.

Giải pháp nào cho tình trạng nông dân bỏ ruộng?

Thứ Hai, 06/10/2014, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Nông dân bỏ ruộng là vấn đề "nóng" của nhiều địa phương trong những năm gần đây. Với tỉnh ta cũng không ngoại lệ khi bắt đầu các vụ gieo cấy, đặc biệt là vụ hè-thu, số diện tích lúa bị bỏ hoang có xu hướng ngày càng tăng. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan, ban ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên đến thời điểm này, tình trạng nông dân bỏ ruộng vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Và bên cạnh việc chỉ ra những nguyên nhân quan trọng, thì cơ quan chức năng cũng cần những giải pháp vừa mang tính kịp thời ở hiện tại và chiến lược lâu dài cho tương lai.

Vậy những giải pháp đó là gì? Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, vụ hè - thu vừa qua, ở những địa phương được xem là "vựa lúa" của tỉnh như Lệ Thủy, Quảng Ninh, diện tích lúa bỏ hoang lên đến hàng trăm ha.

Ở Lệ Thủy, chỉ tính riêng xã Tân Thủy, con số này đã gần 60 ha. Ở Quảng Ninh, diện tích lúa tái sinh trên địa bàn toàn huyện tăng đột biến với 638 ha. Còn huyện Bố Trạch, diện tích lúa hè - thu năm nay giảm so với năm 2013 khoảng 100 ha, dù năm 2013, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang trên địa bàn cũng đã "nóng". Xã Đại Trạch, một địa phương có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế tình trạng này nhưng vụ hè - thu năm nay cũng có trên 60 ha đất lúa bị bỏ hoang...

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp cũng đã tiến hành một số đợt điều tra nhằm làm rõ hơn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Qua công tác điều tra, khảo sát, theo ông Ngọc, có một số nguyên nhân chính có thể kể đến. Thứ nhất là giá cả vật tư đầu vào tăng cao. Đây là vấn đề đã được người nông dân đề cập đến trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Trong khi đó, một nghịch lý rất rõ là trong khi giá cả vật tư đầu vào tăng cao và không có xu hướng giảm, thì giá lúa vài năm gần đây chỉ dao động trong mức 4.500 đồng đến 5.500 đồng/kg. Và nếu trước đây chỉ khi được mùa mới rớt giá, thì nay chỉ cần vào mùa là giá lúa nói riêng và một số mặt hàng nông sản nói chung đều bị rớt giá.

Ruộng lúa ở Tây Trạch (Bố Trạch) thành bãi chăn thả trâu bò.
Ruộng lúa ở Tây Trạch (Bố Trạch) thành bãi chăn thả trâu bò.

Nông dân huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã có một bài toán chi tiết về lợi nhuận từ sản xuất lúa vụ hè - thu. Theo đó, với giá lúa 5.500 đồng/kg và năng suất 2,5 tạ/sào, người nông dân sẽ thu về 1.375.000 đồng/sào. Trong khi đó, tổng chi phí cho một sào lúa (bao gồm công làm đất, tiền phân bón, thủy lợi phí, dịch vụ, thuốc trừ sâu, công gặt...) khoảng trên 1.000.000 đồng. Như thế, số tiền lãi thu về từ một sào ruộng trong vụ hè - thu của người nông dân chỉ vẻn vẹn trên 300.000 đồng. Đó là chưa tính đến những thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh gây ra khiến nhiều nông dân trong phút chốc trở nên trắng tay...

Cùng với hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, những năm qua các cơ quan chức năng và nông dân huyện Bố Trạch cũng luôn trăn trở về vấn đề cây lúa vụ hè - thu. Cùng với các chính sách hỗ trợ của huyện, một số địa phương đã tiếp thêm sức cho người nông dân để phủ kín diện tích lúa hè - thu.

