã biển Quang Phú.
Lễ hội cầu ngư ở xã biển Quang Phú.

Trong tâm thức của các cụ cao niên làng Phú Hội xưa, xã Quang Phú bây giờ, lễ hội cầu ngư hàng năm được tổ chức tại đình làng. Đình làng Phú Hội xưa rất to lớn, bề thế... qua bao nhiêu thăng trầm, chiến tranh tàn phá nay không còn. Những năm sau này, lễ hội cầu ngư được nhân dân tổ chức sát bên biển, ngay nơi con sóng dềnh dàng lên xuống.

Khôi phục, bảo tồn, tổ chức lễ hội cầu ngư ở xã Quang Phú hiện tại là sự tưởng nhớ, tiếp nối truyền thống của tổ tiên, cha ông đi trước cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng, trời yên, được mùa tôm cá. Với riêng ngư dân Quang Phú còn là cách thể hiện sự lao động chăm chỉ, bám biển, bám làng, coi trọng nghề ngư.

Dù cho thế hệ trẻ sau này gọi lễ hội cầu ngư là dịp mở biển cho tàu thuyền đi khơi, đi lộng nhưng sâu trong tiềm thức họ là một sinh hoạt tâm linh quan trọng của một vùng dân cư bên biển với phương thức sản xuất chính là bám biển khai thác, đánh bắt hải sản.

Xã Quang Phú là một trong những địa phương luôn đi đầu bảo đảm chỉ tiêu khai thác, chế biến thủy sản. Toàn xã có gần 100 tàu thuyền, tổng công suất 4.388 CV, tập hợp tại 7 tổ hợp tác sản xuất trên biển, vừa giúp nhau khai thác vừa bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Sản lượng khai thác năm 2014 đạt 2.890 tấn, vượt 310 tấn so với kế hoạch. Ngoài kinh tế biển, giá trị kinh doanh, thương mại của xã đạt 48.200 triệu đồng; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn đạt 22.800 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên 25 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,93%.

Với truyền thống anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động, dịp lễ cầu ngư, mở biển cũng là lúc các tổ hợp tác sản xuất trên biển, chủ tàu thể hiện quyết tâm của mình đã ra khơi là thắng lợi, “cá nặng đầy khoang” trở về. Sau phần lễ, UBND xã, đại diện đoàn tàu 5 thôn: Bắc Phú, Nam Phú, Đông Phú, Tây Phú và Tân Phú cùng nhau ký kết, phát động phong trào thi đua bám biển, bám tàu vừa tăng sản lượng đánh bắt, vừa góp phần chung tay giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú cho biết: “Trong không khí trang trọng của lễ hội cầu ngư, chúng tôi đồng thời phát lệnh mở biển, kêu gọi toàn thể nhân dân, tổ hợp tác sản xuất, chủ tàu; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm ăn kinh tế hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 8 và Nghị quyết HĐND xã khóa 6 đã đề ra. Theo đó, năm 2015 khai thác thủy sản đạt 2.990 tấn; kinh doanh thương mại dịch vụ trên 54 tỷ đồng; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn đạt 26 tỷ đồng. Tăng thu nhập bình quân đầu người lên 27 triệu đồng/năm”.

Theo ông Phạm Thanh Bình, cửa biển đã mở, đoàn tàu của xã sau lễ cầu ngư sẽ tiến ra biển lớn, nhưng để bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của xã thì tất cả mọi người dân Quang Phú cần phải phát huy truyền thống anh hùng, tích cực bám biển, bám ngư trường, nâng cao sản lượng khai thác; mở rộng thị trường kinh doanh, dịch vụ; làm tốt ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Ngư dân thường xuyên cải tiến ngư lưới cụ, đầu tư mua sắm, tu sửa tàu thuyền, áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đánh bắt.

Phát huy khả năng tối đa của các đơn vị tàu thuyền, tổ hợp tác trên biển, góp phần ổn định và nâng cao mức thu nhập cho người lao động. Đội tàu của xã Quang Phú vươn khơi, càng thêm gắn kết với nhau, kịp thời giúp nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo đảm tính mạng, tài sản ngư dân, duy trì sản xuất, đánh bắt trên biển bền vững.

Hồ An