.

Nguy cơ sạt lở đất và giải pháp phòng tránh

Thứ Năm, 11/09/2014, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Do điều kiện địa hình ngắn và dốc nên nhiều khu dân cư dọc theo các sông suối trong tỉnh nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá cao. Mùa mưa bão năm nay đã cận kề, nguy cơ sạt lở đất đang dần hiện hữu, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của gần 3.000 hộ dân sống ở vùng thượng nguồn dọc các bờ sông suối, dưới chân các ngọn núi.

Nguy cơ cao

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của UBND tỉnh, Văn phòng Ban PCLB tỉnh đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và một số điểm có nguy cơ sạt lở ở huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá. Qua phản ánh của đồng chí Đinh Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Hoá Sơn, Minh Hoá, thời gian mới đây trên quả đồi của thôn Tăng Hoá, xã Hoá Sơn  đã xuất hiện một vết nứt có bề rộng 1,5m, dài khoảng 30m và vết nứt ngày càng rộng thêm.

Phía dưới chân quả đồi có 20 hộ dân sinh sống và một điểm trường mần non của thôn Tăng Hoá.  Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy quả đồi có vết nứt như phản ánh của người dân; vết nứt này có nguy cơ gây sạt lở đất ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân và điểm trường mầm non.

Qua trao đổi với ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá được biết, trên địa bàn huyện có nhiều điểm nguy cơ cao xảy ra lở núi, sạt khe. Trong số đó có khu vực thôn Bình Minh 1, xã Trung Hóa là một điểm rất đáng lo ngại sạt núi trước mùa mưa bão năm nay. Thôn Bình Minh 1 có 90 hộ với 450 nhân khẩu, trong đó có 20 hộ với 82 nhân khẩu sống nép mình dưới lèn Giang. Cứ đến mùa mưa bão hàng năm, các hộ này đều nơm nớp lo sợ vì nạn đá rơi, đá lở.

Ông Đinh Xuân Tịnh, thôn Bình Minh cho biết, năm trước khi thôn đang tổ chức họp chi bộ thì bỗng nghe một tiếng ầm rất to, mọi người giật mình nhìn lên thì thấy đỉnh lèn Giang nứt toác. Liền sau đó là hàng trăm tảng đá lở rơi xuống vương vãi, có nhiều tảng đá to ước tính hàng chục khối đè nát cây trồng của người dân, may mà không thiệt hại về người. Từ đó đến nay, hiện tượng đá lở ở khu vực này xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Ở địa bàn thị trấn Quy Đạt, 14 hộ dân ở tiểu khu 4, 5 cũng thường xuyên phải đối mặt với nạn xói lở bờ khe, làm hư hại nhà cửa trong mùa mưa bão. Ông Đinh Văn Hiếu, ngoài 80 tuổi ở thị trấn cho biết: 14 hộ dân này đều tập trung sinh sống gần khe Quy Đạt, vốn là tuyến dẫn nước chính từ đập Ba Nương về cung cấp cho diện tích canh tác của thị trấn. Về mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn dâng cao nên đã gây ra tình trạng xâm thực cục bộ ở tiểu khu 4 khoảng 100m, tiểu khu 5 trên 100m.

Tại huyện Tuyên Hóa, từ sau cơn lũ lịch sử hồi đầu tháng 8-2007 đến nay, hầu hết các xã ven sông Gianh đều bị nạn sạt lở đe dọa, nhưng nặng nhất là các xã: Đức Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa... Sông Gianh đã “ăn” sâu, đe dọa, hàng trăm hộ dân. Đặc biệt, ở xã Thạch Hóa, bờ sông Gianh chỉ cách trụ sở UBND xã và trường tiểu học chưa tới 30m. Điều nguy hiểm ở đây là lòng sông sâu hàng chục mét, làm cho sạt lở xảy ra càng nhanh chóng... Con số hộ dân cần phải di dời khẩn cấp mà chính quyền huyện Tuyên Hoá thống kê đến thời điểm này đã lên đến 78 hộ.

Xói lở bờ khe thượng nguồn sông Kiến Giang.
Xói lở bờ khe thượng nguồn sông Kiến Giang.

Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết, vừa qua huyện đã phối hợp với Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh kiểm tra, rà soát, lên kế hoạch xây dựng 15 khu tái định cư (giai đoạn 2012-2020), di dời khoảng 620 hộ với 2700 khẩu nằm trong khu vực sạt lở ở 8 xã (Văn Hoá, Cao Quảng, Đức Hoá, Phong Hoá...).

Đó là chuyện lâu dài, còn trước mắt huyện đề nghị cho di dời khẩn cấp 86 hộ dân dọc hai bên bờ sông Gianh thuộc các xã Văn Hoá, Phong Hoá, Đức Hoá  trước mùa mưa bão năm nay. Số còn lại huyện xin kinh phí để di dời dần từ nay đến năm 2020.