Tiêu biểu trong số này có xã Đại Trạch với mức hỗ trợ trên 150.000 đồng/sào (gồm công làm đất và giống) cho 35 ha, tuy nhiên vụ hè - thu năm nay, toàn xã vẫn có trên 60 ha ruộng bị bỏ hoang. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, trong vụ hè - thu năm 2013, một số cán bộ xã Đại Trạch còn tiến hành sản xuất "ruộng mẫu" nhằm làm gương cho nhân dân, nhưng mặc dù lúa phát triển tốt, thời điểm trổ đòng lại bị nạn chuột hoành hành, "ruộng mẫu" cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trong khi đó, với một địa phương có nhiều thuận lợi về phát triển dịch vụ như Đại Trạch, việc người dân thờ ơ với sản xuất lúa vụ hè - thu là điều dễ hiểu khi thu nhập của cả vụ cũng chỉ bằng vài chục ngày làm công hay buôn bán nhỏ. Mà con số những địa phương có tiềm lực kinh tế như Đại Trạch cũng không nhiều để có điều kiện chia sẻ khó khăn cùng người nông dân. Và không chỉ có cây lúa, mà cây ngô, lạc... cũng gặp những khó khăn tương tự.

Từ những nguyên nhân nêu trên, theo ông Mai Văn Ngọc, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ để đồng hành cùng người nông dân. Trước hết là cần bảo đảm bình ổn giá vật tư nông nghiệp và có các chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm hạn chế tình trạng giá cả leo thang, vật tư trôi nổi, kém chất lượng... ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất nói chung, sản xuất vụ hè - thu nói riêng.

Vấn đề cây giống cũng là yếu tố quan trọng để quyết định sự thắng lợi của mùa vụ, góp phần động viên người nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng. Bên cạnh cây giống, vấn đề bảo đảm tưới tiêu, đặc biệt là những địa phương thường xuyên đối mặt với nạn hạn hán cũng là một trong những yếu tố quyết định.

Một giải pháp quan trọng nữa, đó chính là giá đầu ra cho sản phẩm. Thực tế những năm gần đây, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng còn nhiều hạn chế. Có những gia đình ở "vựa lúa" Lệ Thủy, Quảng Ninh, khi mùa về, trong nhà có hàng chục tấn lúa. Giá lúa rẻ, bán không lời lãi là bao, tích trữ trong nhà cũng không ổn.

Trước thực trạng này, nhiều người cho rằng, cần phải tính đến chuyện sản xuất lúa chất lượng cao để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Mang theo câu hỏi: Liệu chúng ta có thể sản xuất lúa chất lượng cao để xuất khẩu như các tỉnh, thành trong nước, về Lệ Thủy, nhiều nông dân tự tin: Chúng tôi làm được. Chỉ e là khi đó điệp khúc "được mùa rớt giá" lại lặp lại!

Từ những trăn trở này của người nông dân, Đảng, Nhà nước cần có các giải pháp về giá đầu ra cho nông sản, giúp người nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng. Trao đổi về giải pháp này, nông dân Nguyễn Văn Hưng (thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy) khẳng định: Chỉ cần làm ruộng có lãi, nông dân bọn tui làm liền, bởi với nông dân, sản xuất nông nghiệp là lựa chọn hàng đầu.

Ở Lệ Thủy, mặc dù chủ trương của tỉnh, huyện là không phát triển lúa tái sinh, nhưng với lợi nhuận mà lúa tái sinh mang lại, nông dân nhiều xã vẫn làm, gia đình tui cũng vậy. Từ đó có thể thấy, với người nông dân, làm nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, dù vất vả mấy mà có lợi nhuận thì cũng sẵn sàng làm...

Song song với những giải pháp nêu trên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, "lách" được thiên tai cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, để người nông dân "mặn mà" hơn với ruộng đồng. Tại hội nghị lần thứ 23, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiều đại biểu cũng đã tham gia ý kiến về tình trạng nông dân bỏ ruộng, đồng thời chỉ ra nhưng giải pháp quan trọng, trong đó có việc chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như ngô, đậu xanh, dưa hấu, mướp đắng, các loại rau..., bước đầu đã mang lại lợi nhuận gấp 2,5 lần so với trồng lúa.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này, góp phần hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang và nâng cao giá trị sản xuất, phát huy được lợi thế của địa phương...

Hy vọng rằng, bên cạnh sự nỗ lực của người nông dân và tình yêu với ruộng đồng, sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng, những vụ mùa tới, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ dần được khắc phục và tỉnh nhà sẽ tiếp tục có những vụ mùa bội thu.

Ngọc Mai