.

Nỗ lực thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính

Thứ Sáu, 03/10/2014, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiệu ứng nhà kính tự nhiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là duy trì sự sống trên trái đất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự can thiệp quá mức của con người đã làm tăng nồng độ các loại khí nhà kính trong bầu khí quyển, làm cho trái đất nóng lên và gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung của quốc gia là hạn chế sự ấm lên của toàn cầu và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tỉnh ta đang rất nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển nguồn năng lượng tái tạo và giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính.

Theo cơ quan Khí tượng học thế giới (WMO), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính năm 2020 dự kiến cao hơn gấp nhiều lần so với mức cần thiết để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C vào năm 2020.

Ở nước ta hiện nay, sản xuất nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn nhất. Lượng phát thải mỗi năm tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là do đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Dự báo lượng khí thải đến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng lên gần 30%. Các ngành gây phát thải khí nhà kính tiếp đến là năng lượng, thay đổi sử dụng đất và rừng, công nghiệp và chất thải.

Trước thực trạng này, nước ta buộc phải cải cách cơ cấu công nghệ theo hướng thay đổi hoặc bổ sung công nghệ, nhằm hoàn thiện hiệu suất năng lượng và giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo đó, để hạn chế sự ấm lên toàn cầu, cần phải hạn chế và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những khí nhà kính khác; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những loại nhiên liệu sạch, mới thân thiện với môi trường như hydrogen cũng như nhiều nhiên liệu xanh và nhiên liệu tái sinh khác.

Mặt khác, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn rừng, đất nông nghiệp, nguồn nước và những hệ sinh thái cũng là động thái quan trọng cho phát triển bền vững, bảo vệ hành tinh khỏi thảm họa thay đổi khí hậu. 

Trao đổi với chúng tôi về những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thời gian qua, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 24-11-2011 phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 1328/KH-UBND  ngày 29-10-2012 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015.

Trong đó, đưa ra định hướng giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền kinh tế  các-bon thấp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã tham gia Chương trình hợp tác của Liên Hiệp quốc về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng tại Việt Nam”.

Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp  tiết kiệm điện năng và thân thiện với môi trường.
Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp tiết kiệm điện năng và thân thiện với môi trường.

Chương trình này sẽ hỗ trợ ngành lâm nghiệp góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2020 trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời thực hiện thành công các chiến lược, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, lâm nghiệp, tăng trưởng xanh và hướng đến phát triển bền vững. Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các chương trình phát triển hầm khí sinh học từ chất thải trong chăn nuôi, tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón hữu cơ sinh học.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV thực hiện dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, thông qua sản xuất lúa gạo bền vững” do Chính phủ Úc tài trợ, với mục tiêu hỗ trợ, xây dựng năng lực cho hộ nông dân trồng lúa và các cơ quan liên quan để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và cải thiện lợi ích cho hộ dân, thông qua  việc sản xuất lúa theo quy trình thâm canh cải tiến SRI. Hiện nay, theo đánh giá giữa kỳ thì dự án đã góp phần giảm từ 26 đến 32% tiềm năng sinh khí gây hiệu ứng nhà kính.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi còn được biết tỉnh ta đang triển khai dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dự án QBSC có tổng đầu tư gần 13,8 triệu USD, bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc, cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho trên 1.500 hộ gia đình của 55 thôn, bản và 78 đơn vị dịch vụ công trên địa bàn 10 xã lưới điện quốc gia không đến được thuộc các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.

Đây là dự án xanh, sạch, bền vững và thân thiện với môi trường, vừa góp phần tiết kiệm năng lượng, vừa giảm thiểu sự quá tải của điện lưới quốc gia. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 10/CT-CT ngày 11-6-2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các địa phương.

Theo đó, tỉnh đang đưa ra các giải pháp để phấn đấu từ nay cho đến năm 2020 sản xuất vật liệu không nung đạt 120 triệu đến 160 triệu viên/năm, chiếm từ 30 đến 50% vật liệu xây. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu không nung với quy mô hợp lý, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhằm phù hợp với mọi công trình xây dựng. Việc từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây dựng không nung sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực trên các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Ứng phó, giảm nhẹ biến đổi khí hậu đòi hỏi sự nỗ lực của toàn cầu. Riêng đối với tỉnh ta, bằng sự vào cuộc với quyết tâm cao và những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ sạch vào sản xuất bước đầu đã góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh cần phải xây dựng quy chế, giám sát và xử phạt; đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch vào sản xuất.

P.V