Dọc bờ sông Gianh, thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa là một trong những địa phương bị xói lở rất nặng nề do ảnh hưởng của các trận lũ trước. Ông Đoàn Xuân Tiến, thôn Kinh Trừng cho biết, toàn thôn có 61 hộ với 327 nhân khẩu, là một thôn công giáo toàn tòng.

Các trận lũ những năm gần đây, nước lũ ở thượng nguồn sông Gianh tràn về đã làm xói lở một điểm với chiều dài gần 1000m, có hộ chỉ còn cách bờ sông khoảng 2m. Hiện tại, đã có 18 hộ thực hiện di dời vào bên trong nhằm bảo đảm an toàn về con người, tài sản cũng như ổn định sản xuất. Còn khoảng vài chục hộ nằm trong khu vực có nguy cơ bị xói lở chưa di dời được.

Thị xã Ba Đồn có trên 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, có điểm sạt lở đã lấn vào đất liền tới 20m với chiều dài từ 1km đến 3km; có 350 hộ dân sống ở các xã: Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Lộc đang nằm vào diện phải di dời, trong đó có 68 hộ buộc phải di dời khẩn cấp. Ở xã Quảng Hải, một xã cồn bãi được bao bọc bởi hai nhánh của sông Gianh, ông Cao Ngọc Vĩ, ở xã Quảng Hải cho biết, bình thường mỗi năm sông Gianh đã xâm thực vào Quảng Hải từ 5-7m với chiều dài trên 3,5km. Kể từ sau cơn lũ lịch sử năm 2007, đến nay nạn sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn, hiện đã có gần 60 hộ dân của xã bị đe doạ nghiêm trọng từng ngày, từng giờ...

Trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, qua thống kê cho thấy có 68 hộ dân ở khu vực thượng nguồn sông Kiến Giang (thuộc xã Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ, Văn Thuỷ) nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi và xói lở bờ suối. Trong đó có 32 hộ ở xã Lâm Thuỷ nằm trong khu vực con suối bản Bạch Đàn, bản Chút Mút có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống bất kể khi nào. 

Huyện Quảng Ninh, có 45 hộ ở thôn Quyết Thắng, bản Lâm Ninh, bản Bắc Kim Sen nằm sát bờ sông Long Đại là khu vực đang xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Huyện đang lập kế hoạch di dời toàn bộ 45 hộ này đến khu tái định cư Vai Bà Nà, thôn Rào Đá, xã Trường Xuân trước mùa mưa bão năm nay.

Biện pháp di dời

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp tối ưu để đối phó với sạt núi, lở sông ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục PCLB cho biết, phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ.

Qua khảo sát tình hình ở các địa phương trong tỉnh của Ban PCLB tỉnh cho thấy, tỉnh ta có đến 11.000 hộ dân nằm trong diện di dời với nhiều lý do như thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và bị thiên tai đe dọa. Trong đó, số hộ dân di dời khẩn cấp do bị thiên tai đe dọa khoảng 3.000 hộ. Giai đoạn 2006 - 2011, các địa phương thực hiện di dời 1.348 hộ/1.983 hộ, số vốn đã bố trí 84 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch giao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc di dời chậm là do nguồn vốn của Trung ương phân bố cho việc di dời rất thấp so với yêu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Phụng cho biết, nhu cầu di dời rất lớn, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên hàng năm các địa phương chỉ di được số lượng nhỏ, ưu tiên di dời khẩn cấp cho các hộ có nguy cơ cao nằm trong khu vực sạt lở đất đá, xói lở mất nhà ở. Trong 2 năm (2012-2013), bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương đã thực hiện di dời 217 hộ, trong đó huyện Minh Hóa  66 hộ, Tuyên Hóa 11 hộ, Quảng Trạch 74 hộ, Bố Trạch 36 hộ, Quảng Ninh 30 hộ.

Năm 2014, theo kế hoạch được duyệt (Quyết định số 1870/QĐ-UBND tỉnh phê duyệt ngày 16-7-2014) sẽ bố trí di dời 102 hộ, trong đó huyện Minh Hóa 20 hộ, Quảng Trạch 10 hộ, Bố Trạch 10 hộ, Quảng Ninh 10 hộ, thị xã Ba Đồn 52 hộ. Hiện tại các địa phương đang triển khai thực hiện,  dự kiến đến cuối tháng 12-2014 sẽ hoàn thành di dời 102 hộ này.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, do số hộ dân nằm trong diện di dời quá lớn, các địa phương rất khó trong việc bố trí quỹ đất mới cho người dân, kinh phí hỗ trợ cho di dời của địa phương cũng chưa đảm đương nổi. Kinh phí cho các biện pháp di dời và chống sạt lở bờ sông phải ngốn hàng trăm tỷ đồng, đó là một số tiền rất lớn, vì vậy chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương.

Trọng Thái