.

Góp sức đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được đông đảo người dân hưởng ứng bằng việc làm thiết thực, đó là mua và tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Giờ đây, xu hướng sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng trong tỉnh đã tăng cao, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, nhóm các mặt  hàng cơ khí, điện tử. Hàng Việt đã thật sự tạo được chỗ đứng trên thị trường. Để có được những thành quả đó không thể không nhắc đến các tiểu thương - những người góp phần đắc lực đưa hàng Việt về với các chợ ở nông thôn, đến với người tiêu dùng.

Tiểu thương góp một phần không nhỏ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
Tiểu thương góp một phần không nhỏ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Tho, chủ cửa hàng tạp hóa chợ Cống Ngò (Dương Thủy, Lệ Thủy) cho biết: Những năm trước, người dân chỉ quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ, mẫu mã đẹp hay xấu mà không cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ.

Nhưng đến nay, được sự cảnh báo từ các phương tiện truyền thông nên hầu như người dân khi mua hàng đều quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng như: bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, đường Biên Hoà, thực phẩm chế biến Vissan... Vì thế chúng tôi cũng nhập các mặt hàng chủ yếu trong nước sản xuất có nguồn gốc rõ ràng, nhất là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Còn chị Vũ Hồng Thắm, kinh doanh mặt hàng giày dép ở chợ Tréo (thị trấn Kiến Giang, Lệ Thủy) thì cho biết: Những năm trước, hầu hết các mặt hàng thời trang, giày dép... là hàng có xuất xứ Trung Quốc hoặc không có nguồn gốc rõ ràng, thì nay phần lớn chủng loại hàng hoá này do doanh nghiệp trong nước cung cấp, có địa chỉ, xuất xứ cụ thể. Điều này xuất phát từ nhu cầu của người mua hiện nay chủ yếu tin dùng hàng trong nước sản xuất, cho nên chúng tôi nhập về các loại giày, dép trong nước sản xuất với giá cả bình dân, phù hợp với người tiêu dùng.

Không chỉ ở những dòng hàng phổ thông mà hàng Việt đã cạnh tranh ngay cả ở những mặt hàng cao cấp với chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sức hút của hàng Việt trong vấn đề giá cả. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, thì những tiêu chí trên đã được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng, nhờ đó mà hàng Việt đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng khi được hỏi đều có chung một số nhận định về hàng hóa tiêu dùng Việt Nam, trong đó chủ yếu là các ưu điểm như: xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng, giá cả phù hợp, bao bì ngày càng đẹp, chất lượng khá ổn định, hợp khẩu vị và thói quen sử dụng của người Việt.

Qua khảo sát thị trường nội địa, đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt của người dân ngày càng cao. Cụ thể: hàng thực phẩm công nghệ, lương thực chiếm 80-85%, hàng may mặc chiếm 70% thị phần...

Hàng Việt đã thật sự tạo được chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, còn phải kể đến sự chuyển biến trong nhận thức của các tiểu thương trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng khác như mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo, công nghệ... của các nhà sản xuất trong nước hiện cũng chưa thể cạnh tranh được với các hàng ngoại nhập. Từ thực tế này, thời gian tới, các doanh nghiệp, các cấp, các ngành cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm để đủ năng lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Phạm Hà